Cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nậm Pồ thẩm định xác định vị trí thửa đất trên bản đồ, phục vụ công tác sắp xếp dân cư, cấp Giấy CNQSDĐ trên địa bàn huyện. |
Để công tác quản lý đất đai đạt hiệu quả, UBND huyện Nậm Pồ (Điện Biên) đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các xã trong toàn huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường... và các nghị định, hướng dẫn thi hành của Chính phủ nhằm làm chuyển biến nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ và nhân dân trong việc quản lý và sử dụng đất đai; tuyên truyền làm rõ việc xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, tạo sự đồng thuận trong nhân dân đối với quá trình xử lý những vi phạm theo quy định của pháp luật.
Nậm Pồ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất năm 2020 và tầm nhìn đếnn năm 2030. |
Cùng với đó, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn thực hiện tốt công tác lập bản đồ địa chính, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2025 và tậm nhìn đến năm 2030. Qua đó, công tác giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn huyện được thực hiện đúng quy định. UBND huyện chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với UBND các xã tiến hành rà soát, thống kê số hộ, cá nhân đủ điều kiện được giao đất dịch vụ, tiến hành quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng.
Ông Hà Công Nghiệp, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nậm Pồ cho biết: Để công tác quản lý, sử dụng đất có hiệu quả, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định; kiểm tra, giải quyết đề nghị của một số doanh nghiệp, cá nhân xin chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất làm cơ sở sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi. Đồng thời, tham mưu UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn rà soát quỹ đất, triển khai công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn.
Trong công tác bảo vệ môi trường, UBND huyện Nậm Pồ đã chỉ đạo các xã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và tăng cường các hoạt động thu gom, xử lý rác thải. Đến nay, các xã, thị trấn trên địa bàn đã thực hiện nghiêm việc thu gom, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương.
Quy hoạch đất tái định cư trung tâm huyện Nậm Pồ thuộc bản Huổi Đáp, xã Nà Hỳ. |
Ông Nguyễn Đức Luyện, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ (Điện Biên), cho biết: UBND huyện tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai và kế hoạch xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất, không để phát sinh mới các trường hợp lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích trên địa bàn; Các xã bám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt để triển khai các dự án đã đăng ký và được phê duyệt, đồng thời, kịp thời bổ sung các công trình, dự án phát sinh, rà soát các công trình, dự án đã được phê duyệt nhưng chậm triển khai hoặc không có khả năng triển khai để đề nghị điều chỉnh.
Các phòng chức năng của huyện đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất các công trình, dự án trên địa bàn, nhất là các công trình trọng điểm của huyện, các công trình, dự án phục vụ xây dựng nông thôn mới, đất đấu giá, giãn dân, kịp thời thẩm định phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư; tập trung đôn đốc, hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai quy trình để đấu giá quyền sử dụng đất, cấp đất giãn dân, đất xen ghép, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Ông Nguyễn Đức Luyện, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ (Điện Biên), cho biết thêm: Để tiếp tục nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về đất đai, trong thời gian tới, huyện Nậm Pồ tập trung thực thiện tốt kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của 16 xã; chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân và doanh nghiệp về chính sách, pháp luật đất đai để người sử dụng thực hiện nghĩa vụ tài chính theo đúng quy định. Đồng thời, tăng cường việc kiểm tra, rà soát việc thực hiện cấp Giấy CNQSDĐ lần đầu đối với đất nông nghiệp, đất ở; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vào hoạt động hành chính theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, góp phần bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp, đời sống người dân, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế, xã hội bền vững.