Xã hội

Ngát xanh những cánh rừng “đặc sản”

Đình Tiệp 23/08/2023 - 16:05

Bằng niềm đam mê và sức chăm bẵm của con người, chỉ trong một thời gian ngắn mà những loại cây đặc sản của vùng đất Quế Phong đã được hồi sinh. Những cánh rừng quế xanh bạt ngàn che khuất những quả đồi trùng điệp; vườn trà hoa vàng được ươm thành công và phát triển rất tốt với kỳ vọng lớn. Tất cả như một “kỳ tích” đang dần làm vùng đất biên giới xứ Nghệ thay da, đổi thịt.

“Rước” cây trà hoa vàng về vườn nhà

Khi đến xã Châu Kim, huyện biên giới Quế Phong (tỉnh Nghệ An) hỏi không ai là không biết anh Hà Minh Tuấn. Những năm nay anh Tuấn đã rất nổi tiếng bởi cách nghĩ, cách làm táo bạo là “thuần hóa” cây trà hoa vàng tự nhiên thành “cây vườn nhà mình”.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Nông Lâm, Trường Đại học Vinh, chàng trai trẻ Hà Minh Tuấn vượt qua nhiều ứng viên nặng kí để trở thành Phó chủ tịch xã Châu Kim (Quế Phong) theo “Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo”. Tuấn nói, tôi rất may mắn được về chính mảnh đất quê hương mình công tác, đó không chỉ là niềm vui mà còn là khát vọng được cống hiến chút kiến thức mình đã học được trên ghế nhà trường cho bản làng, quê hương.

anh-1.jpg
Cây trà hoa vàng giống của anh Hà Minh Tuấn.

“Ý tưởng nhân giống cây trà hoa vàng cũng xuất phát từ khát vọng này. Quê tôi rất nghèo, đất đai sản xuất ít, chỉ toàn rừng là rừng. Nhưng người dân khai thác từ rừng mãi thì cũng sẽ cạn kiệt. Phải vừa khai thác vừa bảo vệ rừng, đó mới là sinh kế bền vững. Từ nhỏ tôi đã được biết đến cây trà hoa vàng. Ông bà tôi cũng thường hái trà hoa vàng về sử dụng, nghe nói chữa được nhiều loại bệnh tật, nhất là ngăn ngừa tế bào ung thư. Nhưng cây trà hoa vàng lại mọc phân tán trong rừng, để thu hái được nó cũng kỳ công lắm. Và, thường thói quen của bà con là chỉ thu hái mà ít bảo vệ, chăm sóc. Về xã, trong nhiều cuộc luồn rừng tuần tra, tôi mê mẩn trước sắc hoa vàng óng ánh. Từ đó, ý tưởng “rước” cây trà hoa vàng về vườn nhà đã loé lên” – Tuấn tâm sự.

Tuấn kể tiếp, năm 2007, tôi được điều về làm Phó Chủ tịch xã Châu Kim, phụ trách về mảng nông nghiệp. Chính vì thế mà tôi có điều kiện để hiểu thêm hơn về cây trồng, vật nuôi ở quê hương mình. Và cũng chính những ngày luồn rừng, tìm hiểu tôi mới nóng ruột về cây trà hoa vàng đang bị thu hái vô tội vạ. Nếu không có phương án bảo tồn, phát triển thì sợ rằng ngày cây trà hoa vàng biến mất sẽ không còn xa. Trong lúc giá trị kinh tế của nó là rất cao. Hiện, 1kg trà hoa vàng sấy khô, có giá từ 6 đến 8 triệu đồng.

Trà hoa vàng cứ loé nở trước mắt tôi mỗi ngày. Tôi ước ao một ngày, vườn rừng nhà mình vàng rộm màu hoa. Ngặt là, mình chưa thể đủ kiến thức và kinh nghiệm để có thể nhân giống loại cây này. Không còn cách nào khác, phải tiếp tục đi học thôi. Thế là Tuấn lại khăn gói đi học cao học. Và, đề tài nghiên cứu của Tuấn cũng không gì khác ngoài trà hoa vàng. Tuấn đã đi hết Sóc Sơn, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc…tìm gặp bao nhiêu chuyên gia, thậm chí mời họ về tận Châu Kim để hướng dẫn kỹ thuật ươm giống, chiết cành, chăm sóc…Sau nhiều năm đầu tư về trí óc, tiền bạc, công sức. Cuối cùng anh Tuấn đã tự tay ươm thành công giống trà hoa vàng.

