Nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội đáp ứng nhu cầu thực tiễn
(TN&MT) - Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có khoảng 3,4 triệu người (chiếm khoảng 3,4% dân số) đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng. Trong thời gian tới, Bộ cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội, theo hướng nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội, mở rộng đối tượng trợ giúp xã hội phù hợp với tình hình thực tiễn.
Địa phương chủ động
Trong số những người đang hưởng trợ cấp hàng tháng, khoảng 1,4 triệu người đang hưởng chế độ đối với người cao tuổi; 1,6 triệu người đang hưởng chế độ đối với người khuyết tật; 21 nghìn trẻ em đang hưởng chế độ đối với trẻ em mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng; 146 nghìn trẻ em hưởng chế độ đối với trẻ em dưới 3 tuổi; 84 nghìn người đang hưởng chế độ người đơn thân nuôi con dưới 16 tuổi. Bên cạnh đó, hơn 349 nghìn hộ gia đình đang chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng và hộ gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội cũng đang hưởng trợ cấp.
Nguồn kinh phí còn dành cho các trường hợp cá nhân, hộ gia đình có người chết, mất tích, bị thương, thiếu lương thực, có nhà ở bị đổ, sập, trôi cháy, hư hỏng nặng do thiên tai, dịch bệnh và các sự cố bất khả kháng khác. Tổng hợp từ năm 2021 đến năm 2023, Chính phủ đã hỗ trợ hơn 210.000 tấn gạo cứu đói cho 3,5 triệu hộ với gần 15 triệu lượt nhân khẩu và hàng nghìn tỷ đồng cho các địa phương khắc phục hậu quả do thiên tai.
Đáng chú ý, đến nay đã có 14 tỉnh, thành phố nâng mức trợ giúp xã hội cao hơn mức quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, (theo Nghị định 20, mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội từ 1/7/2021 là 360.000 đồng/tháng). Thấp nhất là 380.000 đồng ở Hà Giang, và cao nhất là 500.000 đồng ở Hải Phòng.
Đồng thời, đã có 32 tỉnh, thành phố quy định thêm các đối tượng thuộc diện trợ cấp, trợ giúp chưa được quy định trong Nghị định số 20/2021/NĐ-CP. Việc nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách đã từng bước đáp ứng được nhu cầu trợ giúp xã hội của một bộ phận dân cư có hoàn cảnh khó khăn theo tình hình thực tế tại địa phương.
Hàng năm, ngân sách nhà nước đã bố trí hơn 27.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách trợ giúp xã hội và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội. Công tác chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội tiếp tục được triển khai thông qua cơ quan Bưu điện tại 61/63 tỉnh, thành phố. Việc triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội đã góp phần ổn định đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội, đồng thời góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội và ổn định chính trị đất nước.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, nhìn chung hệ thống chính sách hiện nay đã tạo thành lưới an sinh xã hội rộng khắp, đan xen, có khả năng bao phủ nhiều đối tượng thuộc nhiều tầng lớp khác nhau. Đồng thời đã tính đến đặc thù theo vùng, miền (vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa như chính sách, chương trình hỗ trợ cho học sinh phổ thông); hỗ trợ hộ nghèo (hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ tiền điện), đồng bào dân tộc thiểu số (hỗ trợ dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số).
Sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành
Đánh giá về quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ ra một số vấn đề bất cập, vướng mắc cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Thứ nhất, chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng còn thấp, chỉ bằng khoảng 17% thu nhập bình quân, 24% chuẩn nghèo nông thôn giai đoạn 2021-2025. Do đó mới chỉ hỗ trợ được một phần nhu cầu thiết yếu của người dân; chưa tương đồng với chính sách bảo hiểm xã hội, lương hưu, giảm nghèo và trợ cấp đối với người có công với cách mạng.
Thứ hai, còn một bộ phận dân cư khó khăn chưa thụ hưởng chính sách do thiếu căn cứ pháp lý, như: Trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng; thành viên hộ nghèo, cận nghèo không có thành viên trong độ tuổi lao động hoặc có thành viên trong độ tuổi lao động nhưng mất khả năng lao động; trẻ em dưới 3 tuổi; người từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi thuộc hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo. Bên cạnh đó, người dân gặp hoàn cảnh khó khăn do hậu quả thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn giao thông, tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng được Lãnh đạo Đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chính quyền các cấp tặng quà nhưng Nghị định số 20/2021/NĐ-CP chưa quy định cơ sở pháp lý về nội dung này.
Qua số liệu tổng hợp từ các địa phương, cả nước hiện nay có khoảng 350.000 hộ nghèo, cận nghèo không có khả năng lao động với khoảng 1,241 triệu người. Trong đó, có khoảng 640.000 người thuộc diện đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Như vậy, còn lại khoảng 600.000 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo không có khả năng lao động chưa được hưởng chính sách trợ cấp xã hội.
Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; Nghị quyết số 160/NQ-CP ngày 22/12/2021 của Chính phủ về ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, việc bổ sung nhóm đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo không có khả năng lao động được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là hết sức cần thiết, nhằm ổn định cuộc sống.
Quá trình xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội đã đề ra phương án tăng mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng - tương đương 33% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025 và dự kiến áp dụng từ ngày 1/7/2024. Tùy theo khả năng cân đối của ngân sách, tốc độ tăng giá tiêu dùng và tình hình đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho phù hợp; bảo đảm tương quan chính sách đối với các đối tượng khác.
Dự thảo cũng bổ sung nhóm đối tượng thụ hưởng là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa được quy định hưởng chính sách trợ giúp xã hội; trẻ em dưới 3 tuổi và người cao tuổi từ 75 đến 80 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; thành viên hộ nghèo, cận nghèo không có khả năng lao động.
Dự kiến đối tượng được bổ sung hưởng chính sách trợ giúp xã hội khoảng 558.000 người (bao gồm: khoảng 90 nghìn người cao tuổi từ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo không có lương hưu hoặc trợ cấp hàng tháng; khoảng 457 nghìn trẻ em dưới 3 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; khoảng 5 nghìn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa được hưởng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng).
Tổng số đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng khi Nghị định có hiệu lực dự kiến khoảng trên 3,9 triệu người. Trường hợp mức chuẩn trợ giúp xã hội dự kiến nâng lên 500.000 đồng thì dự kiến kinh phí tăng thêm khoảng 14.700 tỷ đồng/năm.