Ngành khai khoáng hứng chịu nhiều tổn thất

Phạm Thu Hà| 27/02/2020 16:28

(TN&MT) - Phải đối mặt với lũ lụt, trượt lở đất đá, nước biển dâng… ngành khai khoáng đang hứng chịu những tổn thất nặng nề…

Hàng loạt mỏ bị thất thu

Qua số liệu thống kê và điều tra từ các doanh nghiệp khai thác và chế biến sa khoáng titan ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận cho thấy, từ hoạt động thăm dò, khai thác cho đến chế biến titan đều đang phải gánh chịu những ảnh hưởng từ BĐKH. Các loại hình BĐKH ảnh hưởng nhiều nhất chủ yếu là mưa bão, lũ lụt và hạn hán, nước biển dâng và xâm nhiễm mặn.

Việc gia tăng số ngày nắng nóng do nhiệt độ ngày càng tăng góp phần làm cho hạn hán xảy ra với cường độ mạnh hơn, gay gắt và thời gian kéo dài hơn trong mùa khô, dẫn đến hiện tượng xâm nhiễm mặn diễn ra tại một số nơi. Do đặc thù của quá trình khai thác và tuyển quặng titan cần sử dụng một lượng nước tương đối lớn cho vận chuyển quặng, tuyển rửa, phân cấp. Do đó, nhiệt độ tăng với cường độ mạnh và kéo dài về mùa khô hạn, cùng với tình trạng hạn hán gia tăng đã dẫn đến việc cấp nước cho hoạt động khai thác và tuyển quặng thêm khó khăn và tốn kém.

Ngành khai khoáng đang hứng chịu những tổn thất nặng nề do BĐKH.                    Ảnh: Hoàng Minh

Tại miền duyên hải Việt Nam, tài nguyên khoáng sản nơi đây rất phong phú và đa dạng, gồm nhiều mỏ, tụ khoáng và di sản địa chất (DSĐC) rất có giá trị. Các nhà địa chất Việt Nam đã tiếp cận khá tốt hướng nghiên cứu phát triển bền vững, phù hợp với xu thế của nhân loại và hội nhập quốc tế. Đứng trước BĐKH toàn cầu, tài nguyên địa chất đới duyên hải Việt Nam bị xâm hại ngày càng nặng nề do thiên nhiên gây ra, đặc biệt là nước biển dâng. Với xu thế nước biển dâng như hiện nay, sẽ có nhiều mỏ, tụ khoáng, DSĐC và nhiều cánh đồng mầu mỡ bị ngập dưới mực nước biển. Nghiên cứu bảo tồn và khai thác hợp lý tài nguyên địa chất đới duyên hải Việt Nam để thích ứng với BĐKH đang là nhiệm vụ khó khăn.

Ngành than cũng chịu chung ảnh hưởng của BĐKH. Do lịch sử hình thành, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) thường có địa bàn sản xuất kinh doanh, khai thác khoáng sản tập trung ở vùng núi cao, ven biển và đồng bằng, thêm vào đó, một số vùng nguyên liệu và sản xuất phân bố trên các vùng có địa hình cao như sườn núi nên rất dễ bị tác động bởi trượt lở đất đá, lũ quét do mưa to, dài ngày. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, các tác động này khi bị gia tăng bởi BĐKH đã góp phần tàn phá cảnh quan các mỏ khoáng sản, gây khó khăn cho công tác điều tra, đánh giá, thăm dò và khai thác khoáng sản, đặc biệt ảnh hưởng lớn đến quá trình đóng mỏ, phục hồi môi trường sau khai thác.

Thực tế thời gian qua đã có không ít điểm mỏ quan trọng bị thiên nhiên tàn phá, vùi lấp. BĐKH làm mưa lũ gia tăng vào mùa mưa gây khó khăn lớn cho hoạt động sản xuất khai thác, quá trình vận chuyển tại các mỏ khai thác khoáng sản làm thiệt hại lớn về người và của đối với các doanh nghiệp.

Nỗ lực khắc phục

Bộ TN&MT nói chung và ngành Địa chất và Khoáng sản nói riêng đã và đang triển khai tích cực các chương trình ứng phó với BĐKH để giảm thiểu tác hại của thiên tai.

Lãnh đạo Tổng cục Địa chất Khoáng sản cho biết, Tổng cục luôn bám sát Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ; đặc biệt chú trọng cả nội dung thích ứng và giảm nhẹ, trong đó, thích ứng với BĐKH, chủ động phòng, tránh thiên tai là trọng tâm.

Bên cạnh đó tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước để triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ quan trọng có tính liên ngành, liên vùng, phát huy sức mạnh tổng thể để ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, xã hội hóa trong việc ứng phó với BĐKH.

Ông Nguyễn Mạnh Điệp - Trưởng ban Môi trường của TKV cũng cho biết, hoạt động ứng phó với BĐKH của ngành Than tập trung vào cả hai hướng là thích ứng và giảm nhẹ. Các mỏ than hầm lò, lộ thiên và khu vực chế biến đã áp dụng các giải pháp thích ứng với tác động của BĐKH như tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về BĐKH và công tác ứng phó cho các cán bộ, công nhân và người lao động trong toàn ngành từ năm 2010 tới nay; quy hoạch các khu vực khai thác, chế biến mới lùi vào đất liền; trồng cây xanh tại các mỏ để hoàn thổ sau khai thác, giảm sức tàn phá của mưa lũ, đẩy mạnh trồng rừng lấy gỗ làm trụ mỏ và góp phần tăng độ che phủ rừng tại tỉnh Quảng Ninh…”.

Bên cạnh đó, ngành Than cũng tập trung vào các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK), đẩy mạnh hoạt động tiết kiệm điện-nhiên liệu. TKV có định hướng sử dụng các mặt bằng bãi thải mỏ đã cải tạo tại vùng Quảng Ninh làm các địa điểm sản xuất điện mặt trời hoặc phong điện. Hiện tất cả các bãi thải đang hoạt động đã được TKV xây dựng các tuyến đê, đập chắn đất đá, mương thoát nước bảo vệ quanh chân bãi thải, nhằm ngăn chặn đất đá sạt lở.

Đối với ngành Công nghiệp titan, giải pháp chung đang áp dụng là lồng ghép các vấn đề BĐKH vào Quy hoạch phát triển ngành titan, vào Chiến lược và Quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; Gia tăng tính hữu hiệu của hệ thống quản lý về an toàn môi trường và phát triển bền vững của các chính sách kinh tế, xã hội; Xây dựng hệ thống trao đổi thông tin về BĐKH và nước biển dâng giữa ngành Công nghiệp titan với các ngành hữu quan; Áp dụng giải pháp bảo vệ môi trường chung…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành khai khoáng hứng chịu nhiều tổn thất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO