Ông Lưu Quang Khánh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia phát biểu tại hội thảo |
Đánh giá tác động mới nhất cho thấy Covid-19 ảnh hưởng khác biệt đến các hộ gia đình dễ bị tổn thương, đặc biệt là hộ gia đình của đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình có lao động phi chính thức và người nhập cư, dẫn tới gia tăng cao tình trạng nghèo tạm thời về thu nhập, đặc biệt trong nhóm hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số.
Sự ảnh hưởng của đại dịchh Covid-19 đã làm giảm đáng kể doanh thu của cả hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVNSN), buộc hầu hết các DNVNSN phải cắt giảm hoạt động kinh doanh, giảm số lượng người lao động, do sự sụt giảm nghiêm trọng về nhu cầu đầu ra và những gián đoạn trong cung ứng đầu vào.
Đánh giá “Tác động kinh tế xã hội của đại dịch COVID-19 đối với hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương ở Việt Nam - Phân tích có tính tới yếu tố giới” do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN WOMEN), và Trung tâm Phân tích và Dự báo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện. Những phát hiện chính trong đánh giá này đã được các chuyên gia trình bày tại Hội thảo.
|
Phát biểu tại Hội thảo, bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, nêu rõ “mục đích của Đánh giá là cung cấp thông tin cho việc ứng phó với COVID-19 và phục hồi sau đại dịch. Đây là đánh giá đầu tiên thực chứng tác động của COVID-19 tới các hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương, tác động tới tình trạng nghèo đói và bao gồm thông tin về tình hình phục hồi sớm”.
Đại diện thường trú của UNDP cũng nhấn mạnh đến tầm quan trong của sự kết hợp giữa hành động sớm, có dự báo và linh hoạt của Chính phủ, và những sáng kiến của người dân, là chìa khóa thành công của Việt Nam trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch COVID-19 và giảm thiểu những tác hại về mặc kinh tế xã hội của đại dịch.
Bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh: “Tôi tin rằng quản trị dựa trên dự báo và đổi mới sáng tạo cũng sẽ có vai trò rất quan trọng trong nỗ lực phục hồi mạnh mẽ, bền vững, và có tính tới yếu tố giới của doanh nghiệp và người dân”.
Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UNWomen tại Việt Nam chia sẻ tại hội thảo |
Tại hội thảo, Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UNWomen tại Việt Nam cho biết “Nếu không được khắc phục một cách toàn diện, hậu quả về sức khỏe và kinh tế xã hội của đại dịch COVID-19 có thể sẽ dẫn đến bất bình đẳng giới và nguy cơ đẩy lùi những thành quả thu được trong nỗ lực trao quyền cho phụ nữ trong những thập kỷ gần đây.
Bà Elisa Fernandez Saenz cũng cho biết, hoạt động của Liên hợp quốc chú trọng đến các nhóm dễ bị tổn thương để không ai bị bỏ lại phía sau. Dựa trên trọng tâm này, Đánh giá bổ sung cho nỗ lực của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia trong việc đánh giá tác động của Covid-19 tới các chỉ số kinh tế vĩ mô.
Cuộc khảo sát, với việc lấy mẫu có chủ đích với hơn 900 hộ gia đình dễ bị tổn thương và hơn 900 đơn vị sản xuất kinh doanh dễ bị tổn thương tại 58 trên tổng số 63 tỉnh thành trên khắp Việt Nam, cung cấp bằng chứng về tác động của COVID-19 đối với những nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương; đánh giá các chiến lược đối phó của họ và phản hồi của họ về các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Phiên thảo luận về vấn đề Phục hồi tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam |
Ông Lưu Quang Khánh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia, cho biết dư địa tăng trưởng của nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm bị thu hẹp đáng kể. “Trong bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng lên nhiều mặt kinh tế - xã hội và nhiều đối tượng, “mở rộng thị trường”, “thúc đẩy đầu tư”, “kích thích tiêu dùng” là những động lực tăng trưởng. Điểm mấu chốt là về dài hạn cần phải có những giải pháp vượt qua mức bình thường cho trạng thái bình thường mới của nền kinh tế. Về ngắn hạn, cần lấy tốc độ thực hiện chính sách là phương châm hàng đầu mới có thể sớm đưa nền kinh tế vào ổn định và tiếp tục phát triển”.
Báo cáo đánh giá đưa ra các khuyến nghị để Chính phủ tinh chỉnh các quyết định chính sách và quá trình thực hiện bảo vệ sinh kế của các hộ gia đình dễ bị tổn thương, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi hoạt động của họ và đảm bảo việc làm cho người lao động.
Ông Lưu Quang Khánh cho biết, là một nền kinh tế mở, kinh tế Việt Nam không tránh khỏi những hệ lụy. Khoảng 83% DN bị ảnh hưởng vào cuối tháng 4/2020. Mục tiêu ổn định sản xuất, cuộc sống của người dân là mục tiêu quan trọng nhất trong thời gian tới.
Quang cảnh buổi hội thảo |
Tại hội thảo, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư có bài trình bày về “Dịch Covid-19: Bối cảnh thế giới, triển vọng kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2020”.
Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, đại dịch Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, nhanh và mạnh tới kinh tế thế giới và Việt Nam; nguy cơ suy thoái lớn nhất trong nhiều thập kỷ, tăng trưởng sụt giảm nghiêm trọng hơn cả thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008-2009; hoạt động kinh tế bị dừng đột ngột; thương mại và đầu tư suy giảm; thị trường tài chính thế giới bất ổn; nhiều xu hướng mới về kinh tế, địa chính trị thế giới cũng được hình thành và dự báo sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trong thời gian tới, đặc biệt là xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc kiểm soát dịch trên toàn thế giới vẫn khó khăn, nhiều nước đối mặt với nguy cơ dịch bùng phát trở lại do mở cửa nền kinh tế quá sớm.