Kiểm tra không xuể
Chiều 19-9, có mặt tại khu vực sông Cái, đoạn xã Diên Thọ, Diên Khánh giáp ranh với xã Sông Cầu, Khánh Vĩnh, phóng viên cùng lực lượng chức năng xã Diên Thọ ghi nhận tại vị trí ngay sát Tỉnh lộ 2, có 3 con đường đất dẫn xuống khu vực sông Cái. Di chuyển sâu vào bên trong, chúng tôi thấy các vòi nhựa, vật dụng hút cát còn để lại ở khu vực tập kết. Dù là ban ngày nhưng các đối tượng vẫn ngang nhiên điều khiển ghe, cắm vòi hút cát dưới lòng sông. Khi thấy lực lượng chức năng xã Diên Thọ, các đối tượng lập tức dừng việc hút cát, điều khiển ghe chạy ngược về hướng huyện Khánh Vĩnh.
Ông Nguyễn Chí Tiến - Chủ tịch UBND xã Diên Thọ cho biết, thời gian qua, các đối tượng lựa chọn địa điểm giáp ranh này để khai thác cát bởi đây là nơi có lưu vực nước sông lớn, lượng cát nhiều. Các đối tượng khai thác cát đã chi 500.000 đồng/người vào ban ngày, 1 triệu đồng/người vào ban đêm để thuê người trực canh ở trụ sở UBND xã. Khi lực lượng chức năng 2 xã Diên Thọ và Sông Cầu phối hợp tuần tra, kiểm soát, do quãng đường di chuyển xa nên khi đến nơi các đối tượng đã báo tin trước để dừng các hành vi vi phạm.
Được biết, 9 tháng năm 2022, UBND huyện Diên Khánh đã phát hiện, tạm giữ 15 ghe hút cát và 22,5m3 cát, 3 ghe bị đánh chìm không thể trục vớt. Hiện nay, tại khu vực giáp ranh giữa huyện Diên Khánh và Khánh Vĩnh, lực lượng chức năng 2 huyện đang triển khai kế hoạch tăng cường công tác phối hợp để kiểm soát.
Khu vực hạ lưu sông Cái chảy qua địa phận TP. Nha Trang cũng tái diễn tình trạng khai thác cát trái phép. Theo báo cáo của UBND TP. Nha Trang, 9 tháng qua, các xã, phường đã phát hiện 15 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản. Cụ thể, phường Ngọc Hiệp kiểm tra phát hiện 7 ghe hút cát trên sông Cái; xã Phước Đồng phát hiện 7 trường hợp khai thác đất, đá trái phép và xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt 18 triệu đồng; xã Vĩnh Thái kiểm tra phát hiện 1 trường hợp tập kết cát trái phép và tạm giữ 2 phương tiện, 500m3 cát để xử lý theo quy định.
Vì sao chưa kiểm soát được?
Theo đánh giá của UBND tỉnh, tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển, tàng trữ khoáng sản đất, cát làm VLXD thông thường trái phép hiện nay vẫn diễn ra. Nguyên nhân do một số địa phương, công tác chỉ đạo kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác chưa được chú trọng đúng mức, chưa thật sự quyết liệt.
Trung tá Nguyễn Vân Trường - Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy, Công an huyện Diên Khánh cho biết, hiện nay cả huyện chỉ có 1 ca nô để tuần tra, truy bắt các đối tượng khai thác cát trái phép. Các đối tượng vi phạm ngày càng manh động, có thể chống đối bằng cách đánh đắm chìm phương tiện, nhảy xuống sông để trốn thoát hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra, điều khiển phương tiện chạy trốn...
Còn theo lãnh đạo TP. Nha Trang, công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn thành phố còn một số khó khăn, như: Các lực lượng tham gia xử lý vi phạm hành chính còn mỏng, chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác xử lý; phương tiện, thiết bị hỗ trợ hoạt động kiểm tra, xử lý chuyên ngành khoáng sản còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu công việc…
Bên cạnh đó, nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản hiện nay không quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vận chuyển, mua bán, tàng trữ tiêu thụ khoáng sản trái phép (đối với đất, đá, cát, sỏi là hàng hóa không có nguồn gốc hợp pháp), gây khó khăn trong công tác quản lý. Đồng thời, mức xử phạt hành chính đối với các hành vi nêu trên được quy định tại Điều 17 Nghị định số 98 ngày 26-8-2020 của Chính phủ còn thấp, chưa đảm bảo tính răn đe, ngăn chặn các đối tượng vi phạm.
Hiện nay, việc thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, thường xuyên kiểm tra, truy quét KTKS trái phép ở các địa phương đang thực hiện theo cách “vi phạm ở đâu, kiểm soát ở đó” nên chỉ mới phát huy hiệu quả một phần. Để hiệu quả hơn, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, truy xuất nguồn gốc, hóa đơn mua bán khoáng sản ở các cơ sở được cấp phép buôn bán VLXD thông thường và các điểm tập kết khoáng sản. Qua kiểm tra, đối với lượng khoáng sản không có nguồn gốc, hóa đơn, giấy tờ, lực lượng chức năng tiến hành tịch thu, đem đấu giá, đưa vào ngân sách nhà nước theo quy định. Khi không còn bãi tập kết khoáng sản trái phép, quản lý chặt về nguồn gốc khoáng sản ở các cơ sở kinh doanh VLXD thông thường thì tình trạng KTKS trái phép trên địa bàn tỉnh sẽ được kiểm soát.