Xã hội

Nâng cao năng lực thực hiện chương trình giảm nghèo về thông tin

Lan Anh 16/11/2023 - 14:25

Sáng 16/11, tại TP. Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng, năng lực thực hiện chương trình giảm nghèo về thông tin thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 cho các phóng viên, biên tập viên, báo cáo viên các cơ quan báo báo đài trung ương và địa phương đóng trên địa bàn thành phố.

Phát biểu khai mạc, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, mục đích của buổi tập huấn là nhằm nâng cao năng lực truyền thông, nâng cao kỹ năng viết bài cho các phóng viên, biên tập viên, trong công tác truyền thông các nhiệm vụ chính trị, các thông tin thiết yếu cho xã hội nhất là tới các vùng núi vùng sâu, vùng xa, hải đảo, tới các người dân sinh sống ở các địa bàn còn khó khăn tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

thongtin1.jpg
Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) phát biểu khai mạc Hội nghị.

Tại chương trình, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí được thông tin một số chính sách hỗ trợ tiếp cận thông tin đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về dân tộc, miền núi.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc) cho biết, theo kết quả điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019, cả nước có hơn 14 triệu người với hơn 3,35 triệu hộ dân tộc thiểu số. Trong đó, có 6 dân tộc trên 1 triệu người (Tày, Thái, Mường, Khmer, Nùng và Mông); 14 dân tộc dưới 10.000 người, trong đó có 5 dân tộc có dân số dưới 1.000 người (Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu).

Thời gian qua, công tác dân tộc, có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Có thể nhắc đến như về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, 100% huyện có đường đến trung tâm huyện, 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã được tiếp cận với điện lưới quốc gia… Đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện rõ nét; sự nghiệp giáo dục – đào tạo và chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, tỷ lệ đi học đúng tuổi ở tiểu học đạt 99,35%...; các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống được bảo tồn phát huy…

thongtin2.jpg
Quang cảnh hội nghị

Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, còn nhiều tồn tại hạn chế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, một số mục tiêu quan trọng trong công tác dân tộc chưa đạt được. Khoảng cách chênh lệch, mức sống giữa các dân tộc, các vùng, miền chưa được thu hẹp. Đáng chú ý, chênh lệch hộ nghèo của vùng dân tộc thiểu số ngày càng có xu hướng tăng. Đặc biệt là đối với một số nhóm dân tộc thiểu số có dân số dưới 1.000 người có tỷ lệ hộ nghèo rất cao.

Bên cạnh đó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cơ bản không còn hộ đói nhưng Chính phủ vẫn phải cấp hàng chục ngàn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho các tỉnh có đông đồng bào đồng bào thiểu số.

Hiện nay vẫn còn 1.551 xã đặc biệt khó khăn; 51 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã; 13.222 thôn đặc biệt khó khăn.

Chưa hoàn thành công tác định canh định cư, chấm dứt tình trạng di cư tự do; chưa giải quyết được vấn đề đất sản xuất cho nông dân thiếu đất.

Dù được Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ đầu tư phát triển, nhưng do xuất phát điểm thấp nên vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện vẫn tồn tại "5 nhất" là: Địa bàn khó khăn nhất; Chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; Kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; Tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất; Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất.

Do đó, việc quan tâm về mọi mặt cho các tỉnh miền núi và dân tộc thiểu số cũng như hỗ trợ truyền tải thông tin của các cơ quan báo chí có yếu tố quyết định trong công cuộc giảm nghèo thông tin theo mục tiêu của Đảng và Nhà nước đề ra.

Để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp cận thông tin giai đoạn 2021 - 2025, ông Thắng cho rằng công tác truyền thông chính sách rất quan trọng, ông mong muốn các cơ quan báo chí đồng hành cùng Ủy ban Dân tộc thì các chỉ tiêu được đưa ra trong chương trình mục tiêu quốc gia sẽ đạt được kết quả như mong đợi.

Thông qua buổi tập huấn, các cán bộ, phóng viên cơ quan báo chí báo chí được tăng cường thêm những thông tin về về mục tiêu, nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân nắm và thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, tạo động lực phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao năng lực thực hiện chương trình giảm nghèo về thông tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO