Doanh nghiệp - doanh nhân

Đào tạo nghề cơ khí theo tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng sản xuất xanh bền vững

Tiến Trung 30/07/2024 - 08:00

Trong bối cảnh hiện nay, tự động hoá trong ngành cơ khí đóng vai trò quan trọng nhằm tối ưu hoá sản xuất, giảm thiểu lãng phí nguyên liệu và năng lượng. Đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy sự bền vững.

Tại toạ đàm “Đào tạo nghề lĩnh vực cơ khí theo tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng sản xuất xanh bền vững”, ông Trần Hoài Nam - Phó Chủ Tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP. HCM (HAMEE) cho rằng, sự phát triển của kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 là “giải pháp xanh” cho nền kinh tế hướng tới phát triển bền vững và hiệu quả. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi mô hình sản xuất và tăng cường ứng dụng công nghệ số gắn với định hướng sản xuất xanh, xuất khẩu xanh có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hoá xuất khẩu Việt Nam trên trường quốc tế.

1.jpg
Đào tạo nghề lĩnh vực cơ khí theo tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng sản xuất xanh bền vững

Theo khảo sát mới nhất của tổ chức Frost và Sullivan, thị trường tự động hoá của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn với giá trị khoảng 184,5 triệu USD. Tuy nhiên, hiện Chính phủ đang tích cực thúc đẩy quá trình tự động hoá nên giá trị của thị trường sẽ tăng nhanh chóng trong vài năm tới.

Bên cạnh đó, Cục thông kê TP. HCM cho biết, nhu cầu nhân lực của 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành kinh tế - dịch vụ của TP. HCM chiếm 82,35% tổng nhu cầu. Trong đó, nhu cầu về nhân lực của 4 ngành công nghiệp trọng yếu chiếm 17,9% tổng nhu cầu, tuyển dụng lao động qua đào tạo chiếm 85,02%. Riêng ngành cơ khí tại TP. HCM chiếm 4,59% trong tổng nhu cầu.

Từ số liệu trên, GS.TS Trương Nguyễn Luân Vũ cho rằng, lực lượng lao động qua đào tạo cho khu vực công nghiệp còn thiếu, đặc biệt là lĩnh vực cơ khí - tự động hoá.

GS.TS Trương Nguyễn Luân Vũ cũng đề xuất các giải pháp mang tính chiến lược tổng thể như xây dựng mới chương trình đào tạo trên cơ sở tạo lập và phát triển tư duy đổi mới sáng tạo của người học, đáp ứng công nghiệp 4.0. Cùng với đó, có chiến lược đào tạo và phát triển những kỹ năng số của nguồn nhân lực, phát triển năng lực ngoại ngữ trình độ quốc tế, phát triển đội ngũ giảng viên, đầu tư cơ sở vật đạt chuẩn quốc tế. Đặc biệt, tăng cường liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, tăng cường hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu nổi tiếng trong khu vực và trên thế giới.

Ở một khía cạnh khác, TS. Tô Thanh Tuần, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2 cho biết, các trường, cở sở đào tạo nghề đóng vai trò quan trọng trong việc đóng góp cho chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Đó là nơi lực lượng sản xuất được chuẩn bị để đáp ứng các yêu cầu về kỹ năng của nền kinh tế và xã hội đang được xanh hoá. Ở đó họ có cơ hội tiếp cận với nhiều người và cần được đào tạo thành các đại sứ của quy trình xanh hoá, có khả năng sử dụng và chuyển giao các kỹ năng xanh. Điều này cần có một khuôn khổ toàn diện để chuyển đổi các cơ sở đào tạo nghề một cách hệ thống.

Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho việc tăng cường đào nghề trong lĩnh vực cơ khí và tự động hoá theo chuẩn quốc tế. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp Việt Nam và xu hướng sản xuất xanh./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo nghề cơ khí theo tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng sản xuất xanh bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO