Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Đối với nước ta, BĐKH không còn là nguy cơ, không chỉ là hiện tượng đơn lẻ mà đã là thực tế hiện hữu, tác động một cách toàn diện, rộng khắp ở các vùng, miền.
Theo số liệu quan trắc, mực nước biển tại hầu hết các vị trí ở dải ven biển Việt Nam đều có xu thế tăng trong thời kỳ 1993-2014 với mức độ tăng trung bình khoảng 3,34 mm/năm. Nếu theo số liệu vệ tinh, mực nước biển của toàn dải ven biển có xu thế tăng với tốc độ tăng trung bình khoảng 3,5 mm/năm, trong đó tăng mạnh nhất ở khu vực ven biển Nam Trung Bộ (5,6 mm/năm). Như vậy, có thể thấy BĐKH đã đang có tác động mạnh đến nước ta trên phạm vi cả nước, từ miền núi đến đồng bằng, vùng ven biển.
Trong thời gian qua, các tỉnh, thành miền Trung đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các giải pháp để thích ứng với BĐKH. Tuy nhiên, việc triển khai các công tác nhìn chung còn bị động, rời rạc và mang tính đơn lẻ và ngắn hạn. Bên cạnh đó, việc ứng phó với BĐKH trong các chiến lược, quy hoạch còn lúng túng, chưa đi vào thực chất, nên chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp, nhất là sự phối hợp tham gia của cộng đồng. Do vậy, Hội nghị này là cơ hội để cùng thảo luận, chia sẻ những thông tin, kỹ năng, từ đó có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, nâng cao trách nhiệm của các cán bộ quản lý và cộng đồng trong việc cùng tham gia hành động thích ứng với BĐKH.
Hội nghị này, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ giới thiệu những thông tin cập nhật mới nhất về BĐKH cũng như các chính sách pháp luật, chiến lược của Việt Nam ứng phó với BĐKH; Lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch phát triển…. Đồng thời, các đại biểu cũng thảo luận về vai trò của cán bộ quản lý và cộng đồng trong ứng phó với BĐKH, từng bước đề xuất xây dựng các hoạt động ứng phó BĐKH cho địa phương mình.
GS.TS Trần Thục - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn UBQG về BĐKH cho rằng, các tỉnh, thành miền Trung đang đối diện với các hình thái thời tiết cực đoan như lũ quét ở miền núi, ngập lụt ở đô thị, hạn hán, thiếu nước vào mùa khô, ở về phía biển thì có hiện tượng mực nước dâng do bão, đe dọa nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân. Muốn ứng phó, cách tốt nhất là tăng cường khả năng chống chịu của con người và hệ sinh thái đối với BĐKH.
“Nâng cao năng lực thích ứng để sẵn sàng điều chỉnh cuộc sống, sản xuất khi không còn phù hợp như xưa. Những lớp tập huấn như thế này hết sức cần thiết bởi những cán bộ này khi về cơ quan sẽ tuyên truyền với đoàn thể, người dân, từ đó có những công trình, biện pháp ứng phó cụ thể với BĐKH”- GS.TS Trần Thục chia sẻ.