Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương |
Tập trung nguồn lực sẵn sàng triển khai Luật
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, năm 2020, là năm của những khó khăn thách thức: thiên tai khốc liệt, "bão chồng bão, lũ chồng lũ " cùng với tác động của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế với độ mở lớn của nước ta. Nhưng đây, cũng là năm của những kiến tạo về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước để giải quyết các nút thắt, điểm nghẽn để đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, chống dịch hiệu quả, phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với những thành tựu chung của đất nước, ngành tài nguyên và môi trường đã chuyển đổi thành công, biến nguy thành cơ, từ bị động thành chủ động.
Các kiến nghị, các vướng mắc trong quá trình quản lý điều hành như vấn đề đấu thầu dự án có sử dụng đất, quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng dự án lớn, giao đất đối với các dự án, địa bàn ưu đãi đầu tư, dự án có đất công xen cài, phát triển kinh tế biển, giao khu vực biển, hay những vấn đề môi trường đã được giải quyết bằng thể chế, chính sách, pháp luật để các địa phương triển khai thực hiện.
Ngành đã liên tục lắng nghe ý kiến các địa phương, trình Chính phủ ban hành 5 nghị định liên quan tới lĩnh vực đất đai, giải quyết rất nhiều nội dung mà nhiều địa phương đã nêu tại Hội nghị, đặc biệt là liên quan tới việc chuẩn bị đất đai cho các dự án đầu tư. Chuyển hơn 230.000 ha đất sang mục đích phi nông nghiệp, phục vụ các dự án phát triển kinh tế. Khai thác khoáng sản tài nguyên khác vượt dự thu. Dự toán thu từ đất công sản vượt hơn 150%.
Quan trọng hơn, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Sắp tới, có thể chuyển 25% lượng rác thải sinh hoạt hằng ngày thành năng lượng với việc phát triển kinh tế tuần hoàn.
Năm 2021 là năm có ý nghĩa quan trọng, các địa phương cần chuẩn bị điều kiện cần thiết sẵn sàng triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020, để các quy định mới của Luật có thể đi vào thực tiễn cuộc sống ngay sau khi có hiệu lực. Cụ thể, tập trung xây dựng và ban hành các quy định, cơ chế, chính sách của địa phương đã được Luật giao như: cơ chế khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp; ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động xử lý chất thải, xây dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn; …
Trong xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển của địa phương cần nghiên cứu, thực hiện ngay việc lồng ghép kinh tế tuần hoàn, đầu tư phát triển vốn tự nhiên nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Bộ cũng sẽ phối hợp với các bộ ngành, địa phương để xây dựng các quy hoạch có chất lượng, đặc biệt là vấn đề phòng chống thiên tai.
Về biến đổi khí hậu, Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu là bước đột phá về đổi mới tư duy tiếp cận. Các vùng khác như Tây Bắc, Tây Nguyên… cũng cần có những văn bản như vậy.
Những thành tựu của các Bộ, ngành
Qua tham luận của các “tư lệnh” ngành có thể thấy, năm 2020 mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng các lĩnh vực kinh tế xã hội đều đạt kết quả tốt. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định năm 2020 là năm thành công nhất trong 5 năm (2015-2020). Trong năm nay, có 3 thách thức rất lớn đã đối mặt và vượt qua, đó là, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam; thiên tai, dịch bệnh xảy ra từ đầu năm và kéo dài trong cả năm ở nhiều địa phương, khu vực; những cạnh tranh về chính trị và những bảo hộ mậu dịch ở các khu vực trên thế giới ảnh hưởng rất mạnh đến dòng chảy thương mại và kinh tế quốc tế. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, thu ngân sách tăng cao hơn 150.000 tỷ đồng so với đánh giá.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, chưa có năm nào 63 tỉnh thành phố vào cuộc khu vực nông nghiệp mạnh mẽ như năm nay. Chính vì vậy, việc huy động tổng nguồn lực đã đạt được kết quả khi 58 tỉnh thành phố đã có bước bứt phá cao về nông nghiệp.
Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh, năm 2020, ngành Xây dựng tăng trưởng 6,6 %, cao nhất trong các ngành kinh tế. Trong 6 năm qua hầu như không có bong bóng bất động sản dù đã thu hút 17 tỉ USD vốn FDI trong lĩnh vực này. Việt Nam đã có nhiều khu đô thị, khách sạn, resort mang tầm quốc tế và hơn nhiều nước trong khu vực.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương |
Đáng chú ý, ngành Y tế đang bắt đầu bước vào chặng đường đổi mới mạnh mẽ toàn diện ngành y tế để phục vụ người dân được tốt hơn. Ngoài ngoài kết quả phòng chống COVID-19, ngành Y tế được đánh giá là điểm sáng của chương trình chuyển đổi số quốc gia với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng thành tựu số trong y học, tận dụng cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ 4, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ của ngành. Trong phòng chống đại dịch COVID-19, các ứng dụng khai báo y tế kiểm soát dịch bệnh, ứng dụng truy vết, bản đồ an toàn COVID-19 đã được áp dụng rộng rãi.