Trên tinh thần chỉ đạo đó, toàn ngành TN&MT đã và đang nỗ lực đưa ra nhiều quyết sách lớn nhằm góp phần bảo vệ tài nguyên, phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục ô nhiễm, nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường trong lành cho người dân, đảm bảo phát triển bền vững của đất nước.
Bền vững ba trục: Kinh tế - xã hội - môi trường
Trong thế kỷ XXI, các thách thức trung tâm của phát triển bền vững là vượt qua đói nghèo, bất bình đẳng và thiết lập lại sự cân bằng trong hệ thống sinh thái của Trái đất. Các giới hạn phát triển được xác định bởi khả năng tái tạo chu kỳ sống của Trái đất. Khi tăng trưởng bắt đầu phá vỡ sự cân bằng đó, hiện tượng ấm lên toàn cầu sẽ dẫn đến sự suy thoái và phá hủy ngôi nhà chung. Quá trình phát triển của các quốc gia phải nhằm làm giảm lượng tiêu thụ quá mức, thiết lập lại hài hòa giữa con người với thiên nhiên, tạo nên phát triển bền vững của nhân loại. Sống hài hòa với thiên nhiên nghĩa là dựa vào thiên nhiên để sống, chứ không phải bóc lột thiên nhiên.
Việt Nam với tư cách là quốc gia có trách nhiệm với các cam kết quốc tế và trước hết vì sự phát triển bền vững của đất nước, các Nghị quyết Đại hội Đảng, các Bộ luật, Luật, Chiến lược, Quy hoạch... của đất nước, của các ngành, lĩnh vực đều đề cập đến phát triển bền vững. Đảng luôn đề cao bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững. Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, mối quan hệ lớn “Giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội” được bổ sung thêm thành tố: “bảo vệ môi trường”; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2026 tiếp tục khẳng định: “Phát triển nhanh và bền vững; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”. Đó là minh chứng khẳng định, Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Phát triển bền vững đã được Việt Nam xác định là mục tiêu chiến lược, lâu dài.
Không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế là một trong những mục tiêu đã và đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hiện thực hóa bằng một loạt hành động, trong đó, có Kế hoạch Hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Chính phủ Việt Nam đã lồng ghép các chỉ tiêu phát triển bền vững vào tất cả chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Kế hoạch Hành động quốc gia về phát triển bền vững được tổng kết hằng năm để đánh giá những tiêu chí, công việc đã làm được, cũng như các thách thức đặt ra. Chính phủ đã đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia đến năm 2030. Trong đó, có những mục tiêu quan trọng nhằm đảm bảo công tác bảo vệ môi trường như: Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước; ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai; bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững; bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất.
Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; Tăng cường giám sát thực hiện pháp luật về thực hiện Chương trình Mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020; Quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường nhằm thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; tham gia chủ động và tích cực tại các cơ chế hợp tác Nghị viện đa phương và khu vực nhằm thúc đẩy thực hiện các cam kết về phát triển bền vững và BĐKH...
“Lửa thử vàng gian nan thử sức” - để hoàn thành 17 Mục tiêu phát triển bền vững là thách thức rất lớn với tất cả các quốc gia, kể cả những nước phát triển nhất. Việt Nam là nước đang phát triển, còn nhiều khó khăn, nhưng đã mạnh dạn đưa ra những cam kết rất mạnh mẽ về phát triển bền vững. Đến thời điểm này, Việt Nam hoàn thành 2 mục tiêu về giáo dục, tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm. Từ sự khởi xướng về mô hình kinh tế tuần hoàn, nhiều dự án rất cụ thể, các doanh nghiệp phát triển bền vững đã hình thành nhiều hoạt động quy mô lớn trong xã hội, thậm chí trở thành phong trào. Tuy nhiên, không chỉ Chính phủ, doanh nghiệp, mà cộng đồng và từng người dân có vai trò quan trọng không kém trong thực hiện và hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững, cùng với đó là quyết tâm đẩy mạnh hợp tác công - tư với là nòng cốt là cộng đồng doanh nghiệp, trong đó, có các doanh nghiệp phát triển bền vững.
Theo Bộ KH&ĐT và Ngân hàng Thế giới (WB), để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chương trình Mục tiêu cho BĐKH và giai đoạn 2016 - 2020 phân bổ khoảng 15.800 tỷ đồng, trong đó 30% cho tăng trưởng xanh.
Đại dịch Covid-19 đã tác động bất lợi đến kết quả thực hiện các mục tiêu song Việt Nam đã nỗ lực duy trì và tiếp tục đạt được một số tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, với nhiều kết quả nổi bật như tỷ lệ nghèo đa chiều giảm mạnh, từ mức 9,2% năm 2016 xuống còn 4,8% năm 2020. Chỉ số bao phủ các dịch vụ y tế thiết yếu cao hơn mức chung toàn cầu. Năm 2021, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,01% dân số. Tỷ lệ học sinh được công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt ở mức cao, tương ứng 97,2% và 98% năm 2021. Tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh đạt 97,4% năm 2020. Độ che phủ rừng được duy trì và tăng dần qua các năm, đạt 42,02% vào năm 2021.
Việt Nam tiếp tục thực hiện mạnh mẽ cam kết về biến đổi khí hậu (BĐKH) thông qua xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, thích ứng với BĐKH. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26.
Thích ứng biến đổi khí hậu để thịnh vượng
Thích ứng với BĐKH và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị và được Đảng ta xác định là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.
Trên tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, ngành TN&MT xác định 3 nhóm giải pháp cần ưu tiên hàng đầu để ứng phó với BĐKH trong thời gian tới. Cụ thể, ngành TN&MT tập trung nâng cao năng lực dự báo, giám sát khí hậu; giảm thiểu thiệt hại thiên tai và cắt giảm phát thải khí nhà kính. Toàn ngành TN&MT tiếp tục chú trọng xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH với việc xây dựng và phát triển năng lực nghiên cứu, ưu tiên nghiên cứu cơ bản để phục vụ dự báo, cảnh báo và phân vùng rủi ro thiên tai; phát triển hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng; ứng dụng công nghệ chuẩn hóa và hiện đại; hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn; xây dựng hệ thống giám sát BĐKH, nước biển dâng; hệ thống quan trắc tai biến địa chất và phòng chống thiên tai; tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống giám sát bờ sông, bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bằng công nghệ viễn thám.
Để giám sát khí hậu, Bộ TN&MT cập nhật, cụ thể hóa Kịch bản BĐKH, nước biển dâng; xây dựng và cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai của cả nước và chi tiết đến từng vùng, miền, địa phương; tổ chức thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phê duyệt tại Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ; phát triển và nhân rộng các mô hình thích ứng với BĐKH dựa trên hệ sinh thái, dựa vào cộng đồng và dựa vào tự nhiên.
Dựa trên chuỗi số liệu thống kê các chỉ tiêu đến hết năm 2019 (trước khi xảy ra đại dịch Covid-19), Việt Nam dự báo có khả năng đạt được 5/17 mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030, bao gồm các mục tiêu: 1, 2 ,4, 13, 17. Đối với 12 mục tiêu còn lại, sẽ gặp khó khăn, thách thức để đạt được, đặc biệt là mục tiêu 12 về sản xuất và tiêu dùng bền vững và mục tiêu 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương và biển.
Nhằm hướng đến phát triển bền vững, đặc biệt là những vùng dễ tổn thương, Bộ TN&MT triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn thông qua các nhiệm vụ như đánh giá rủi ro do BĐKH theo vùng, miền; cập nhật các bản đồ nguy cơ ngập lụt theo kịch bản nước biển dâng đến cấp xã; triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH; Thực hiện các giải pháp hạn chế khai thác nước dưới đất nhằm giảm sụt lún, nhiễm mặn ở các vùng ven biển, nhất là ở ĐBSCL.
Bộ TN&MT cho biết, sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết số 120, vùng ĐBSCL đã có những thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ theo hướng thuận thiên, bền vững; sinh kế, đời sống của nhân dân được từng bước cải thiện; bức tranh phát triển vùng ngày càng được điểm tô bằng nhiều gam màu sáng. Kết nối hạ tầng giao thông, liên kết vùng đã và đang có nhiều tiến triển. Một số cơ chế chính sách đã được rà soát, bổ sung; Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng ĐBSCL đang được khẩn trương hoàn thành. Nhờ đó, vùng đất “Chín Rồng” đã đạt kết quả đáng mừng như: đóng góp tỷ lệ lớn vào GDP nông nghiệp cả nước: chiếm 31,37% GDP ngành nông nghiệp, đóng góp tới 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% về trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước.
Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (UNESCAP) xếp hàng vị trí thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam tăng từ vị trí 88/149 nước năm 2016 lên vị trí 51/165 nước năm 2021.
Bộ TN&MT xác định đến năm 2025, phấn đấu đạt một số mục tiêu cụ thể qua trọng về ứng phó với BĐKH, điểm hình như nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai nhằm góp phần chủ động phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại thiên tai, BĐKH; triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH và Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH. Hướng tới giảm 7,3% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường theo lộ trình thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Quyết sách lớn kiến tạo tương lai xanh
Ngay trong nội hàm Kế hoạch Hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, lĩnh vực tài nguyên và môi trường đang trở thành nội dung trọng tâm trong quản lý phát triển theo hướng bền vững và ứng phó với BĐKH.
Xác định rõ tinh thần đó, toàn ngành TN&MT đã đoàn kết, thống nhất, tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, bài bản và khoa học các nhiệm vụ, giải pháp, chủ động hóa giải, "biến nguy thành cơ", phát huy các nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH cho phát triển bền vững đất nước.
Một trong những nhiệm vụ năm 2022 và những năm tiếp theo được toàn ngành TN&MT đặt ra là thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong thập kỷ phát triển bền vững; triển khai các giải pháp đột phá nhằm tận dụng các cơ hội hỗ trợ về tài chính, công nghệ, đón đầu dòng vốn đầu tư vào hạ tầng ứng phó với BĐKH, chuyển đổi mô hình phát triển và chuyển đổi năng lượng. Ngành đã và đang quyết tâm thống nhất về nhận thức để tạo ra những thay đổi cơ bản trong tư duy và hành động; tiên phong trong thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường và khí hậu để tạo sức thuyết phục và lan tỏa trong toàn xã hội.
Năm 2022, sự kiện lớn trong quản lý Nhà nước của toàn ngành được đông đảo nhân dân chú ý là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực từ 1/1. Một quyết sách lớn đi vào thực tiễn đời sống xã hội đã và đang thể hiện nỗ lực và vai trò của ngành TN&MT góp phần hiện thực hóa mục tiêu kiến tạo tương lai xanh giai đoạn mới. Thời điểm này, ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên, sự cố môi trường… là những cụm từ đang được nhắc đến nhiều trên các diễn đàn xây dựng chính sách. Hơn bao giờ hết, quyền được sống trong môi trường trong lành, xanh sạch của con người là một yêu cầu cấp thiết và luôn cần được quan tâm đúng mức. Chính vì vậy, nhân dân đang sẵn sàng đón nhân và đặt niềm tin lớn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 sẽ khắc phục, xử lý những bất cập, tồn tại về bảo vệ môi trường phát huy hiệu quả khi đi vào thực tế.
Niềm tin đó hoàn toàn có cơ sở, bởi điểm nhấn của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thể hiện tinh thần của Hiến pháp 2013 là quyền của mọi người dân được sống trong môi trường trong lành. Bảo vệ môi trường phải lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, bảo đảm mọi người dân đều có quyền được sống trong môi trường trong lành; dựa trên cơ sở phòng ngừa là chính, kết hợp với khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường. Đây chính là "điểm cộng" rất lớn của Luật, góp phần thôi thúc người dân đồng hành vì một môi trường xanh.
Cũng trong nhiệm kỳ này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặt vấn đề môi trường lên ngang bằng, thậm chí, cao hơn kinh tế. Trong phát triển bền vững, Việt Nam kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Coi trọng kinh tế mà xem nhẹ môi trường là sai lầm. Bảo vệ môi trường không thể chỉ dùng khẩu hiệu suông, mà phải xuất phát từ những hành động cụ thể của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân.
Nhất quán quan điểm không đánh đổi, hy sinh môi trường để lấy tăng trưởng, Chính phủ xác định công thức 3 trong 1 của phát triển là kinh tế - xã hội và môi trường. Cũng từ thông điệp đó, rất nhiều địa phương thời gian qua đã áp dụng 3 trụ cột phát triển.
Một “chương mới” về bảo vệ môi trường được mở ra. Nhân dân cả nước đặt kỳ vọng Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính là “đòn bẩy” thay đổi tư duy về môi trường để phát triển bền vững. Một tư duy xanh với những hành động xanh đang hình thành, tạo dòng chảy nhận thức mạnh mẽ trong đời sống phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.