Tuy bốn yếu tố là những vấn đề khác nhau, song sự tương tác giữa các yếu tố là không thể thiếu, yếu tố này là cơ sở xác lập những yếu tố khác, tất cả được tập hợp lại tạo nên một hệ thống TTĐĐ hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu thông tin của cả nhà nước, cơ quan quản lý, người sở hữu, sử dụng và các chủ thể khác có nhu cầu.
Do sự gắn bó chặt chẽ giữa các yếu tố nói trên mà nhiều quốc gia hiện nay, với mục tiêu xây dựng một hệ thống ĐKĐĐ thống nhất, đang từng bước thực hiện việc liên kết những yếu tố và hoạt động có sự gần gũi lại với nhau, đặt trong trách nhiệm chung của một cơ quan thống nhất nhằm thuận tiện cho việc quản lý và đơn giản hóa thủ tục đăng ký cho người dân, doanh nghiệp, cải cách hành chính (CCHC) và đơn giản hóa bộ máy cơ quan nhà nước.
Việc thành lập hệ thống ĐKĐĐ thống nhất sẽ tạo ra được nguồn dữ liệu TTĐĐ hoàn chỉnh. |
Thực hiện có hiệu quả theo lộ trình, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp các nghị quyết của Trung ương, đã đến lúc cần xem xét mô hình VPĐKĐĐ dưới sự điều hành, quản lý thống nhất của một cơ quan ở Trung ương. Việc xây dựng mô hình cơ quan ĐKĐĐ thuộc Trung ương nhằm khắc phục những tồn tại hiện nay của hệ thống VPĐKĐĐ trên địa bàn cả nước, phù hợp với xu thế quản lý đất đai (QLĐĐ) của các nước tiên tiến trên thế giới sẽ và phải đáp ứng các yêu cầu của một hệ thống ĐKĐĐ hiện đại, hiệu quả.
Cụ thể là đảm bảo sự chính xác và an toàn của hệ thống: Việc thiết lập hệ thống ĐKĐĐ đặt dưới một cơ quan thống nhất ở trung ương và có các chi nhánh đặt trên địa bàn toàn quốc (theo khu vực) sẽ bảo đảm sự thống nhất theo một trình tự thủ tục chặt chẽ, hồ sơ được thiết lập thống nhất với kinh phí được cấp qua cơ quan Trung ương cho việc lưu trữ hồ sơ của hệ thống, bảo đảm sự nhất quán trên địa bàn cả nước.
Đảm bảo sự minh bạch và đơn giản: Việc thành lập hệ thống ĐKĐĐ thống nhất sẽ tạo ra được nguồn dữ liệu TTĐĐ hoàn chỉnh, dẫn đến các biểu mẫu đăng ký được thực hiện nhất quán, thủ tục đơn giản, đặc biệt người dân được lựa chọn hệ thống đăng ký ở bất cứ địa bàn nào một cách nhanh chóng. Một hệ thống đăng ký được sắp xếp, lưu trữ và thể hiện theo kết cấu đơn giản, dễ hiểu, dễ tiếp cận và dễ sử dụng trong một mặt bằng chung với nhiều loại chủ thể có nhu cầu thuộc nhiều thành phần, tầng lớp khác nhau.
Tính thống nhất và kịp thời: Việc thiết lập một hệ thống ĐKĐĐ thống nhất dẫn đến thông tin các thửa đất được thể hiện trong một hệ thống hồ sơ địa chính (HSĐC) thống nhất và lan tỏa tới các địa bàn, địa phương. Điều này có nghĩa thông tin, dữ liệu ĐKĐĐ trong hệ thống hoàn chỉnh đối với toàn bộ diện tích đất đai nói chung và đối với từng thửa đất nói riêng trên phạm vi cả nước. Các thông tin sử dụng đất (SDĐ) và biến động đất đai được ghi nhận, cập nhật thường xuyên dẫn đến sự đầy đủ, chính xác của hệ thống TTĐĐ, tăng cường niềm tin đối với hệ thống ĐKĐĐ, đồng thời đảm bảo cho việc quản lý đất đai (QLĐĐ) của Nhà nước luôn chặt chẽ, hiệu quả. Cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai được xây dựng đồng bộ, đầy đủ thống nhất trên phạm vi cả nước sẽ là nền tảng cho triển khai Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và đô thị thông minh.
Sự công bằng và dễ tiếp cận: Với một hệ thống ĐKĐĐ, việc tin học hóa hệ thống ĐKĐĐ và hệ thống TTĐĐ sẽ khắc phục những bất cập về thủ tục, con người; tạo sự thuận tiện, đơn giản trong việc đăng ký đất đai và tiếp cận TTĐĐ. Đội ngũ nhân lực làm công tác đăng ký được đào tạo chuyên sâu do một cơ quan thống nhất quản lý, tăng cường tính chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Chi phí hoạt động thấp: Hiện nay, Tổng cục QLĐĐ đang xây dựng Hệ thống TTĐĐ đa mục tiêu. Đây sẽ là công cụ không thể thiếu của mô hình tổ chức ĐKĐĐ hiện đại; việc áp dụng công nghệ thông tin trong ĐKĐĐ sẽ khắc phục được những tồn tại hiện nay của hệ thống đăng ký, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu trữ dữ liệu đất đai và đảm bảo việc tiếp cận thông tin công khai, công bằng cho mọi đối tượng; tạo điều kiện đơn giản thủ tục hành chính, tinh giản nhân lực và rút ngắn thời gian thực hiện; là cơ sở để kết nối liên thông với CSDL của các ngành như thuế, xây dựng, CSDL quốc gia về dân cư,… giảm thiểu chi phí hoạt động của cơ quan ĐKĐĐ và các cơ quan Nhà nước khác có liên quan, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
Sự bền vững và ổn định: Một hệ thống ĐKĐĐ độc lập đã được các nước trên thế giới chứng minh (Anh và xứ Wales - 1925, Scotland - 1617, Úc - 1901, Canada - 1886,…) với nguồn nhân lực chuyên nghiệp sẽ hoạt động hiệu quả, tạo độ tin cậy và tăng tính bền vững của hệ thống ĐKĐĐ. Một hệ thống ĐKĐĐ thống nhất sẽ là tiền đề để xây dựng một cơ chế tài chính phù hợp, tạo nguồn thu để vận hành, nuôi dưỡng và phát triển cho toàn hệ thống, đảm bảo sự ổn định của hệ thống ĐKĐĐ.
Theo đó, để kiện toàn hệ thống cơ quan đăng ký đất đai cần tiếp tục sửa đổi pháp luật đất đai về các vấn đề phân cấp thẩm quyền ký cấp GCN QSDĐ cho cơ quan đăng ký thực hiện (kể cả VPĐK và các chi nhánh); những trường hợp đang SDĐ do lịch sử để lại chưa cấp GCN QSDĐ lần đầu cần có quyết định công nhận QSDĐ của UBND cấp tỉnh, cấp huyện nếu có đủ điều kiện quy định để làm cơ sở cho việc ký cấp GCN;
Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác ĐKĐĐ theo hướng lấy thửa đất làm trung tâm để quản lý, lấy người dân và doanh nghiệp (người sử dụng đất) làm trung tâm để phục vụ.
Nghiên cứu kiện toàn cơ quan đăng ký theo hướng mỗi tỉnh, thành phố có thể thành lập các chi nhánh VPĐKĐĐ theo khu vực thay thế cho các chi nhánh VPĐK hiện nay (tương tự việc kiện toàn các chi cục thuế khu vực) chịu trách nhiệm thực hiện việc ĐKĐĐ, cấp GCN, xây dựng, quản lý, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính và CSDL đất đai đối với tất cả các đối tượng; Hướng tới việc sắp xếp các VPĐK trong cả nước để Tổng cục QLĐĐ quản lý thống nhất theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII quy định một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả;
Cần rà soát sửa đổi quy định về việc thu phí, lệ phí mở rộng phạm vi áp dụng cho tất cả các loại thủ tục đăng ký biến động đất đai quy định tại khoản 4 Điều 95 của Luật Đất đai (vì các thủ tục cấp GCN lần đầu, thủ tục đăng ký thừa kế, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng QSDĐ và các thủ tục đăng ký biến động đất đai khác đều phải thẩm định hồ sơ); bổ sung quy định thu phí dịch vụ thực hiện thủ tục ngoài giờ để rút ngắn thời gian nhận kết quả cấp GCN theo nhu cầu của người SDĐ;
Cần giao cho Tổng cục QLĐĐ tổ chức xây dựng, quản lý vận hành thống nhất hệ thống TTĐĐ để khắc phục tình trạng chậm trễ, bất cập trong việc xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác TTĐĐ ở các địa phương hiện nay. Hệ thống TTĐĐ sẽ tạo nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu góp phần vào nhiệm vụ quan trọng để xây dựng Chính phủ điện tử.