Vừa hướng dẫn chúng tôi tham quan vườn ươm, Tuấn vừa giải thích: Khâu đầu tiên là phải chọn cho được những cành trà hoa vàng khoẻ, đẹp để làm giống. Tiếp đó là trộn đất và các loại phân bón với một tỷ lệ thích hợp để đóng bầu. Khi đã dâm giống vào bầu thì hết sức chú ý đến công đoạn nước tưới. Loại cây này có đặc điểm là sống ở nơi ẩm ướt nên phải tưới tắm thường xuyên. Khi cây đã cứng cáp, chừng 7 đến 8 tháng thì phải cắt cành, đổi bầu đất cho cây để kích thích bộ rễ phát triển phù hợp. Chừng một năm tuổi thì có thể đem ra trồng được rồi. Anh Tuấn cũng rất vui cho biết hiện vườn nhà mình đã trồng được hơn 3.500 cây trên diện tích hơn 3 ha, cuối năm nay khi mùa xuân đến thì anh sẽ trồng thêm khoảng 3.000 đến 4.000 cây nữa.

anh-2.jpg
Hơn 5000 gốc trà hoa vàng của anh Tuấn đã dâm hom thành công.

Thấy tôi băn khoăn về số cây giống trong vườn ươm nhiều hơn nhu cầu, Tuấn giải thích: Số còn lại tôi cho bà con trong bản để họ cùng trồng. Từ ngày nhân giống thành công đến nay, tôi đã cung cấp cho bà con hơn 10.000 cây, nhiều nhà đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp để trồng trà hoa vàng rồi.

Anh Tuấn kể, sau khi biết tôi ươm thành công giống trà hoa vàng bản địa thì không chỉ người dân ở đây mà nhiều anh em bạn bè ở khắp nơi đều liên hệ để xin mua giống về trồng nhưng tôi không bán. Bạn bè ở xa thì có thể biếu vài cây trồng thử còn lại đang ưu tiên giống cho bà con dân bản. “Cây giống thì cứ giúp bà con trước đã, chừng nào mọi người thấy hiệu quả kinh tế từ trà hoa vàng mang lại thì tự khắc họ sẽ tìm đến mua giống. Khi đó bán cũng chưa muộn” – Anh Tuấn, quả quyết.

“Chỉ một năm nữa thôi Nhà báo ơi, khi đó khu vườn này sẽ là một màu lấp lánh ánh hoa vàng của cây đặc sản quê hương tôi” – Anh Tuấn, khẳng định chắc nịch.

Quế Quỳ - Kỳ vọng sẽ là cây làm giàu

Anh Nguyễn Văn Mạnh - Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt) cùng đồng nghiệp dùng xe máy chở chúng tôi vào bản Na Hứm, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong - Nơi có đến 50 hộ dân trồng khoảng trên 70 héc ta cây quế.

“Dân bản ở đây rất khoái trồng cây quế. Trước đây, đã có thời họ nói “không” với loại cây này vì lúc đó giá rẻ, đời sống của bà con lại khó khăn nên họ chuyển sang trồng cây keo vì nhanh chóng được thu hoạch. Thế nhưng, thời gian gần đây sau khi bán keo họ lại chuyển sang trồng cây quế vì những lợi ích kinh tế mà loài cây này mang lại” – Anh Mạnh, kể.

Anh Ngân Văn Tuấn, người đang sở hữu khoảng 1 vạn cây quế trên diện tích hơn 4 héc ta ở bản Na Hứm, cho hay: “Sau khi vào tái dịnh cư tại bản Na Hứm từ dự án thủy điện Hủa Na, tôi bắt đầu trồng cây quế từ năm 2004. Lúc đó giá thương lái thu mua quế đã bắt đầu tăng, hơn nữa bản thân tôi nghĩ cây quế là loài cây bản địa. Từ thời cha ông đều trồng cây quế, đất vùng này rất hợp nên quế phát triển rất tốt. Tương lai sẽ rất đáng chờ đợi…”.

Cũng theo anh Tuấn, trong những năm gần đây, được sự vận động của cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cũng như được sự hỗ trợ của Ban về giống cây, kỹ thuật, phân bón…nên người dân như anh rất tự tin trồng loại cây này thay thế cây keo có nhiều rủi ro gãy đổ do mưa bão, giá trị kinh tế thấp.

anh-3.jpg
Vườn ươm giống Quế Quỳ cung ứng cho người dân trồng trên địa bàn Quế Phong.

“Cán bộ Pù Hoạt hướng dẫn chúng tôi trồng quế mỗi cây phải cách nhau 3 đến 3,5m; đào hố sâu 20x20cm, phân thì bón thì không nên bón nhiều vì quế là cây có tính chất nóng… có thế cây mới phát triển tốt” – Anh Tuấn, cho biết.

Anh Lang Văn Châu, cũng ở bản Na Hứm, tâm sự rằng: Trước đây gia đình cũng trồng cây keo, dù trồng keo chỉ từ 5-7 năm là cho thu hoạch nhưng mức đầu tư về giống, phân bón, hàng rào, chăm sóc…chi phí đầu tư vào rất cao, đặc thù vùng núi cũng hay gió lốc khiến keo bị gãy đổ rất nhiều, năng suất thấp nên thu hoạch không được bao nhiêu.

Từ đó, gia đình anh Châu thấy được những giá trị của việc trồng cây quế nên từ năm 2014 đã bắt đầu trồng 7.000 cây trên diện tích khoảng 2 héc ta.

“Cây quế phát triển rất tốt và thực tế hàng năm đã cho thu hoạch phần tỉa cành, lá bán cho thương lái chiết xuất tinh dầu. Mỗi đợt cắt tỉa cành như vậy cũng bán được vài triệu đồng. Lấy ngắn nuôi dài, cây quế chỉ cần trồng vài ba năm là đã có thể cắt tỉa cành để bán, cho thu nhập, vừa để “nuôi” thân cây, cho cây phát triển nhanh hơn. Phần thu hoạch từ việc cắt tỉa cành, lá cây quế để quay vòng đầu tư phân bón, công chăm sóc và các chi phí đầu tư khác…” – Anh Châu, phấn khởi cho biết.

Trong cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt được biết, từ năm 2018, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ đã tổ chức điều tra, đánh giá, chọn lọc cây trội quế quỳ trong rừng trồng tại xã Tiền Phong, Mường Nọc với một quy trình khắt khe được đưa về vườn ươm giống cây Na Chạng, xã Tiền Phong.

Theo đó, cây quế được sưu tầm chọn lựa ở hàng trăm hộ dân, được tính toán các giá trị trung bình của đường kính, chiều cao vút ngọn, chiều cao dưới cành, đường kính tán, độ dày vỏ trên cây vào phiếu điều tra cây trội. Giữa hàng ngàn cây, các chuyên gia chỉ chọn được 10 cây trội đạt các tiêu chuẩn. Các cây này sau khi được Sở, ngành thẩm định, công nhận và cấp chứng chỉ đã được lập hồ sơ quản lý để phục vụ việc nhân giống lâu dài.

anh-4.jpg
Những cánh rừng quế đặc sản hàng trăm héc ta đang mang lại kỳ vọng lớn thoát nghèo cho bà con đồng bào dân tộc vùng biên giới Quế Phong.

Tại vườn ươm giống cây Na Chạng có hàng chục cây giống mẹ quế quỳ đạt tiêu chuẩn được lựa chọn để nhân giống. Trạm trưởng Ngô Xuân Hải cho biết, hiện vườn ươm Na Chạng đang có trên 10 vạn cây quế giống hơn 4 tháng tuổi. Cây giống khi đến 1 năm tuổi là sẽ bắt đầu cung ứng cho người dân trồng. Từ năm 2017 đến nay, được sự hỗ trợ giống và kỹ thuật của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt thì người dân ở nhiều xã như Thông Thụ, Đồng Văn, Tiền Phong, Hạnh Dịch, Châu Kim, Nậm Giải…đã trồng được hơn 250 héc ta cây quế. Diện tích nói trên sẽ không ngừng tăng lên nhanh chóng trong tương lai gần.

“Quế Quỳ là cây đặc sản, tinh dầu quế của quế Quỳ có các thông số vượt trội so với các giống quế ở các địa phương khác. Quế là nguyên liệu quý trong công nghiệp dược phẩm và thực phẩm, gỗ quế còn được dùng làm đồ mộc gia dụng. Ngoài ra, do có tán lá dày, rậm và xanh quanh năm nên rừng quế còn có tác dụng phòng hộ khá hiệu quả. Vì thế, cây quế là cây đa mục đích không chỉ nhằm góp phần xoá đói giảm nghèo mà kỳ vọng sẽ là cây làm giàu cho đồng bào vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Quế Phong” – Ông Nguyễn Văn Sinh, đặt kỳ vọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngát xanh những cánh rừng “đặc sản”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO