Nâng cao nhận thức cho học sinh Đà Nẵng về chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa

28/01/2019 16:13

(TN&MT) - Từ xa xưa, Hoàng Sa đã là một phần lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của nước ta được các nhà nước phong kiến Việt Nam liên tục khai phá, khẳng định chủ quyền của mình. Tuy nhiên, hiện nay việc giáo dục cho học sinh về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa vẫn chưa được chú trọng đúng mức.

Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các buổi tham quan về quần đảo Hoàng Sa để học sinh có kiến thức thực tế và sâu rộng hơn
Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các buổi tham quan về quần đảo Hoàng Sa để học sinh có kiến thức thực tế và sâu rộng hơn

Nội dung giảng dạy vẫn còn hạn chế

Phần lớn, những nội dung được đề cập đến trong sách giáo khoa (SGK) lịch sử hiện hành chỉ mới chú trọng đến các vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với phần đất liền mà thiếu hẳn các nội dung đề cập đến quá trình khai phá, xác lập chủ quyền của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chẳng hạn, trong SGK lịch sử lớp 10 đến lớp 12 (ở cả hai ban Cơ bản và Nâng cao) không có nội dung nào đề cập đến vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa. Các vấn đề này chỉ được thể hiện gián tiếp qua các lược đồ minh họa.

Tại TP. Đà Nẵng - địa phương chủ quản của quần đảo Hoàng Sa, từ năm học 2011 - 2012, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ thị đưa chương trình dạy học về Hoàng Sa vào trong tiết học về địa lý, lịch sử địa phương cho học sinh THCS và THPT. Tiếp đó, nhiều hoạt động ngoại khóa liên quan đến việc giáo dục chủ quyền biển đảo cũng được tiến hành. Tuy nhiên, trên thực tế, sức lan tỏa và hiệu quả của các hoạt động giáo dục trên vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng đối với 12 giáo viên, 214 học sinh tại 5 trường THPT trên địa bàn TP. Đà Nẵng về tầm quan trọng, tần suất tiến hành và nguyên nhân dẫn đến những hạn chế của công tác giáo dục ý thức chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa trong dạy học lịch sử. Kết quả cho thấy tần suất tiến hành các hoạt động giáo dục ý thức chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa còn khá thấp. 190/214 học sinh khẳng định ít được học và tham gia vào các hoạt động ngoại khóa trong nhà trường liên quan đến vấn đề biển đảo, các em chủ yếu tìm hiểu qua sách báo và internet.

Phần lớn, giáo viên và học sinh tại các trường THPT Đà Nẵng đều nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa trong bối cảnh khu vực và thế giới. Tuy nhiên, việc chuyển hóa nhận thức đó thành hành động cụ thể vẫn còn  nhiều hạn chế. Thời lượng các tiết học ít ỏi, cùng với tâm lý xem nhẹ lịch sử địa phương vì cho rằng đây chỉ là những kiến thức phụ của môn học và không nằm trong nội dung kiểm tra, đánh giá nên việc tiến hành giảng dạy lịch sử địa phương tại một số trường THPT Đà Nẵng vẫn chưa được đầu tư đúng mức và còn khá khiêng cưỡng, áp đặt không tạo được những xúc cảm, rung động để khơi gợi tinh thần trách nhiệm của học sinh đối với việc bảo vệ chủ quyền của nước ta hiện nay.

Các giáo viên lịch sử cần đóng vai trò chủ để đa dạng hóa các hình thức giảng dạy tạo hiệu quả trong giáo dục ý thức cho học sinh về chủ quyền biển đảo Việt Nam
Các giáo viên lịch sử cần đóng vai trò chủ để đa dạng hóa các hình thức giảng dạy tạo hiệu quả trong giáo dục ý thức cho học sinh về chủ quyền biển đảo Việt Nam

Xây dựng kiến thức vững chắc về Hoàng Sa cho học sinh

Biển đảo nói chung và quần đảo Hoàng Sa nói riêng là một bộ phận khắn khít không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử ban hành ngày 19/1/2018 chuẩn bị cho quá trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam, chuyên đề về “Biển Đông: Lịch sử và hiện tại” đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và đưa vào nội dung SGK Lịch sử mới.

Chủ đề lịch sử này cơ bản đã giúp học sinh hình dung được những nét chính trong quá trình khai phá, xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên,  để nâng cao hơn hiệu quả giáo dục  về chủ quyền biển đảo, trong quá trình triển khai xây dựng nội dung chuyên đề cần chú trọng hơn đến việc làm rõ về những dấu ấn của văn hóa biển đảo trong cấu trúc văn hóa và tiềm thức của người dân Việt Nam; cập nhật thành tựu nghiên cứu mới nhất về vấn đề chủ quyền biển đảo như các bản đồ lịch sử do người Việt và người nước ngoài xưa kia vẽ về các đảo, quần đảo của Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo  cần có cơ chế tăng cường tính tự chủ của các trường phổ thông, giáo viên trong việc vận dụng hợp lí chương trình giáo dục phổ thông để xây dựng kế hoạch bài giảng lịch sử đa dạng, có sự lồng ghép tri thức về biển đảo quê hương trong quá trình giảng dạy.

Tại các trường THPT Đà Nẵng, việc giảng dạy những nội dung kiến thức liên quan đến chủ quyền quần đảo Hoàng Sa có ý nghĩa hết sức quan trọng.  Do vậy, các tài liệu giảng dạy lịch sử địa phương nên bổ sung thêm các kiến thức lịch sử địa phương vào bài dạy lịch sử chính khóa để giúp giáo viên có thể dễ dàng hơn trong việc lồng ghép những nội dung, kiến thức về chủ quyền biển đảo trong quá trình dạy học. Bổ sung thêm các nhân vật lịch sử, những người con quê hương Đà Nẵng đã  đóng góp công sức, máu xương của mình vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Ngoài ra, các buổi tập huấn cho giáo viên về những nội dung liên qua đến chủ quyền biển đảo cũng rất cần thiết. Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cũng cần tạo điều kiện cho các trường tiến hành sưu tầm, tập hợp các loại sách, tài liệu tham khảo về biển đảo để phục vụ nhu cầu giảng dạy và học tại các trường. Xây dựng thêm các kênh thông tin về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa  trong trường học như xây dựng bảo tàng 3D về quần đảo Hoàng Sa; phát động cuộc thi tìm hiểu về Hoàng Sa; phát động học sinh xây dựng những video trong đó cung cấp những cứ liệu lịch sử chứng minh quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.

Đối với giáo viên lịch sử tại các trường THPT Đà Nẵng cần phát huy tối đa năng lực và ý thức tự giác của bản thân trong việc soạn giáo án, thiết kế nội dung tạo sự liên kết giữa nội dung các bài học lịch sử với các vấn đề liên quan đến quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa một cách phù hợp, theo đúng nhu cầu học tập của học sinh. Các giáo viên lịch sử đóng vai trò chủ động  trong việc phối hợp với nhà trường, Đoàn Thanh niên và giáo viên các môn học khác tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các giờ học tại bảo tàng, các buổi dạ hội lịch sử, kể chuyện lịch sử để đa dạng hóa các hình thức dạy học cho học sinh, tạo hiệu quả trong giáo dục ý thức về trách nhiệm đối với quê hương, đất nước đối với chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao nhận thức cho học sinh Đà Nẵng về chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO