Nghệ An khởi sắc chi trả dịch vụ môi trường rừng

Đình Tiệp| 23/08/2019 15:00

(TN&MT) - Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo NĐ 147 của Chính phủ được triển khai đến nay là năm thứ 8 ở Nghệ An.

Bản Đồng Tiến, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong nằm trong vùng đệm của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Hoạt. Hơn 50 hộ đồng bào các dân tộc ở đây hiện nhận khoán bảo vệ hơn 1.300 ha rừng và mỗi ha rừng như vậy được hỗ trợ trên 500 ngàn đồng/năm từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Số tiền này không thuộc ngân sách nhà nước hỗ trợ như trước mà là của doanh nghiệp khai thác tài nguyên trên địa bàn có rừng phải trích và trả cho người dân có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng.

anh-4.jpg
Người dân đi tuần tra rừng trong vùng chi trả DVMT

Quế Phong hiện đang quản lý hơn 144 ngàn ha rừng, riêng diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng là 66 ngàn ha. Trên địa bàn hiện có 8 nhà máy thủy điện, trong đó đã có 5 nhà máy tham gia dịch vụ môi trường rừng. Hàng năm, chính quyền địa phương và các chủ rừng đã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về pháp luật bảo vệ rừng. Nhất là khi quyền lợi của người dân đã được đáp ứng, theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Còn tại huyện Tương Dương, diện tích đất rừng hiện có hơn 256 ngàn ha, riêng diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng là 131 ngàn ha, trên địa bàn có 4 nhà máy thủy điện đã phát điện là: Bản Vẽ, Khe Bố, Bản Ang, Nậm Nơn. Đối với các doanh nghiệp khai thác tài nguyên thiên nhiên, đào đắp, tích nước lòng hồ để sản sinh ra năng lượng điện, tính ra 1 kwh điện thương phẩm, nhà máy thủy điện phải trích ra 36 đồng (trước đây là 20 đồng) để nộp vào quỹ dịch vụ môi trường rừng. Nguồn quỹ này sẽ được hỗ trợ cho chủ rừng và tất cả người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng trên lưu vực thủy điện.

anh-3.jpg
Công tác trồng rừng thay thế từ nguồn DVMTR

Nói về các giải pháp thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, ông Nguyễn Khắc Lâm - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An, cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 37 đơn vị ký hợp đồng ủy thác; trong đó có 19 cơ sở sản xuất thủy điện, 8 cơ sở sản xuất nước sạch và 10 hợp đồng thí điểm cơ sở sản xuất công nghiệp (đã hết hạn năm 2018). Riêng 7 tháng đầu năm 2019, đơn vị đã thu được trên 65 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng từ nội tỉnh; trong đó, cơ sở sản xuất thủy điện là trên 64 tỷ đồng và gần 700 triệu đồng thu từ cơ sở sản xuất nước sạch. Hiện, đã chi cho các chủ rừng và các hoạt động bảo vệ phát triển rừng là trên 60 tỷ đồng.

Gần 8 năm qua, trên địa bàn, việc áp dụng Nghị định 147 (thay thế NĐ 99) của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã đạt được hiệu quả nhất định. Đến nay, nguồn quỹ đã thu và chi trả dịch vụ môi trường rừng là trên 500 tỷ đồng cho tổng diện tích hơn 300.000 ha, trên địa bàn 6 huyện nằm trong lưu vực. Nhờ vậy, người dân đồng bào dân tộc thiểu số có một nguồn thu nhập đáng kể hàng năm do nhận khoán bảo vệ rừng. Điều này đã làm giảm áp lực tình trạng đốt nương làm rẫy và tăng độ che phủ của rừng của Nghệ An.

“Trong thời gian tới chúng tôi đã định hướng tiếp tục tranh thủ sự quan tâm ủng hộ của các ngành, các cấp, góp phần hoàn thiện chính sách. Mặt khác mở rộng quan hệ đối tác để tăng thêm nguồn thu xã hội hoá. Hiện, chúng tôi đang triển khai công tác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua tài khoản ngân hàng hoặc các giao dịch thanh toán điện tử khác; nâng cao nghiệp vụ và tổ chức hướng dẫn quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, đặc biệt ở cấp cơ sở, thôn bản để tạo sự minh bạch, hiệu quả hơn" – Ông Nguyễn Khắc Lâm, cho biết thêm .

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An khởi sắc chi trả dịch vụ môi trường rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO