Ngành lúa gạo hướng đến giảm phát thải

Khánh Ly| 11/04/2023 09:12

(TN&MT) - Dự kiến trong tháng 4, Bộ NN&PTNT sẽ trình Chính phủ dự thảo Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Đề án được xem như điểm nhấn của ngành lúa gạo thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26, đồng thời đánh dấu bước chuyển sang giai đoạn mới, thúc đẩy nông dân nâng cao tính chuyên nghiệp trong sản xuất, giúp giảm chi phí và nâng cao lợi nhuận.

Nâng giá trị sản phẩm gạo “made in Vietnam”

Nếu sớm được Chính phủ phê duyệt, Đề án này sẽ triển khai từ năm 2024 tại 12 tỉnh ĐBSCL, hướng tới mục tiêu hình thành vùng chuyên canh lúa áp dụng các tiêu chuẩn bền vững thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Theo Bộ NN&PTNT, Đề án hướng đến xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao tại ĐBSCL đến năm 2025 đạt hơn 500.000ha và đến 2030 đạt 1 triệu héc-ta. Lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 35% vào năm 2025 và trên 40% vào năm 2030.

7.jpg

Đề án giúp thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển theo hướng xanh, bền vững hơn.

Một số mục tiêu cụ thể đặt ra cho các vùng chuyên canh, đó là tỷ lệ diện tích ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến bền vững được chứng nhận hoặc được cấp mã số vùng trồng đạt 100%. Lượng phát thải khí nhà kính giảm hơn 10%, lượng gạo xuất khẩu có thương hiệu Việt Nam chiếm hơn 30% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh...

Đồng thời, Đề án còn phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ trong chuỗi giá trị lúa gạo gắn với đổi mới tổ chức sản xuất - tiêu thụ lúa trên cơ sở liên kết giữa nông dân thông qua hợp tác xã, các tổ chức nông dân với doanh nghiệp và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến phát triển ngành lúa gạo. Nhà nước có chính sách đặc thù, ưu tiên về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ và khuyến nông, khuyến khích nông dân và doanh nghiệp liên kết. Chính sách chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, bảo vệ quỹ đất chuyên trồng lúa ổn định lâu dài, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các địa phương có vùng trồng lúa chuyên canh trọng điểm ở ĐBSCL với các địa phương khác trong cả nước.

Tại hội thảo góp ý cho dự thảo Đề án, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, Đề án không chỉ tạo giá trị thu nhập cho người nông dân thông qua bán chứng chỉ các-bon phát thải thấp, mà quan trọng là ngành nông nghiệp, các địa phương thay đổi tư duy về nền nông nghiệp thích ứng với xu thế của nền kinh tế xanh, xu thế tiêu dùng xanh, tiêu dùng trách nhiệm.

Theo ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời, nếu so với mô hình cánh đồng lớn trước đây thì đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao lần này thuận lợi hơn, bởi cơ sở hạ tầng hiện nay được đầu tư cơ bản, nông dân cũng chuyển đổi từ sản xuất tự phát sang tự giác và có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ. Ngoài ra thị trường gạo thế giới khá tốt nên đầu ra ổn định. Vấn đề là tổ chức lại sản xuất bài bản, đảm bảo chất lượng hạt gạo đáp ứng cho nhiều phân khúc thị trường khác nhau trên thế giới với giá cả hấp dẫn. Làm được việc này cần có “nhạc trưởng” điều phối cho toàn vùng ĐBSCL một cách nhịp nhàng, ăn ý; tránh tình trạng mạnh ai nấy làm…

Địa phương ủng hộ

Qua khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn, về tình hình sản xuất lúa tại một số tỉnh/thành tham gia Đề án như Long An, Đồng Tháp, An Giang và Cần Thơ, các địa phương đều thể hiện sự đồng thuận và đánh giá cao ý tưởng của đề án.

Về kế hoạch cụ thể tham gia giai đoạn 2025 và đến năm 2030, tỉnh An Giang sẽ tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết trong sản xuất lúa; Đồng Tháp sẽ xây dựng chương trình chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp; Cần Thơ sẽ xây dựng kế hoạch hệ thống cơ sở thủy lợi cho sản xuất lúa đến từng giai đoạn 2025 đến 2030 và cho toàn bộ diện tích của địa phương và tỉnh Long An là vùng lúa ứng dụng công nghệ cao.

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, tỉnh đăng ký tham gia Đề án với 30.000ha, chiếm tỷ lệ trên 22% tổng diện tích gieo trồng lúa của toàn tỉnh. Hiên nay, nông dân sản xuất lúa chú trọng đến việc sản xuất những giống lúa chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chí gạo xuất khẩu. Một số giống lúa mới có triển vọng, chất lượng gạo cao đang phát triển nhanh diện tích gieo trồng như: OM18, ST24… Bởi vậy, việc cải tiến các quy trình sản xuất nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu rất quan trọng với ngành nông nghiệp của tỉnh.

Về các cơ chế hỗ trợ cụ thể, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng cho biết, khi tham gia vào đề án, nông dân sẽ được hỗ trợ 30% chi phí mua giống lúa; được vay ngân hàng không thế chấp tối đa 20 triệu/vụ sản xuất (thời gian vay trong 6 tháng) trong thời gian tham gia liên kết.

Các hợp tác xã sẽ được ưu tiên đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi và giao thông nội đồng, kiến thiết đồng ruộng; được vay vốn ưu đãi không thế chấp để xây dựng kho, máy sấy và máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất lúa, để phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất của hợp tác xã hoặc các cơ sở chế biến phụ phẩm lúa gạo.

Các doanh nghiệp sẽ được vay ngân hàng đủ vốn ngắn hạn cho tiêu thụ lúa từ vùng liên kết và đủ vốn dài hạn cho đầu tư xây dựng kho, hệ thống sấy, chế biến. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn được hỗ trợ 50% chi phí chứng nhận sản phẩm đạt các tiêu chuẩn sản xuất tốt (GAP) trong nước hoặc quốc tế và 100% chi phí chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn cac-bon thấp.

Ngân hàng thế giới cũng cam kết sẽ đồng hành với các địa phương trong việc xác định chi tiết nhu cầu cơ sở hạ tầng triển khai Đề án và xác định tín chỉ các-bon từ sản xuất lúa gạo.

.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành lúa gạo hướng đến giảm phát thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO