Nam Trung Bộ: Khẩn cấp ứng phó với mưa lũ đặc biêt lớn

16/12/2016 00:00

(TN&MT) – Ngày 16/12, lũ trên các sông ở miền Trung tiếp tục dâng cao và vượt trên mức báo động 3, nguy cơ vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2013. Hiện các địa phương đang tích cực triển khai nhiều biện pháp để ứng phó với lũ lớn, nhằm giảm thiệt hại về người lẫn tài sản ở vùng hạ lưu các sông.

Quảng Ngãi: Lũ vượt đỉnh lịch sử

Tại tỉnh Quảng Ngãi, lũ ở các sông Trà Câu, sông Trà Khúc, sông Vệ đã trên mức báo động 3, dự báo, mực nước có khả năng cao hơn mức lịch sử năm 2013 vào trưa ngày 16.12. Mưa lớn kéo dài đã khiến hầu hết các hồ, đập trên địa bàn tỉnh có mực nước dâng cao, phải xả tràn liên tục. Quảng Ngãi có 5 hồ, đập đang tiến hành xã lũ điều tiết. Trong đó, đáng chú ý là hồ thủy điện Đăkdrinh đang xả lũ với lưu lượng khá lớn 891 m3/giây, hồ Nước Trong xả với lưu lượng 240 m3/ giây. Việc xả lũ được theo dõi chặt chẽ nhằm hạn chế ảnh hưởng đến vùng hạ du.

Hiện, tình trạng ngập lụt diễn ra trên diện rộng tại một số địa phương như huyện Nghĩa Hành (Thị trấn Chợ Chùa, xã Hành Dũng, Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, Hành Nhân, Hành Thiện); huyện Tư Nghĩa (xã Nghĩa Kỳ, Nghĩa Trung, Nghĩa Phương, Nghĩa Điền); huyện Đức Phổ (xã Phổ Văn, Phổ Minh, Phổ Ninh, Phổ Khánh); huyện Mộ Đức (xã Đức Nhuận, Đức Thắng) ngập sâu từ 1.5-3.0m và một số địa phương vùng thấp trũng, hạ lưu ven sông Trà Khúc, sông Trà Bồng. Hàng nghìn hộ dân lại tiếp tục bị cô lập trong nước lũ. Từ hôm qua đến sáng nay, chính quyền địa phương đã tiến hành di dời 1500 hộ dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cũng đã chỉ đạo các địa phương, bên cạnh công tác di dời đảm bảo tính mạng cho người dân, cần chú trọng đến công tác an sinh. “Đối với các vùng bị ngập nặng, thì địa phương phải tìm cách hỗ trợ, cung cấp thuốc men, lương thực, nước uống cho người dân đầy đủ. Bên cạnh đó, phải thường xuyên huy động lực lượng túc trực ở những nơi nước lũ bao vây để tuyên truyền cho người dân không nên qua lại”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh chỉ đạo.

Bình Định: Tập trung di dời dân vùng xung yếu

Tại Bình Định, mưa lớn liên tục trong 4 ngày qua (từ 12-16.12) đã làm nước lũ trên các sông dâng cao. Đến sáng 16.12, nước lũ đã khiến trên 90 xã tại các huyện Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, TP Quy Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Nhơn… lâm vào cảnh cô lập, người dân không thể di chuyển ra ngoài, đang chờ được tiếp tế lương thực, mì tôm, nước uống… và di dời khỏi vùng nguy hiểm. Trong khi đó, 166 hồ chứa trên địa bàn toàn tỉnh đã đầy nước, nhiều hồ đang trong tình trạng nguy cấp do rò rỉ nước qua thân đập. Hiện tại, rất đông các lực lượng đang được huy động để bố trí ứng trực 24/24 giờ tại các công trình thủy lợi xung yếu để đối phó với mưa lũ”.

Trong đêm 15/12, địa phương đã tiến hành di dời gần 1.000 người dân đang bị lũ chia cắt, có nguy cơ đối diện với nguy hiểm lên vùng cao an toàn. Trong đó, huyện Tuy Phước có 750 người và 2 phường Bình Định và Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn có gần 200 người. Đồng thời ưu tiên công tác cứu hộ cứu nạn và hỗ trợ kịp thời lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men, chăn màn… ở những nơi người dân bị mưa lũ cô lập dài ngày.

Theo ông Nguyễn Bốn, Chủ tịch P.Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn cho biết: khoảng 3 đến 4 giờ ngày 16/12, nước lũ trên địa bàn dâng nhanh, khiến người dân trở tay không kịp. Đến khoảng 7 giờ cùng ngày 16/12, P. Nhơn Hòa có hơn 2.000 hộ dân bị lũ cô lập, trong đó có 15 hộ ở khu vực Huỳnh Kim đã được di dời đến nơi an toàn.

Hiện, công tác di dời dân khỏi vùng ngập lũ tiếp tục được các địa phương triển khai rất khẩn trương.

Trong đêm qua, 15/12, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã gửi đi bức thư kêu gọi ủng hộ với người dân tỉnh này.

Trong đợt mưa lũ từ cuối tháng 11/2016 đến ngày 15/12/2016 trên địa bàn tỉnh đã có 18 người bị chết, 10 người bị thương; 300 ngôi nhà bị sập, trên 24.000 ngôi nhà khác bị ngập lũ; hơn 14.000 ha lúa Đông Xuân mới gieo sạ bị hư hỏng hoàn toàn; nhiều công trình giao th​ông ​thủy lợi, hồ đập bị hư hỏng nặng…Tổng thiệt hại bước đầu khoảng trên 1.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, thời gian tới, dự báo khu vực Bình Định sẽ tiếp tục có mưa rất to, lượng mưa từ 300 - 500 mm; mực nước các sông lại lên cao, thời gian lũ lụt tiếp tục kéo dài, làm cho nhiều vùng dân cư ngập sâu và cô lập nhiều ngày.

Bài và ảnh: Lan Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nam Trung Bộ: Khẩn cấp ứng phó với mưa lũ đặc biêt lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO