Quang cảnh Tọa đàm |
Tăng trưởng “khiêm tốn”
Theo báo cáo của VEPR, tăng trưởng kinh tế Việt Nam Quý 3/2020 đạt 2,62% so với cùng kỳ năm trước, chín tháng đầu năm đạt 2,12% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, trong chín tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,84%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,08%; khu vực dịch vụ tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước. Dù tăng trưởng ở mức "khiêm tốn", nhưng Việt Nam vẫn là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng kinh tế dương trong Quý 3/2020.
Tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 lên lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong chín tháng đầu năm 2020. Trong Quý 1 và Quý 2, nhiều quốc gia trên thế giới nhất là Trung Quốc phải phong tỏa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng. Số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng đều giảm đáng kể do sụt giảm nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu. Trong khi đó mức độ lạc quan về kinh tế của các doanh nghiệp suy giảm.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong Quý 3/2020 cho thấy, có 32,2% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh Quý 3/2020 tốt hơn Quý 2/2020; 31,9% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 35,9% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Kết quả này kém hơn so với Quý 2/2020, cho thấy đợt dịch COVID-19 gần đây tại Đà Nẵng ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong chín tháng đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 38,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 81,8% so với cùng kỳ năm trước, có 27,6 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước và gần 12,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng.
Về tình hình thu ngân sách nhà nước, theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến Quý 3/2019 ước tính đạt 975,3 nghìn tỷ đồng bằng 64,5% dự toán, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu nội địa trong chín tháng đạt 64,3% dự toán, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Thu từ dầu thô đạt 78,2% dự toán, giảm 36,9% so với cùng kỳ năm trước; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 64,7% dự toán, giảm 20,1%.
Bảy khoản thu, trong đó bao gồm thu từ 3 khu vực kinh tế không đảm bảo tiến độ dự toán và giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019, như: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 56,9% dự toán, giảm 16,2%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 61,2% dự toán, giảm 7,4%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 54,5% dự toán, giảm 14,6%; các loại phí, lệ phí đạt 55,9% dự toán, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2019.
Điểm sáng trong đầu từ nguồn ngân sách
PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR, điểm sáng của kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm 2020 là ở việc tăng trưởng vốn đầu tư từ khu vực nhà nước tăng mạnh, thặng dư thương mại đạt mức cao.
Cụ thể, riêng trong Quý 3/2020, vốn đầu tư toàn xã hội đạt 595,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, tăng 23,4% so với Quý 2. Trong đó, khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư đạt 265,6 nghìn tỷ, chỉ tăng 0,04% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư từ khu vực nhà nước tăng mạnh, đạt 211,3 nghìn tỷ đồng, tăng 23,14% so với cùng kỳ năm trước (cùng kì năm 2019 tăng 0,53%). Tính chung chín tháng đầu năm, so với cùng kì năm trước, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 4,8%; vốn khu vực Nhà nước tăng 13,4%; khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 2,8%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 2,5%.
PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR trình bày báo cáo tại Tọa đàm |
Cán cân thương mại Quý 3 thặng dự 10,7 tỷ USD với vai trò tăng lên của khu vực trong nước. Theo Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại hàng hóa trong Quý 3 ước tính thặng dư 10,7 tỷ USD - mức thặng dư thương mại cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước thâm hụt 1,08 tỷ USD, khu vực FDI (kể cả dầu thô) thặng dư 11,8 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Quý 3 đạt mức tăng trưởng tốt, đạt 79,74 tỷ USD, tăng 11,1% so với Quý 3/2019 và tăng 33,9% so với Quý 2 (kim ngạch xuất khẩu Quý 2 giảm 6,47% so với Quý 2/2019 và giảm 5,82% so với Quý 1). Trong đó, xuất khẩu tới từ nhóm doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng chủ yếu đạt 49,99 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước (chiếm 63% tổng kim ngạch). Xuất khẩu từ khu vực trong nước tăng 32% với cùng kỳ năm trước, đạt 29,75 tỷ USD.
Tổng kim ngạch nhập khẩu Quý 3 ước tính đạt 69,02 tỷ USD, tăng 2,27% so với Quý 3/2019, tăng 19,34% so với Quý 2. Cụ thể, nhập khẩu của khu vực trong nước tăng, chiếm 45% kim ngạch nhập khẩu (Quý 3/2019 chỉ chiếm 41%). Chín tháng năm 2020 chứng kiến thặng dư thương mại đạt 16,52 tỷ USD - mức thặng dư cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây nhờ vào xuất khẩu tăng mạnh trong khi nhập khẩu giảm nhẹ.
Hai kịch bản kinh tế 2020
PGS.TS Phạm Thế Anh nhận định, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 phụ thuộc vào khả năng khống chế bệnh dịch không chỉ trong nước mà còn trên thế giới.
Những yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng trong phần còn lại của năm bao gồm kỳ vọng về triển vọng kinh tế do việc hoàn tất ký kết Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA) đem lại; tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh như mong đợi; chi phí nguyên nhiên vật liệu duy trì ở mức thấp do suy giảm nhu cầu tiêu thụ và sản xuất; làn sóng dịch chuyển đầu tư nhằm phân tán rủi ro từ thương chiến Mỹ-Trung và tận dụng các ưu đãi đầu tư tại Việt Nam; môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát được ở mức trung bình, tạo điều kiện tốt cho việc thực thi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.
Tuy vậy, theo PGS. TS Phạm Thế Anh, Việt Nam cũng đang gặp nhiều rủi ro và thách thức trong một môi trường kinh tế thế giới bất trắc. Sự tái bùng phát của COVID-19 tại nhiều nước đi kèm với các biện pháp phong tỏa có thể kéo dài thời gian đứt gãy của chuỗi cung ứng; xung đột địa chính trị giữa các nước lớn có thể khiến một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam đối diện những rủi ro bất ngờ.
Từ phân tích trên, PGS.TS Phạm Thế Anh đưa ra hai kịch bản kinh tế Việt Nam 2020. Ở kịch bản thứ nhất với khả năng xảy ra cao, bệnh dịch sẽ không tái bùng phát trong nước trong thời gian còn lại của năm và hoạt động kinh tế nội địa dần trở lại bình thường. Trong khi đó, bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế-tài chính quan trọng trên thế giới có thể tái xuất hiện cục bộ trên quy mô nhỏ ở một số quốc gia. Theo đó, mức độ tác động của COVID-19 lên các ngành nông lâm ngư nghiệp, sản xuất chế biến chế tạo và các ngành trong khu vực dịch vụ sẽ không nghiêm trọng hơn so với hiện tại. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 2,6-2,8%.
Kịch bản thứ hai với nhiều tình huống bất lợi như bệnh dịch trong nước vẫn được khống chế hoàn toàn trong thời gian còn lại của năm và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế-tài chính quan trọng trên thế giới tái bùng phát mạnh, các nước phải tái áp dụng các biện pháp phong tỏa trong Quý 4 năm 2020 dẫn đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng và không có khả năng hồi phục trong năm 2020, kéo theo đó là sản xuất trong nước tăng trưởng yếu và các ngành khai khoáng phục vụ công nghiệp có khả năng thu hẹp. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 1,8-2,0%.