Tại huyện Kỳ Sơn, Đoàn đại biểu Quốc hội gồm các ông: Lê Quang Huy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội; Nguyễn Hữu Cầu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An có buổi tiếp xúc với cử tri tại các xã Phà Đánh, Mường Típ, Mỹ Lý và Mường Ải.
Cử tri Lô Văn Liễu - Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý cho biết, thiên tai bão lũ vừa qua khiến người dân xã Mỹ Lý bị thiệt hại nặng nề, 93 hộ dân bị ngập, 8 hộ bị trôi nhà và tài sản, phải di dời khẩn cấp 43 hộ, đến nay hơn 20 hộ dân vẫn chưa có nhà ở. Vì vậy cử tri mong muốn các cấp, các ngành cần có đề án để di dân tái định cư, tạo điều kiện giúp người dân yên tâm sản xuất.
Đề cập đến vấn đề thủy điện, cử tri xã Mường Ải bày tỏ băn khoăn về việc ngoài đóng góp của các công trình thủy điện đến sự phát triển của đất nước thì hiện nay nhiều dự án cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân. Cử tri đề nghị dừng thi công các dự án thủy điện trên địa bàn, đồng thời những đơn vị vận hành hệ thống thủy điện trong đợt xả lũ vừa qua, cần có cơ chế đền bù thỏa đáng cho người dân bị ảnh hưởng.
Tại huyện Tương Dương, cử tri Chương Văn Thành - Trưởng bản Xiêng Hương cho biết, trong đợt xả lũ thủy điện vào ngày 30, 31/8 vừa qua trên địa bàn xã Xá Lượng đã có 164 hộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có 2 ngôi nhà bị sập; 4 nhà phải tháo dỡ; 19 nhà nguy cơ sạt lở phải di dời; 7 hộ bị ngập khiến cho người dân đang sinh sống ở hạ lưu của các nhà máy thủy điện nói chung và nhân dân bản Xiêng Hương nói riêng vô cùng khó khăn. Vì vậy, cử tri cũng đề nghị Quốc hội xem xét hậu quả trong đợt xả lũ vừa qua thuộc trách nhiệm của nhà máy thủy điện nào, để từ đó có các biện pháp khắc phục giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Xung quanh về vấn đề thủy điện, cử tri Vi Chính Hùng, bản Xiêng Hương cũng bày tỏ băn khoăn trước việc các nhà máy thủy điện (Bản Ang, Nậm Nơn, Khe Bố) đã đưa vào vận hành nhưng vẫn chưa đền bù, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Bên cạnh đó, nhà máy thủy điện Nậm Nơn trước khi thi công công trình đã không khảo sát để di dời nhà dân. Vì vậy, trong quá trình hoạt động đến nay nhiều hộ dân sống gần thủy điện có hiện tượng sạt lở, rạn nứt. Do đó, cử tri cũng kiến nghị các cấp thẩm quyền làm việc với các chủ công trình thủy điện, sớm giải quyết thỏa đáng cho dân.
Trả lời câu hỏi của các cử trị, Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, thông tin: Đợt bão lũ số 3, số 4 và xả lũ vừa qua đã để lại hậu quả nặng nề khiến toàn tỉnh Nghệ An thiệt hại hơn 458 tỷ đồng, trong đó huyện Tương Dương thiệt hại khoảng hơn 100 tỷ đồng. Để khắc phục hậu quả do thiên tai, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo và hỗ trợ các địa phương, các gia đình bị thiệt hại. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh đã có văn bản trình lên Chính phủ đề xuất hỗ trợ cho bà con bị ảnh hưởng bởi bão lũ, sớm ổn định đời sống và tiếp tục sản xuất.
Về vấn đề liên quan đến nhà máy thủy điện, đại biểu cho biết, hiện nay, huyện Tương Dương có 4 nhà máy thủy điện đang hoạt động và 2 nhà máy thủy điện đang triển khai thi công. Ngày 12/9/2018, Công ty Thủy điện Bản Vẽ đã đề xuất Tổng Công ty Phát điện 1 hỗ trợ huyện Tương Dương 400 triệu đồng, huyện Con Cuông 100 triệu đồng.
Hiện nay lãnh đạo tỉnh Nghệ An đang tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng của các đoàn kiểm tra toàn bộ thiệt hại. Theo quan điểm của lãnh đạo tỉnh Nghệ An, đặc biệt là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: những nhà máy thủy điện nào xả lũ gây thiệt hại cho dân thì phải đền bù thỏa đáng co người dân.