Nam Giang (Quảng Nam): Thực hiệu quả tín dụng chính sách để giúp người dân thoát nghèo
Nam Giang là một trong những huyện nghèo của tỉnh Quảng Nam với tỷ lệ hộ nghèo chiếm 43,54 %, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Để từng bước giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, địa phương đang tích cực triển khai hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách ưu đãi trên địa bàn. PV Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Châu Văn Ngọ - Phó Chủ tịch huyện Nam Giang xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, thời gian qua, các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội của địa phương như thế nào?
Ông Châu Văn Ngọ: Trên cơ sở các Quyết định, chương trình cho vay vốn ưu đãi của Chính phủ, Nhà nước UBND, Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện chỉ đạo Phòng giao dịch NHCSXH phối hợp với cấp ủy, chính quyền cấp xã, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác xây dựng mạng lưới Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) là cánh tay nối dài cho NHCSXH. Đến nay trên địa bàn huyện có 114 Tổ TK&VV và tổ chức giao dịch tại 12 xã, thị trấn, PGD NHCSXH đã đưa đồng vốn đến tận tay người thụ hưởng một cách nhanh chóng thông suốt, bảo đảm công khai minh bạch tạo ra hiệu quả kinh tế nhằm xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tổng dư nợ 226 tỷ đồng với 5.078 hộ còn dư nợ.
Nguồn vốn tín dụng chính sách hàng năm giúp nhiều hộ vay thoát nghèo bền vững, giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Cụ thể là tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 giảm 6,86% so với năm 2021 chỉ còn 43,54% (giảm 487 hộ), đặt biệt 9 tháng năm 2023, PGD NHCSXH đã giải ngân cho 825 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn với số tiền 47 tỷ đồng, Nguồn vốn này kịp thời giúp cho hộ nghèo và đối tượng chính sách khác kịp thời có vốn để đầu tư vào SXKD chăn nuôi trồng trọt nhằm giảm nghèo bền vững.
PV: Có được kết quả xoá đói giảm nghèo hiệu quả một phần là nhờ việc quản lý và sử dụng hiệu quả tín dụng chính sách. Xin ông chia sẻ kinh nghiệm giám sát đối với công tác này tại địa phương?
Ông Châu Văn Ngọ: UBND huyện, Ban đại diện HĐQT NHCSXH luôn bám sát Chỉ thị số 40-CT/TW Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong việc chỉ đạo và triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn; Nâng cao vai trò kiểm tra, giám sát của thành viên Ban địa diện NHCSXH trong việc thực hiện tín dụng chính sách tại địa phương.
Chúng tôi chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác và cán bộ tín dụng theo dõi địa bàn của NHCSXH phải thường xuyên họp với dân để tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn bà con sử dụng vốn vay tín dụng chính sách đúng mục đích và hiệu quả. Các ngành chuyên môn, như: Khuyến nông, khuyên lâm cần tổ chức giới thiệu các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả cụ thể mời bà con đến tham dự để làm theo.
Các Tổ Tiết kiệm và vay vốn, bình xét cho vay vốn tín dụng chính sách phải thực hiện công khai, dân chủ, đúng đối tượng thụ hưởng. Ngoài ra, chúng tôi cũng yêu cầu chọn Ban quản lý tổ phải là những người có tâm huyết, nhiệt tình, được NHCSXH thường xuyên đào tạo, biết nói thành thạo tiếng của bà con địa phương.
Nếu hộ vay không may bị rủi ro do các nguyên nhân khách quan như hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh dẫn đến mất mùa, trâu, bò chết làm mất vốn vay thì phải được lập biên bản đề nghị xử lý kịp thời.
Hoạt động cho vay tín dụng chính sách trên địa bàn cấp xã phải được ban hành Nghị quyết của Đảng ủy và chương trình làm việc hàng tháng cụ thể của UBND. Tại buổi giao dịch xã Chủ tịch UBND xã phải thường xuỵên có mặt để tham gia họp giao ban với NHCSXH, các Hội, đoàn thể và Tổ Tiết kiệm và vay vốn. Giải quyết kịp thời các vướng mắc và đề xuất kiến nghị của bà con.
PV: Thời gian tới, địa phương tiếp tục có những giải pháp gì để thực hiện tốt tín dụng chính sách đối với người nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững thưa ông?
Ông Châu Văn Ngọ: Phát huy những kết quả đạt được, để chính sách tín dụng tiếp tục đóng góp hiệu quả trong công cuộc giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội, huyện Nam Giang đã và đang triển khai các nhiệm vụ, giải pháp: Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả tinh thần, nội dung chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng, các địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc xây dựng, lồng ghép các mô hình, chương trình, dự án trong quá trình triên khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện.
Tăng cường, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội, giám sát và sử dụng tối đa nguồn lực tín dụng chính sách xã hội nhất là các biên giới, các xã có đồng bào dân tộc thiểu số nhiều, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Nâng cao tinh thần trách nhiệm và phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ đoàn, hội cơ sở; làm tốt việc nhận diện, bình xét, xác nhận đối tượng vay vốn đảm bảo minh bạch, đúng đối tượng; thường xuyên kiểm tra, nắm chắc tình hình sử dụng vốn của người vay; tăng cường kiểm tra, giám sát, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn; hướng dẫn, đôn đốc người vay sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ, trả lãi ngân hàng đầy đủ, đúng hạn; nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng; Tập trung nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt là đẩy mạnh nguồn vốn từ ngân sách huyện ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đôi với người nghèo và các đối tượng chính sách khác tại địa phương.