Ông Nguyễn Phương Khoa - Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết: Trên thế giới đã có nhiều chính sách và sáng kiến để quản lý vi nhựa. Ở cấp độ quốc tế, dựa trên các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững. Trong Chương trình Nghị sự này, 17 mục tiêu Phát triển bền vững với 169 chỉ tiêu liên quan được công bố, trong đó Mục tiêu 12 “Đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững” nhấn mạnh mục tiêu giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng.
Hoạt động phân loại rác thải góp phần hạn chế tác động của rác thải nhựa. Ảnh: MH |
Năm 2015, G7 đã thảo luận về các phương án giải quyết ô nhiễm nhựa trong môi trường biển và thông qua Kế hoạch hành động nhằm chống lại chất thải nhựa trên biển bao gồm các nguồn từ đất liền và trên biển, nâng cao nhận thức và tiếp cận cộng đồng, cũng như các hành động loại bỏ.
Nghị viện châu Âu đã khuyến nghị EU thiết lập lệnh cấm ở quy mô toàn châu lục đối với tất cả các vi nhựa được sử dụng trong sản xuất các loại mỹ phẩm và các chất tẩy rửa, đồng thời phải có các biện pháp nhằm giảm thiểu việc thải vi nhựa từ vải, lốp xe, sơn và đầu lọc thuốc lá.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia đã thực hiện các kế hoạch hoặc chương trình quản lý chất thải để ngăn ngừa và giảm thiểu chất thải, thu hồi thông qua tái sử dụng và tái chế, đồng thời xử lý chất thải đúng cách. Cụ thể, ngành công nghiệp nhựa ở Mỹ và Anh đã thực hiện “Chiến dịch làm sạch để giảm thất thoát hạt vi nhựa ra môi trường”, đặc biệt là trong quá trình vận chuyển và giao hàng. Chỉ thị về bao bì và chất thải bao bì của EU kêu gọi các quốc gia thành viên thực hiện các hệ thống đặt cọc và hoàn trả quốc gia, trong đó, nhựa thải bỏ được thu gom và tái chế để tái sử dụng làm bao bì mới. Điều này sẽ góp phần làm giảm lượng chất thải nhựa đầu vào trong môi trường.
Năm 2018, Liên Hợp Quốc đã phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào toàn quốc Chống rác thải nhựa vào tháng 6/2019.
Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có các quy đinh mới về cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Theo đó, Luật đã quy định nhà sản xuất, nhà nhập khẩu có trách nhiệm tái chế và trách nhiệm xử lý chất thải, trong đó có chất thải nhựa. Về trách nhiệm tái chế chất thải, Luật Bảo vệ môi trường lần đầu tiên đưa ra tỷ lệ tái chế và yêu cầu các công ty phải có trách nhiệm thu gom, tái chế sản phẩm, bao bì đã qua sử dụng với tỷ lệ nhất định dựa vào khối lượng sản phẩm hoặc bao bì đóng gói sản phẩm mà họ đưa ra thị trường.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, để giảm thiểu tác hại của hạt vi nhựa cần hạn chế và tiến tới không sử dụng đồ nhựa kém chất lượng, túi ni lông khó phân hủy. Để đạt được mục tiêu này, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của vi hạt nhựa đến môi trường, sức khỏe con người. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích sản xuất túi thân thiện với môi trường, tăng thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông khó phân hủy. Ngoài ra, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tái chế chất thải túi ni lông khó phân hủy thành các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường, sản xuất các loại túi có khả năng tự phân hủy sinh học, tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cộng đồng đối với tác hại của túi ni lông khó phân hủy và khuyến khích tái sử dụng, sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường.
Nhiều quốc gia thành viên EU đã đưa ra lệnh cấm sử dụng vi nhựa chủ yêu trong sản xuất mỹ phẩm. Nhằm chấm dứt việc xuất khẩu rác thải nhựa tới các nước không đủ năng lực xử lý, Ủy ban châu Âu đã thông qua quy định mới về xuất, nhập khẩu và vận chuyển rác thải nhựa, có hiệu lực từ tháng 1/2021.