Ngành giấy trước việc siết chặt nhập khẩu phế liệu

26/07/2018 15:41

(TN&MT) - Theo ông Đặng Văn Sơn - Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy (VPPA), Viện trưởng Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylo, việc các cơ quan chức năng siết chặt nhập khẩu phế liệu khiến hàng ngàn container nguyên liệu giấy thu hồi nhập về Việt Nam bị ách tắc. Điều này làm tăng chi phí của doanh nghiệp, đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh do thiếu nguyên liệu, gây lãng phí cho doanh nghiệp và cho xã hội.

T6
Nhà nước cần có chính sách tiêu dùng các sản phẩm giấy góp phần bảo vệ môi trường hạn chế nhập khẩu giấy phế liệu. Ảnh: MH

Thống kê nhanh từ các doanh nghiệp gửi đến Hiệp hội, chỉ tính từ ngày 26/6 đến ngày 10/7, riêng phí lưu container, ước thiệt hại của các doanh nghiệp nhập khẩu giấy phế liệu lên đến gần 30 tỷ đồng, chưa kể những thiệt hại trong sản xuất do phải dừng máy, hay phạt hợp đồng do giao hàng không đúng hẹn…

Theo kế hoạch, tới đây, số lượng container sẽ tăng gấp đôi khi tàu về cập cảng. Với số lượng lưu kho lớn và mức chi phí lưu kho là 1 triệu đồng/container/ngày, mức thiệt hại sẽ đội thêm nhiều con số. Nhân sự việc này, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Văn Sơn - Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy (VPPA), Viện trưởng Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylo.

PV: Được biết, để siết lại việc nhập khẩu phế liệu Tổng cục Hải quan đã yêu cầu hàng hóa là phế liệu phải lấy mẫu gửi Cục Kiểm định Hải quan để thực hiện phân tích đánh giá sự phù hợp với Quy chuẩn Kỹ thuật môi trường. Vì sao, VPPA phản đối quy định này, thưa ông?

Ông Đặng Văn Sơn: Việc các cơ quan quản lý Nhà nước siết chặt quản lý, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu là việc làm cần thiết, không để các doanh nghiệp lợi dụng chính sách nhập khẩu của Nhà nước để nhập khẩu những chất thải nguy hại, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, môi trường sống và toàn xã hội. Tuy vậy, Tổng cục Hải quan ban hành liên tiếp Văn bản 3438 và 3738 trong khoảng thời gian rất ngắn, thời điểm có hiệu lực, gần như ngay lập tức, trong đó, yêu cầu hàng hóa là phế liệu phải lấy mẫu gửi Cục Kiểm định Hải quan để thực hiện phân tích nhưng không quy định cụ thể thời gian lấy mẫu, thời gian trả kết quả giám định khiến các doanh nghiệp trở tay không kịp.

Bên cạnh đó, căn cứ Thông tư 41/2015/TT-BTNMT ngày 9/9/2015 quy định các doanh nghiệp có Giấy phép nhập khẩu phế liệu tuân thủ các quy định tại Khoản 1, 2, 3, Điều 10, cơ quan Hải quan căn cứ danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất quy định tại Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 quyết định cho thông quan.

 Ngoài ra, để có thể nhập khẩu giấy thu hồi (phế liệu) làm nguyên liệu sản xuất, các doanh nghiệp nhập khẩu giấy phế liệu sản xuất giấy phải tuân thủ các quy định: Có giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; ký quỹ trước khi làm thủ tục thông quan; cung cấp Chứng thư chứng nhận hàng phế liệu đáp ứng đủ yêu cầu về môi trường theo quy chuẩn QCVN 33:2010/BTNMT, phù hợp với Quyết định 73/2014/QĐ-TTg; Kiểm hoá 100% lô hàng tại cảng nhập khẩu, theo quy định của Tổng cục Hải quan. 

Tại Khoản 6, Điều 10 Thông tư 41 quy định trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm về bảo vệ môi trường chưa thể quyết định thông quan hoặc buộc tái xuất, cơ quan Hải quan tổ chức giám định lại lô hàng phế liệu nhập khẩu hoặc thành lập Hội đồng Kiểm tra phế liệu nhập khẩu. Căn cứ vào quy định trên, việc Tổng cục Hải quan ban hành Công văn 3738 trong khi chưa xác định rõ đối tượng vi phạm về môi trường quy định tại Khoản 6, Điều 10 Thông tư 41 là chưa phù hợp.  

Như vậy, chỉ một mặt hàng giấy thu hồi nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, vừa phải có Giấy chứng nhận phù hợp Quy chuẩn Kỹ thuật môi trường của một tổ chức giám định do Bộ TN&MT chỉ định, vừa phải được Cục Kiểm định Hải quan kiểm định theo cùng quy chuẩn này. Dẫn đến làm tăng thời gian chờ đợi thông quan của lô hàng, gây ách tắc hàng hóa tại cảng, tăng chi phí lưu kho, lưu bãi và các chi phí khác của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, gây lãng phí lớn cho doanh nghiệp và cho xã hội, làm cho hàng hóa của Việt Nam không thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài trên thị trường trong và ngoài nước.

Mặt khác, sản xuất giấy (kể cả giấy tái chế) không phải là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện; thế giới từ lâu cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ việc thu gom, tái chế giấy và không coi giấy đã qua sử dụng dùng làm nguyên liệu sản xuất giấy tái chế là giấy phế liệu (waste paper) mà gọi là giấy thu hồi (recycled paper) và không quản lý mặt hàng này như tất cả các loại phế liệu khác. 

Những quy định như trên, hoàn toàn chưa thực sự phù hợp với Nghị quyết 19/2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.

PV: Theo ông, để ngăn chặn phế liệu đổ về Việt Nam chúng ta cần làm gì? Tới đây, Bộ TN&MT sẽ rà soát lại một số văn bản luật và trình Thủ tướng xem xét sửa đổi, ông có kiến nghị gì?

Ông Đặng Văn Sơn: Như chúng ta biết, nước ta lại là một nước xuất khẩu lớn, bao bì là một mặt hàng rất quan trọng cho hàng hóa xuất khẩu, lượng bao bì giấy sử dụng hàng năm là rất lớn, trong khi đó, giấy để làm bao bì chủ yếu được làm từ nguyên liệu là giấy thu hồi nhập khẩu. Ngoài ra, sản xuất giấy không phải là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, tuy nhiên những quy định về việc nhập khẩu giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất hiện hành đã coi giấy thu hồi như tất cả các loại phế liệu khác, trong khi thế giới đã từ lâu gọi là giấy thu hồi (recycled paper) và có nhiều chính sách hỗ trợ việc thu gom và tái chế giấy. Do đó, chúng ta nên nghiên cứu xem xét việc phân loại phế liệu giấy chung chung như hiện nay thành hai loại giống quốc tế quy định: Giấy thu hồi (recycled paper như: OCC, OMG, ONC…) và giấy phế liệu (waste paper như: MIXED…),  được như vậy sẽ đơn giản hơn cho công tác quản lý cũng như cho doanh nghiệp.

 Trong Luật Bảo vệ Môi trường 2014 đã có các điều khoản về việc khuyến khích thu gom, tái sử dụng và tái chế phế liệu (Điều 6 Khoản 3), nhưng cho đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn dưới luật quy định cụ thể về việc này, vì vậy, cần xem xét sớm có các văn bản quy định cụ thể về việc khuyến khích thu gom, tái chế và tiêu dùng giấy sản xuất từ giấy phế liệu. Nếu làm tốt việc này chúng ta sẽ giảm phải nhập một lượng lớn giấy thu hồi từ nước ngoài cho sản xuất, đồng thời, cũng là biện pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. 

Trình tự các thủ tục cho việc nhập khẩu giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất nên được cụ thể hóa, đơn giản hóa, rõ ràng, công khai và minh bạch, đồng thời cũng nên phân cấp trong quản lý phù hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong cùng một Bộ ngành và giữa các Bộ ngành với địa phương để làm giảm thời gian và chi phi của doanh nghiệp cũng như của xã hội. Để tạo thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp, nên triển khai thực hiện hậu kiểm thay vì kiểm hoá 100% lô hàng giấy thu hồi nhập khẩu tại cảng và nghiên cứu xem xét bỏ việc ký quỹ trước khi thông quan bằng các hình thức khác như bảo lãnh ngân hàng… Vì việc nhập khẩu giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất đã được kiểm soát chặt chẽ bằng các Quy chuẩn quốc gia về bảo vệ môi trường.

Để giảm lượng phế liệu nhập khẩu, ngay trong nước Nhà nước cần có các, chính sách giải pháp tăng cường thu gom tái chế giấy hiệu quả, khuyến khích người tiêu dùng ý thức hơn trong việc tiêu dùng các sản phẩm giấy từ đó cũng góp phần bảo vệ môi trường hạn chế nhập khẩu giấy phế liệu…

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành giấy trước việc siết chặt nhập khẩu phế liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO