Nam Đàn (Nghệ An): Sống bất an dưới chân núi sạt lở

Bài và ảnh: Phạm Tuân| 29/06/2021 11:50

(TN&MT) - Các bên liên quan đang “loay hoay” để tìm cách xử lý chống sạt lở tại dãy núi phía sau khu dân cư thuộc xã Nam Thái (huyện Nam Đàn). Điều đáng nói, hiện tượng sạt lở nêu trên nguyên nhân chính là do địa phương tự ý cho khai thác lấy đất đi đắp dự án khác gây ra.

Chân núi sạt lở do khai thác đất?

Từ đường QL46 có thể nhìn thấy rõ mồn một những vết nứt lớn từ trên đỉnh núi Truông, thuộc xóm Hồng Sơn, xã Nam Thái.

Tiếp chuyện chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thắng, trú tại xóm Hồng Sơn, một người dân sống dưới chân núi Truông đã hơn 30 năm nay cho biết: Thời điểm ban đầu, ở đây không hề có hiện tượng sạt lở. Mấy năm gần đây, một số người đưa máy múc đến khai thác đất để san lấp mặt bằng khiến chân và hông núi bị “tổn thương”, cũng từ đó xuất hiện hiện tượng sạt lở, đe dọa đến những hộ gia đình sống dưới chân núi như gia đình ông.

“Những khi trời mưa gia đình chúng tôi phải sơ tán, không dám ở nhà vì sợ. Như năm ngoái, hàng ngàn m3 đất sạt xuống tràn vào vườn, vào nhà. Hết mưa chúng tôi phải mất công, mất của thuê dọn dẹp, bốc đất đá đi nơi khác” -  Ông Thắng cho hay.

Được biết, dọc khu vực bị sạt lở đất tại núi Truông có khoảng gần chục hộ dân sinh sống, có nhiều nhà còn nằm sát chân núi hơn nhà ông Thắng. Mùa mưa đang tới gần khiến người dân càng thêm phần lo lắng, bất an hơn.

Ông Văn Bá Hòa - Chủ tịch UBND xã Nam Thái cho biết, theo kết luận của Đoàn kiểm tra huyện Nam Đàn, nguyên nhân sạt lở ngoài đặc điểm thổ nhưỡng còn do việc khai thác đất khiến chân núi không còn vững. Ngoài việc khai thác đất để mở rộng QL46 vào năm 2002, ông Hòa cũng thừa nhận thời gian gần đây, một số hộ dân xin cải tạo vườn khiến một lượng đất lớn bị lấy đi để san lấp mặt bằng. Theo ông Hòa, việc cải tạo vườn nói trên được UBND huyện Nam Đàn cho phép.

Ngoài ra, ông Hòa thừa nhận một khối lượng đất khá lớn cũng bị đào bới trộm. Ghi nhận của phóng viên tại khu vực này cho thấy, phần hông núi phía xóm Hồng Sơn, từ chân ngược lên gần đến đỉnh núi, đã bị khai thác và lấy đi một khối lượng đất đá rất lớn, nhiều điểm dấu vết máy xúc, xe tải vào ra khu vực nói trên còn rất mới. Khu vực này nằm cách QL46 chỉ chưa đầy 200 m.

Một người dân sống ở chân núi này cho biết, do một số doanh nghiệp ở gần đó có nhu cầu đất để san lấp mặt bằng nên một số hộ dân đã lấy danh nghĩa xin hạ đất núi cải tạo vườn để bán đất cho doanh nghiệp nên mới xảy ra cơ sự nói trên.

Núi Truông, xóm Hồng Sơn, xã Nam Thái (huyện Nam Đàn) sạt lở nham nhở

Vẫn đang “loay hoay” tìm phương án

Được biết, trước sự việc trên, ngày 10/3/2021, UBND huyện Nam Đàn có Tờ trình gửi UBND tỉnh Nghệ An đề xuất chủ trương cải tạo chống sạt lở tại núi Truông. Theo báo cáo, sau đợt mưa lũ năm 2020 đã xuất hiện nhiều vết nứt lớn trên sườn núi, nguy cơ sạt lở rất cao, đe dọa tính mạng và tài sản của các hộ dân đang sinh sống dọc chân núi.

UBND huyện Nam Đàn đã lập đoàn kiểm tra, phát hiện sườn núi bị nứt rộng, kéo dài, lượng đất đá khả năng sẽ sạt lở khoảng gần 200.000 m3. UBND huyện Nam Đàn đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra và cho lập dự án xử lý, chống sạt lở.

Sau đó, đầu tháng 4/2021, Đoàn kiểm tra của Sở NN&PTNT và Sở TN&MT Nghệ An đã đến kiểm tra thực địa tại khu vực này. Kết luận ghi nhận xuất hiện hiện tượng sạt lở đất chạy dọc theo sườn núi Truông và đang có dấu hiệu ngày càng diễn biến phức tạp.

Các vết nứt rộng 2,5 - 3 m, sâu khảng 8 - 10 m, nối tiếp nhau chạy dài khoảng 1.000 m. Tại thời điểm kiểm tra có phát hiện dấu vết đào mới và đắp bờ bao sát chân núi. Khu vực núi Truông một phần diện tích đã giao khoán cho người dân, một phần do xã quản lý và phần còn lại là rừng đặc dụng. Phía dưới chân núi có 10 hộ dân đang sinh sống và sẽ rất nguy hiểm nếu xảy ra sạt lở.

Báo cáo của Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết, việc xử lý các cung trượt, sụt lún này là rất khó khăn, vì cung trượt dài, vùng phạm vi ảnh hưởng lớn. Sở này cũng đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo huyện Nam Đàn thực hiện ngay các biện pháp cảnh báo, cử người theo dõi diễn biến hiện tượng sạt lở, ngăn chặn việc khai thác đất, sẵn sàng di dời các hộ dân dưới chân núi khi có mưa lũ... Về phương án xử lý lâu dài, sẽ cắt đỉnh núi, giật cấp hạ độ cao của núi để cản sạt lở.

Người dân sống dưới chân núi Truông phản ánh tình trạng sạt lở trong sự lo âu khi mùa mưa bão đang tới gần

Theo lãnh đạo UBND huyện Nam Đàn, sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An, huyện đã chỉ đạo UBND xã Nam Thái tìm doanh nghiệp trước đây đã đào đất ở chân núi Truông để phối hợp xử lý cung trượt này, trên cơ sở xã hội hóa bằng cách tận thu đất đá để san lấp mặt bằng, không sử dụng kinh phí Nhà nước. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào nhận. Phương án di dời dân ra khỏi khu vực này để tái định cư khó khả thi vì cần nguồn kinh phí rất lớn.

Trong khi đó, ông Văn Bá Hòa, Chủ tịch UBND xã Nam Thái cho biết, xã đang xây dựng phương án xử lý nhưng không có chuyên môn nên không thể lập thiết kế vì vậy đến nay đang phụ thuộc vào các cơ quan chuyên môn cấp trên.

Mới đây nhất, ngày 5/4/2021, UBND tỉnh Nghệ An lại tiếp tục có Văn bản giao Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An, UBND huyện Nam Đàn tiến hành đo đạc, thống kê và báo cáo rõ khối lượng, kích thước, vị trí, cao độ so với chân núi, diễn biến của các vết nứt xuất hiện, làm cơ sở để xuất phương án xử lý hợp lý, đảm bảo an toàn… Tuy nhiên, đến nay, các cơ quan chức năng vẫn đang “loay hoay”, chưa tìm ra phương án.

Hiện, các phương án xử lý sạt lở vẫn chưa thể được tiến hành, trong khi mùa mưa bão đang tới gần càng khiến cho người dân nơi đây thêm phần lo lắng, bất an.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nam Đàn (Nghệ An): Sống bất an dưới chân núi sạt lở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO