Nan giải xử lý rác thải ven biển Quảng Ngãi

16/03/2016 00:00

(TN&MT) - Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường vùng ven biển tại tỉnh Quảng Ngãi ngày càng nhức nhối do nước thải, chất thải từ các khu dân cư, nhà máy, nhà hàng, khu du lịch xả ra thường xuyên nhưng không có biện pháp xử lý triệt để. Ô nhiễm đang ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế biển vốn là tiềm năng của địa phương.

Người dân vô tư đổ chất thải rắn xuống biển
Người dân vô tư đổ chất thải rắn xuống biển

Ngộp thở vì ô nhiễm

Từ nhiều năm nay, tại nhiều vùng ven biển của tỉnh Quảng Ngãi như cảng Sa Kỳ, bờ đập Quỳnh Lưu, Bình Châu, Nghĩa An... rác thải sinh hoạt, chất thải rắn, chất tẩy rửa… tràn lan trên bờ, dưới nước. Và hàng chục nghìn hộ dân sống tại các điểm này phải chịu cảnh sống chung với rác. Ông Lê Văn Sáu, thôn Đinh Tân, xã Bình Châu thở dài: “Nơi đây đất chật, người đông, lại không có bãi tập kết rác nên người dân đành vứt rác xuống biển. Mong sao có đội thu gom rác để giảm ô nhiễm môi trường”.

Tại các khu du lịch, bãi tắm Mỹ Khê, Khe Hai, Sa Huỳnh, nước thải và rác từ hàng trăm nhà hàng cũng xả thẳng ra biển hằng ngày. Vào những thời điểm sau những dịp lễ, Tết hay ngày hè… mùi hôi thối bốc lên khiến cư dân ven biển “ngạt thở”.

Tại huyện đảo Lý Sơn ô nhiễm môi trường biển đã khiến cho một số loài quý hiếm, có giá trị cao như san hô đen, hải sâm, tôm hùm… hầu như không còn; thảm thực vật dưới đáy biển Lý Sơn bị biến mất.

Rác thải làm nguồn nước ô nhiễm nên nhiều hồ tôm thường xuyên xảy ra dịch bệnh. Mấy năm gần đây, người nuôi tôm ở xã Bình Châu liên tục trắng tay do tôm bị dịch bệnh chết. Riêng vụ tôm năm nay, hơn 60 hecta tôm nuôi một tháng tuổi của bà con đã chết sạch. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là nguồn nước bị ô nhiễm từ rác thải và chất thải.

Bà Nguyễn Thị Huệ, một người nuôi tôm cho rằng: “Mình ở gần cảng, xăng dầu đổ ra sông rồi, bây giờ rác thải cái gì cũng đổ ra đây làm sao nuôi tôm, nên bao nhiêu năm nay hồ bỏ không. Một phần là do dân mình hết, mình không quản lý được rác, nước ô nhiễm nên không nuôi tôm gì được hết”.

Giải thích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng rác thải, chất thải ô nhiễm từ nhiều năm nay ở xã Bình Châu, ông Phùng Bá Vương- Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cho rằng, Bình Châu là xã biển, đông dân cư, có nhiều cơ sở chế biển thủy sản. Thế nhưng, địa phương chưa có nơi xử lý rác thải tập trung, chưa tổ chức thu gom dẫn đến tình trạng ứ đọng rác thải, gây ô nhiễm môi trường.

Rác thải sinh hoạt, chất thải rắn, chất tẩy rửa… tràn lan trên bờ, dưới nước
Rác thải sinh hoạt, chất thải rắn, chất tẩy rửa… tràn lan trên bờ, dưới nước

Trước thực trạng ô nhiễm ven biển ở mức báo động, các cơ quan đoàn thể đã tổ chức nhiều chiến dịch ra quân thu gom rác nhưng mọi chuyện lại đâu vào đấy khi người dân vẫn đổ rác bừa bãi. Hiện nay mới chỉ có một vài địa phương như Tịnh Khê, Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh) có tỷ lệ người dân đăng ký thu gom rác tại nhà cao. 

Huy động sức dân bảo vệ môi trường biển

Những năm qua, các cấp, ngành liên quan của tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều biện pháp xử lý tình trạng vứt rác sinh hoạt bừa bãi, nhưng do chưa làm quyết liệt và ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của người dân còn hạn chế, nên tình trạng ô nhiễm môi trường dọc bờ biển vẫn không được xử lý triệt để.

Ông Lê Mỹ Liên- Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường (TN &MT) tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận, nhiều năm qua, tuyến ven biển Quảng Ngãi triển khai nhiều dự án đầu tư lớn. Cùng với đó, dân cư tập trung ở các xã ven biển ngày càng đông. Trong khi đó, việc quản lý, bảo vệ môi trường vùng ven bờ biển chưa được quan tâm đúng mức.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác  bảo vệ môi trường ven biển, Sở  TN & MT tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai Đề án quản lý tổng hợp đới bờ tại các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ và Lý Sơn. Dự án có tổng mức đầu tư gần 9 tỷ đồng. Dự án nhằm tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về quản lý tổng hợp đới bờ để khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường biển, ven biển, phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng biển và ven biển của địa phương.

Đồng thời, Sở cũng phối hợp với các ban ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và khuyến khích các địa phương thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp hoạt động dọc theo ven biển có cam kết và triển khai các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường. Trong đó, huy động sự tham gia của người dân được coi là giải pháp quan trọng. Thực tế đã cho thấy, từ khi các tổ đội thu gom rác thải ở xã Tịnh Kỳ ra đời, những ổ rác lớn dần dần bị triệt tiêu. Hơn 70% lượng rác thải sinh hoạt trong toàn xã. Nhờ đó, môi trường biển ngày càng được cải thiện hơn. Đây là mô hình bảo vệ môi trường thiết thực và hiệu quả, cần được nhân rộng ra các địa phương trong tỉnh, nhất là các xã ven biển để góp phần bảo vệ môi trường biển, cũng như môi trường sống của chính mình.

“Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ven biển đòi hỏi phải có sự hưởng ứng tích cực và thực hiện đồng bộ của các cấp, các ngành, các tổ chức và mỗi người dân vùng ven biển. Có vậy mới đảm bảo phát triển kinh tế biển một cách bền vững và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân vùng biển”- ông Lê Mỹ Liên nhấn mạnh.

Ô nhiễm môi trường biển ở Quảng Ngãi đã đến mức báo động
Ô nhiễm môi trường biển ở Quảng Ngãi đã đến mức báo động

Tỉnh Quảng Ngãi đường bờ biển dài trên 130km. Tận dụng những tiềm năng, lợi thế từ cảng biển nước sâu, ngư dân đóng tàu công suất lớn vươn khơi xa, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản... Do vậy, việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ven biển đang rất cấp thiết. Nó đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ và sự hưởng ứng tích cực của mọi người dân. Có vậy mới đảm bảo phát triển kinh tế biển một cách bền vững, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân vùng biển./.

Bài & ảnh: Lan Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nan giải xử lý rác thải ven biển Quảng Ngãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO