Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rìa phía Bắc của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Trung Bộ nên từ ngày 15/10 đến ngày 20/10/2020, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có mưa vừa mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-400mm, có nơi trên 400mm.
Để chủ động khắc phục mưa lũ, Chủ tịch UBND - Trưởng ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành và đơn vị liên quan, thực hiện ngay một số việc cấp bách sau đây:
Thực hiện nghiêm túc nội dung Điện của Thường trực Ban Bí thư ngày 16/10/2020 về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung; Công điện số 1411/CĐ-TTg ngày 18/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 27/CĐ-TWPCTT ngày 17/10/2020 của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai; Công điện Khẩn số 01-CĐ/TU ngày 18/10/2020 của Tỉnh ủy.
UBND các cấp, các Đoàn thể tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị tai nạn, gia đình chính sách, gia đình bị thiệt hại nặng trong đợt mưa lũ vừa qua, trích kinh phí dự phòng của huyện để hỗ trợ theo quy định; hướng dẫn nhân dân giúp nhau tự khắc phục thiệt hại về nhà cửa, tài sản, vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất lúa, ngô, rau màu bị ngập; sửa chữa các trường học, khắc phục công trình nước sạch để phục vụ sinh hoạt cho nhân dân.
Công tác khắc phục hậu quả mưa lũ đang được tiến hành khẩn trương ở Nghệ An |
Kiểm tra, rà soát ngay các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của đơn vị, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt để bảo đảm an toàn và tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Vận hành công trình trong các hệ thống thuỷ lợi, đê điều, chủ động tiêu nước kịp thời phù hợp với tình hình của từng địa phương; kiểm tra, bảo vệ an toàn các hồ đập. Quản lý chặt chẽ và hướng dẫn giao thông ở các bến đò; các tuyến đường giao thông, các ngầm, tràn bị ngập, sạt lở, tiến hành cắm tiêu, cử người trực, gác, cấm đường, phân luồng, hướng dẫn giao thông đi lại để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, báo cáo thường xuyên về UBND tỉnh (qua Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh) biết để xử lý kịp thời.
Di dời hàng trăm hộ dân ở vùng cao
Ngày 22/10, ông Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, đến thời điểm hiện tại địa phương đã sơ tán 1.146 người dân trong vùng nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn.
Theo đó, mưa lớn kéo dài trong những ngày qua trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, Nghệ An đã làm đất dễ vỡ kết cấu, gây sạt lở tại tuyến đường Chiêu Lưu - Na Ngoi, đoạn qua bản Phú Quặc 1 của xã Na Ngoi. Nhiều khu vực dân cư cũng nằm trong vùng nguy hiểm khi đất, đá có thể sạt lở đổ ập xuống bất cứ lúc nào.
Di dời hàng trăm hộ dân ở huyện biên giới Kỳ Sơn |
Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, trong các ngày từ 18 đến 20/10, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện Kỳ Sơn đã trực tiếp xuống địa phương các xã nằm trong vùng xung yếu có nguy cơ sạt lở cao như Mường Típ, Mường Ải, Bảo Nam, Chiêu Lưu triển khai sơ tán và di dời khẩn cấp các hộ gia đình để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân. Theo đó, công tác sơ tán nhân dân về khu lán trại tập trung gồm 225 hộ/1.146 khẩu.
Thậm chí tại các vùng nguy hiểm, trong đêm lực lượng chức năng đã đến từng gia đình vận động người dân di dời đến khu lán trại tập trung để đảm bảo an toàn. Tại các khu lán trại tập trung người dân được tiếp tế các nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống. Bên cạnh đó, UBND huyện Kỳ Sơn cũng chỉ đạo tháo dỡ, di dời tài sản một số hộ dân nằm trong vùng sạt lở.
Trong một diễn biến khác, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 4 giờ sáng nay (22/10), vị trí tâm bão ở khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 116,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 470km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 13. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 04 giờ ngày 23/10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 14.
Để chủ động ứng phó với bão, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Nghệ An đề nghị Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ huy PCTT - TKCN các huyện ven biển: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Thị xã Hoàng Mai, Thị xã Cửa Lò; Bộ chỉ huy quân sự tỉnh; Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh; Công an tỉnh; Ban chỉ huy PCTT - TKCN các sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Thông tin và Truyền thông…và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Thực hiện nghiêm túc công điện số 29/CĐ-TWPCTT ngày 19/10/2020 của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; công điện số 30/CĐ-TW ngày 20/10/2020 của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT- Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN.
Công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 8 cũng đang được tiến hành khẩn trương |
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, thông báo cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Theo ông Nguyễn Trường Thành – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An, cho biết, tỉnh Nghệ An có 3.485 phương tiện/17.473 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản; tính đến 10h0 ngày 21/10/2020, cụ thể: Đang hoạt động tại vùng ven biển Nghệ An có 75 phương tiện/226 lao động; Hoạt động ngoài khơi Vịnh Bắc bộ và ngoại tỉnh là 02 phương tiện/21 lao động.
Đang trú tránh ớ các tỉnh khác là 27 phương tiện/168 lao động; cụ thể: Vũng Tàu có 06 phương tiện/44 lao động; Đà Nẵng: 16 phương tiện/73 lao động; Quảng Trị: 01 phương tiện/12 lao động; Bình Định: 01 phương tiện/08 lao động; Quảng Bình: 01 phương tiện/09 lao động; Bình Thuận: 01 phương tiện/12 lao động; Thanh Hóa: 01 phương tiện/10 lao động. Đang neo đậu tại bến: 3.381 phương tiện/17.058 lao động.