Doanh nghiệp - doanh nhân

Năm 2024 tiếp tục là năm khó khăn về tài chính, cung ứng điện với EVN

Phương Hà 03/01/2024 - 08:45

Chia sẻ tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Đặng Hoàng An - Chủ tịch HĐTV EVN nhận định, để xảy ra thiếu điện trong mùa khô năm 2023 là bài học đắt giá đối với EVN và đảm bảo cung ứng điện vẫn là nhiệm vụ cam go trong những năm tới, chứ không riêng gì năm 2024.

ct-hdtv-evn-dang-hoang-an-phat-bieu20240102191021.jpg
Chủ tịch EVN Đặng Hoàng An phát biểu tại hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các Bộ, ngành, các địa phương, đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành đã có nhiều văn bản chỉ đạo và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất của EVN. Đồng thời, toàn thể CBCNV của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng các đơn vị đã rất nỗ lực, cố gắng khắc phục các khó khăn.

Đến cuối năm 2023, tổng công suất đặt nguồn điện (đã COD) toàn hệ thống đạt ~80.555MW, tăng ~2.800 MW so với năm 2022, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 21.664MW và chiếm tỷ trọng 27%. Quy mô hệ thống điện Việt Nam tiếp tục duy trì đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.

- Điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống là 280,6 tỷ kWh, tăng 4,56%.
- Công suất phụ tải cực đại toàn hệ thống Pmax là 46.348 MW, tăng 2,01%.
- Điện sản xuất và mua của EVN là 271,1 tỷ kWh, tăng 3,45%.
- Thực hiện tiết kiệm điện năm 2023 của EVN ước đạt 1.815 triệu kWh.
- Tổn thất điện năng toàn EVN giảm còn 6,15% giảm 0,1% so với năm 2022.
- Độ tin cậy cung cấp điện tiếp tục được cải thiện, trong đó chỉ số SAIDI toàn Tập đoàn giảm còn 242 phút, 24% và giảm 25 phút so với năm 2022.

Tổng giám đốc EVN đánh giá, năm 2023, mặc dù EVN và các đơn vị cũng đã nỗ lực thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí và tiếp tục thực hiện các giải pháp để cố gắng cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 2 lần nhưng vẫn không đủ bù đắp được chi phí sản xuất điện, do vậy EVN tiếp tục lỗ sản xuất kinh doanh điện năm thứ 2 liên tiếp.

tgd-evn-nguyen-anh-tuan-bao-cao.jpg
Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị

Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn lý giải: Năm 2023, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và phát sinh các biến động lớn, phức tạp, khó lường đã tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế, nợ công, chuỗi cung ứng toàn cầu. Giá các loại nhiên liệu cho sản xuất điện mặc dù có giảm so với năm 2022, nhưng vẫn ở mức cao nên chi phí khâu phát điện tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đảm bảo cân đối tài chính của EVN. Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, bão lũ, hạn hán, đặc biệt 6 tháng đầu năm, hiện tượng El Nino khiến nước về các hồ thủy điện thấp, nắng nóng diễn ra trên diện rộng và kéo dài… ảnh hưởng lớn đến việc cung ứng điện, nhất là các tháng cao điểm mùa khô.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An đã nhận định, năm 2023 là năm "không trọn vẹn" của ngành điện, bởi Tập đoàn đã để xảy ra tình trạng thiếu điện.

Theo ông Đặng Hoàng An, EVN chỉ nắm giữ 37,2% tổng công suất nguồn điện trên toàn quốc. Vai trò nắm giữ nguồn cung của 2 Tập đoàn cũng chịu trách nhiệm đảm bảo cung ứng năng lượng cho quốc gia là Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) cũng rất khiêm tốn, chỉ đạt 2,3% và 7,7% trong khi các chủ đầu tư BOT và chủ đầu tư khác đang nắm tới 52% tổng nguồn cung điện trên thị trường.

Dù vậy, ông Đặng Hoàng An cho rằng, EVN đang được giao trách nhiệm là đơn vị mua duy nhất trên thị trường. "Khi đã là người mua duy nhất thì việc để xảy ra thiếu điện, nhiều cán bộ bị xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật là bài học đắt giá", ông An bày tỏ.

Theo đó, việc đảm bảo cân đối tài chính, đảm bảo cung ứng điện, tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện và phải đưa vào vận hành đúng tiến độ các công trình đầu tư xây dựng là những khó khăn, thách thức rất lớn mà EVN phải đối mặt. "Đây cũng là nhiệm vụ rất cam go trong những năm sắp tới của chúng ta, không chỉ năm 2024, 2025 hay 2026 mà cho đến khi an ninh năng lượng trên toàn quốc và các vùng được đảm bảo" - Chủ tịch HĐTV EVN nhấn mạnh.

Tập đoàn đã xây dựng Kế hoạch năm 2024 với 10 mục tiêu, giải pháp trọng tâm, trong đó yêu cầu đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6 - 6,5%, đồng thời đảm bảo cân bằng tài chính để đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển.

Năm 2024, EVN sẽ tập trung mọi nỗ lực đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân; đảm bảo tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện và các dự án lưới điện theo đúng tiến độ được duyệt; tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn.

Đặc biệt, Chủ tịch Đặng Hoàn An nhấn mạnh việc đảm bảo tiến độ, chất lượng đầu tư xây dựng các dự án, công trình nguồn và lưới điện, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; Phòng chống tham nhũng; Chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước.

gia-tinh-thue-gtgt.jpg

Chủ tịch Đặng Hoàng An cho rằng, cần dứt điểm khắc phục tình trạng chậm tiến độ, phát sinh chi phí, thay đổi mức đầu tư, tình trạng phối hợp "lỏng lẻo" giữa các tổng công ty và UBND các địa phương trong bối cảnh phát triển kinh tế của nhiều địa phương rất nóng. Trọng tâm trước mắt phải sớm hoàn thành đường dây truyền tải 500 kV mạch 3. Cùng đó, nhìn vào những bài học liên quan cán bộ ngành điện thời gian gần đây, Chủ tịch Đặng Hoàng An cho hay, trong công tác quản trị, EVN sẽ đi theo hướng quản trị công khai, minh bạch, có trách nhiệm giải trình cao; tiếp tục nâng cao nỗ lực nội tại để tiết kiệm chi phí, cân bằng tài chính; gia tăng hiệu quả làm việc. Thường vụ và Đảng ủy EVN sẽ có những Nghị quyết chuyên đề về các chỉ tiêu trong năm tới liên quan đến trách nhiệm cung ứng điện, đầu tư xây dựng, chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam yêu cầu các đơn vị, cùng toàn thể CBCNV phát huy truyền thống 69 năm ngành Điện Việt Nam, với tinh thần trách nhiệm và nỗ lực cao nhất để thực hiện tốt các nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao, đồng thời khắc phục các tồn tại hạn chế trong năm 2023 phấn đấu thực hiện đạt, vượt các mục tiêu chỉ tiêu kế hoạch năm 2024, góp phần vào sự tăng trưởng chung, phát triển bền vững của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2024 tiếp tục là năm khó khăn về tài chính, cung ứng điện với EVN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO