Nạn phá rừng gây ra lượng khí thải cao gấp đôi trong hai thập kỷ

Lan Chi| 01/03/2022 20:04

Ngày 28/2, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Sustainability cho biết, lượng khí thải carbon từ nạn phá rừng nhiệt đới trong thế kỷ này cao hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây, tăng gấp đôi chỉ trong 2 thập kỷ và đang tiếp tục tăng tốc.

5000.jpg

Một khu rừng bị phá gần Sinop, thuộc bang Mato Grosso, Brazil. Ảnh: AFP

Các khu rừng trên thế giới tạo thành một kho lưu trữ carbon khổng lồ, chứa khoảng 861 gigatons carbon. Khi cây bị chặt, chúng sẽ giải phóng carbon tích trữ vào bầu khí quyển. Kể từ năm 2000, thế giới đã mất khoảng 10% độ che phủ của cây cối, điều này trở thành nguyên nhân chính gây ra sự nóng lên toàn cầu.

Nghiên cứu cho thấy, lượng carbon do nạn phá rừng nhiệt đới trong 2 thập kỷ qua đã tăng gấp đôi và tiếp tục tăng, phần lớn là do mở rộng biên giới nông nghiệp. Các nghiên cứu trái ngược với các đánh giá trước đây, chẳng hạn như Ngân sách Carbon toàn cầu năm 2021, vốn đã cho thấy sự giảm nhẹ lượng carbon từ nạn phá rừng.

Sử dụng dữ liệu vệ tinh có độ phân giải cao, các nhà nghiên cứu nhận thấy, Cộng hòa Dân chủ Congo, Indonesia và Brazil đã ghi nhận mức tăng tốc độ mất rừng lớn nhất từ ​​năm 2001 đến năm 2020. Trong khi đó, Nam Mỹ chịu trách nhiệm về tổng lượng khí thải lớn nhất từ ​​hoạt động phát quang rừng Amazon và các hệ sinh thái rừng khác. Kết quả phân tích cho thấy, khoảng 1/5 hoạt động phát quang đất đai ở vùng nhiệt đới diễn ra ở các vùng miền núi, nơi có trữ lượng carbon tương đối cao, đặc biệt là ở châu Á.

“Nạn phá rừng và thất thoát carbon rừng đang gia tăng”, Giáo sư Dominick Spracklen của Trường Trái đất và Môi trường thuộc Đại học Leeds, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết. Sự gia tăng diễn ra mặc dù đã có các cam kết làm chậm nạn phá rừng, như Tuyên bố New York về Rừng năm 2014, nhằm giảm 50% tỷ lệ mất rừng vào năm 2020. Tại Hội nghị COP26 ở năm ngoái ở Anh, một liên minh gồm 142 quốc gia - sở hữu 90% diện tích rừng trên thế giới đã cam kết ngăn chặn và khắc phục tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030.

Yu Feng, nghiên cứu sinh tại Đại học Khoa học và Công nghệ Miền Nam (SUSTech) (Trung Quốc), người dẫn đầu báo cáo cho biết: “Rừng nhiệt đới là kho lưu trữ carbon khổng lồ. Chúng ta phải giảm nạn phá rừng để làm chậm quá trình ấm lên toàn cầu”.

Chăn nuôi gia súc, dầu cọ, đậu nành, ca cao, cao su và cà phê đều là những nguyên nhân hàng đầu gây mất rừng nhiệt đới, phá hủy một số nơi có tính đa dạng sinh học cao nhất trên Trái đất, nơi sinh sống của các loài bao gồm báo đốm, con lười, đười ươi, chim toucan và vượn cáo.

Giám sát vệ tinh ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi lượng khí nhà kính trên Trái đất, chẳng hạn như phát thải khí mê-tan. Đối với rừng, tổ chức Giám sát Rừng Toàn cầu lưu trữ dữ liệu vệ tinh theo dõi tình trạng mất rừng và các dự án Điều tra Động thái Hệ sinh thái Toàn cầu (GEDI) của NASA sử dụng tia laser để phân tích sinh khối của cây, đồng thời giúp cung cấp bản đồ chính xác hơn về các khu rừng và kho dự trữ carbon trên thế giới.

Theo Tổng hợp từ Guardian
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nạn phá rừng gây ra lượng khí thải cao gấp đôi trong hai thập kỷ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO