(TN&MT) – Mục tiêu của Hội thảo nhằm tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận về việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT.
(TN&MT) – Đó là mong muốn của phần lớn các lãnh đạo, chuyên gia có mặt tại Hội thảo “Sự tham gia của cộng đồng và tổ chức xã hội trong bảo vệ môi trường (BVMT): Kinh nghiệm thực tiễn và nhu cầu thể chế hóa cho thực thi luật BVMT”.
Hội thảo do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Vụ Chính sách và pháp chế thuộc Tổng Cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại Hà Nội sáng 16/3, với hỗ trợ của Đại sứ quán Anh tại Hà Nội và Quỹ Châu Á.
|
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) Mai Thanh Dung phát biểu khai mạc Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Mai Thanh Dung cho biết: Để tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho công tác quản lý nhà nước về BVMT và thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Bộ TN&MT đang tiến hành xây dựng các văn bản hướng dẫn triển khai Luật BVMT 2014. Quá trình xây dựng các văn bản pháp luật này mở ra cơ hội để các quy định về sự tham gia của cộng đồng tiếp tục được cụ thể hoá với những cơ chế và đảm bảo bằng chế tài pháp lý rõ ràng.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường thì mục tiêu của Hội thảo nhằm tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận về việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt là các văn bản liên quan đến việc tăng cường thể chế hoá sự tham gia của cộng đồng trong BVMT. “Tôi tin tưởng rằng những ý kiến tại cuộc họp này sẽ góp phần quan trọng cho việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực thi Luật BVMT 2014”, ông Mai Thanh Dung chia sẻ.
|
Toàn cảnh Hội thảo |
Luật BVMT năm 2014 đã có bước tiến bộ lớn khi quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư có quyền tham gia trong công tác BVMT. Bước tiến này thể hiện ở việc Nhà nước trao quyền cho các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư để thực thi một số chức năng trong quá trình tham vấn, góp ý, phản biện, giám sát các quyết định liên quan đến môi trường cũng như quá trình thực thi các quy định về BVMT của các bên liên quan. Do đó, TS. Dương Thanh An – Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT cho rằng: “Nếu công tác BVMT không có sự tham gia của cộng đồng thì sẽ “phá sản” và không bao giờ có thể thực hiện thành công”.
Đến tham dự Hội thảo các đại biểu cũng đã được nghe những chia sẻ từ bà Nguyễn Ngọc Lý – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng về kinh nghiệm từ sự tham gia của cộng đồng dân cư và các tổ chức xã hội trong công tác BVMT. Đây là những kinh nghiệm được đúc rút từ bài học về Chương trình hành động bảo vệ Hồ Hà Nội.
|
TS. Dương Thanh An – Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT phát biểu tại Hội thảo |
Theo bà Nguyễn Ngọc Lý thì sự tham gia của cộng đồng vào công tác BVMT hồ ở Hà Nội đối mặt với một số thách thức sau: Chưa loại bỏ được chức năng chứa nước thải của các Hồ, chưa loại bỏ được chức năng nuôi cá của các Hồ; Quá nhiều nơi quản lý và chịu trách nhiệm về hồ, không có hướng dẫn cụ thể cộng đồng được tham gia thế nào; Không có một bộ hướng dẫn cho cộng đồng muốn bảo vệ hồ thì phải làm thế nào; Nếu cộng đồng có một sáng kiến giữ bảo vệ hồ tốt hơn thì họ xin tiền từ đâu.
Để nâng cao tính thực thi về sự tham gia của cộng đồng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng đề xuất một số giải pháp sau: Tạo điều kiện cho các bên tham gia trong công tác BVMT và thực thi việc khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào BVMT; ở cấp bộ, cần có các cơ chế khuyến khích sự tham gia một cách cụ thể hơn, tránh phải đợi các văn bản dưới luật; nâng cao vai trò của các bên tham gia trong quá trình xây dựng chính sách áp dụng cả cách tiếp cận từ dưới lên hỗ trợ hiệu quả cho cách tiếp cận từ trên xuống.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng trao đổi, thảo luận về quyền môi trường trong chính sách đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Nhằm đảo bảo quyền môi trường trong ĐTM, bà Nguyễn Hoàng Phượng đến từ Trung tâm Con người và Thiên nhiên kiến nghị một số chính sách sau: Xác định rõ đối tượng tham vấn, cách thức tham vấn và thời gian tham vấn; xây dựng quy trình cung cấp thông tin, tiếp nhận ý kiến và phản hồi; minh bạch và đa dạng hoá nguồn cung cấp thông tin; cơ chế giám sát đa bên.
Nghị định số 18/2015/NĐ-CP về quy hoạch BVMT, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường và Nghị định số 19/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT 2014 là hai trong số những văn bản hướng dẫn Luật BVMT 2014 vừa được ban hành đã bước đầu cụ thể hóa sự tham gia của các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư. |
Bài và ảnh:Mai Đan