Nam Định: Còn bất cập trong triển khai các dự án xóa đói giảm nghèo

Thuỵ Khanh | 28/03/2023 18:44

(TN&MT) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành các Kế hoạch hướng dẫn và xây dựng các Dự án/ Tiểu dự án thuộc Chương trình nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo hạn chế tái nghèo, tuy nhiên trong quá trình triển khai vẫn tồn tại nhiều bất cập.

Với mục tiêu thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành nhiều văn bản, Công văn chỉ đạo thực hiện chương trình và thu được kết quả tích cực với tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh duy trì mức giảm hàng năm từ 0,05-0,1%; đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,5% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025).

anh-1.jpeg
Cần giải quyết bất cập trong quá trình triển khai các Dự án cho các đối tượng người cao tuổi, cô đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật,

Tuy nhiên, trong tổng số các Dự án/ Tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số Dự án/ Tiểu dự án gặp vướng mắc trong việc triển khai thực hiện.

Trong Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp; đã được hoạch định tại Tiểu dự án 1 và 3: Phát triển giáo dục nghề nghiệp; Hỗ trợ việc làm bền vững với công tác đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và lao động có thu nhập thấp năm 2022 theo Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 29/9/2022 của UBND tỉnh theo mục tiêu hỗ trợ việc làm, thực hiện kết nối việc làm cho người lao động có nhu cầu tìm việc với người sử dụng lao động có nhu cầu tuyển dụng.

Tuy nhiên, theo Thông tư 17/2022/TT-BLĐTBXH ngày 6/9/2022 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số nội dung về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động tại các tiểu dự án và nội dung thành phần thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 được ban hành, song Sở Lao Động – Thương binh và Xã hội tỉnh chưa phân bố được thời gian tuyển sinh mở lớp dạy nghề theo quy định vì thời gian ra kế hoạch gấp rút và phải đẩy lùi thời gian triển khai Kế hoạch hành động sang năm 2023.

Đối với Dự án 2: Đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; với mục tiêu hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững cho người dân, năm 2022 là năm đầu triển khai dự án, mặc dù UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch yêu cầu Sở Lao động-Thương binh và Xã hội có văn bản hướng dẫn và tổ chức tập huấn nhưng các địa phương vẫn gặp khó khăn trong việc triển khai, bởi các dự án triển khai cần có thời gian thực hiện “tối đa là 3 năm” nhưng vốn sự nghiệp phải quyết toán theo năm kế hoạch, nên các địa phương còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ trong việc lựa chọn phương án để triển khai.

Hơn nữa, Dự án được quyết toán theo năm (tức năm 2022), trong khi thời gian thực hiện chỉ khoảng 6 tháng nên Dự án mới chỉ dừng lại ở Hướng dẫn văn bản, các địa phương cũng chưa có kế hoạch triển khai Dự án trong năm 2023 vì chưa được phân nguồn ngân sách thực hiện cụ thể.

Mặt khác, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ yếu là những lao động không còn khả năng lao động, người cao tuổi, cô đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật,… nên việc chọn đối tượng để tham gia thực hiện dự án còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ không quá 50% tổng chi phí thực hiện một dự án phù hợp với điều kiện, đặc điểm, quy mô, mục tiêu, nhiệm vụ, tính chất của án liên kết và trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao.

Qua những bất cập trong quá trình thực hiện, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cần chủ động chủ trì, giám sát công tác đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng đối với rà soát các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện, thành phố để tìm đúng đối tượng tham gia Chương trình; yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức giám sát công tác giảm nghèo về thông tin tại các huyện trên toàn tỉnh.

Đồng thời, đề xuất, kiến nghị Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể quyết toán việc thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo theo thời gian thực hiện dự án để phù hợp với thực tiễn (Các dự án có thời gian thực hiện từ 1 năm đến tối đa 3 năm) để có thể triển khai, lồng ghép các Chương trình giảm nghèo bền vững phù hợp, đảm bảo an sinh xã hội và hoàn thành mục tiêu giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo cải thiện sinh kế, cải thiện điều kiện sống trên địa bàn tỉnh Nam Định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nam Định: Còn bất cập trong triển khai các dự án xóa đói giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO