Xử lý tài chính đạt cao
Trình bày báo cáo tổng kết năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2021 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành nhấn mạnh, năm 2020, bám sát định hướng của Đảng, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các vấn đề dư luận xã hội quan tâm, quá trình xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2020 của KTNN được thực hiện chủ động, có sự phối hợp, tham gia ý kiến của các cơ quan có liên quan, đảm bảo tuân thủ pháp luật, khoa học, chặt chẽ, minh bạch và công khai.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Lưu Nguyên Sơn |
Đặc biệt, năm 2020, KTNN đã quyết liệt thực hiện chủ trương cắt giảm số cuộc kiểm toán, cắt giảm quy mô, rút ngắn thời gian kiểm toán so với năm 2019 (cắt giảm 30% về cả số cuộc kiểm toán và số lượng đầu mối, đơn vị hoặc chủ đề kiểm toán) để tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán.
Cụ thể, năm 2020, KTNN đã thực hiện 174 cuộc kiểm toán, trong đó 158 cuộc theo phân giao kế hoạch đầu năm, bổ sung 22 cuộc và 06 cuộc điều chỉnh giảm theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và đề nghị của các đơn vị có liên quan; tổ chức thành 188 đoàn kiểm toán.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành nhấn mạnh, mặc dù trong điều kiện của dịch bệnh Covid-19, song với các giải pháp tổ chức, chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán quyết liệt và đồng bộ, cùng sự nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, kiểm toán viên, đến 31/12/2020, toàn ngành đã triển khai 186/188 đoàn kiểm toán theo kế hoạch, kết thúc kiểm toán 183/186 đoàn kiểm toán đã triển khai (03 đoàn kiểm toán bổ sung chưa kết thúc). Các cuộc kiểm toán đã kết thúc đều thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ đề ra, chấp hành tốt Quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn KTNN, Quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước, các cuộc kiểm toán phát hành báo cáo kiểm toán theo đúng quy định của Luật KTNN.
Tổng hợp kết quả xử lý tài chính đến 31/12/2020 là 59.628 tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN 4.965 tỷ đồng, giảm chi NSNN 13.836 tỷ đồng, kiến nghị khác là 40.827 tỷ đồng. Ngoài ra, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 119 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách tránh thất thoát, lãng phí; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với nhiều tập thể và cá nhân.
Qua kiểm toán, KTNN cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời nhiều bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán. Trong đó, có nhiều kiến nghị quan trọng nhằm chấn chỉnh những hạn chế, bất cập, như: Cơ chế quản lý và sử dụng nguồn tích lũy tài chính công đoàn, thực hiện hợp đồng BT, BOT; công tác quản lý thuế, đất đai, tài nguyên khoáng sản; cơ chế quản lý, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, tổ chức tín dụng...
Bên cạnh đó, KTNN đã chủ động gửi UBTVQH, Chính phủ, các Đại biểu Quốc hội Báo cáo số 1120/BC-KTNN ngày 09/10/2020 về Báo cáo ý kiến đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2020, dự toán NSNN năm 2021 và phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 để Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo ông Nguyễn Quang Thành, trong năm 2020, KTNN đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với 05 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán. Cụ thể, chuyển hồ sơ đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C03) của Bộ Công an về hành vi trốn thuế TNCN của ông Nguyễn Tài - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kho vận PTL và hành vi có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu tại Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (02 vụ việc); Chuyển hồ sơ cho Công an thành phố Đà Nẵng vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng 2.375m2 đất tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng của Doanh nghiệp Đa Phước để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; Gửi hồ sơ cho Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bình Phước để điều tra hành vi vi phạm trong quản lý và sử dụng hóa đơn của Công ty TNHH MTV Cao su Bảo Long và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thành Phước (02 vụ việc).
Bên cạnh việc triển khai hoạt động kiểm toán, Tổng KTNN đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nâng cao hiệu lực thực hiện kiến nghị kiểm toán. Tổng hợp đến ngày 31/12/2020, các đơn vị được kiểm toán và các đơn vị có liên quan đã thực hiện 59.332 tỷ đồng/80.791 tỷ đồng tổng số kiến nghị đủ bằng chứng kiểm toán, đạt 73,4%, cao hơn cùng kỳ năm 2019 với 71,8%.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành nhấn mạnh, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, KTNN xác định phương hướng nhiệm vụ năm 2021 là: “Triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2021, tạo tiền đề thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030; tập trung nâng cao năng lực, đổi mới tổ chức hoạt động kiểm toán, có giải pháp khắc phục tác động của dịch bệnh Covid-19; tiếp tục đổi mới phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu; đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào hoạt động kiểm toán để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, nâng cao vai trò và vị thế của KTNN Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, tiếp tục khẳng định vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 của KTNN; tăng cường đào tạo nhân lực, tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của KTNN và phát huy vai trò KTNN là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”.
Công cụ quan trọng trong kiểm soát tài chính công
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, đất nước đã trải qua năm 2020 rất đặc biệt, chưa từng có trong lịch sử, đó là tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đến tất cả các ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, nhờ sự lãnh đạo của Đảng, cụ thể hóa kịp thời, linh hoạt của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, khẩn trương của Chính phủ, sự quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng, của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước; đến nay, cơ bản đang kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, từng bước phục hồi hoạt động kinh tế, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, là một trong số ít các quốc gia không chỉ thành công trong kiểm soát dịch bệnh, mà còn đạt được kết quả tăng trưởng dương, đạt trên 2,91%.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Lộc |
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, trong năm qua, mặc dù có rất nhiều khó khăn, song KTNN đã có nhiều cố gắng và đạt được kết quả tích cực, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của KTNN trong nền kinh tế, là công cụ quan trọng của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, tạo niềm tin với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân.
KTNN đã hoàn thành kế hoạch kiểm toán đề ra và các cuộc kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, góp phần quan trọng hoàn thiện cơ chế chính sách, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí và siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Chất lượng, hiệu lực, hiệu quả kiểm toán không ngừng được nâng lên, bám sát các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, các vấn đề có rủi ro cao về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo hướng ngày càng khoa học.
Về những định hướng hoạt động trong năm 2021, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, KTNN phải luôn quán triệt và thể chế hóa nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào hoạt động của KTNN, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ để KTNN luôn hoạt động đúng định hướng, xác định đúng mục tiêu, trọng tâm kiểm toán nhằm cung cấp thông tin xác thực, thích hợp và kịp thời, phục vụ tốt nhất việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ của đất nước.
Tiếp tục chú trọng tăng cường quy mô kiểm toán nhất là kiểm toán hoạt động; không ngừng nâng cao chất lượng kiểm toán và đẩy nhanh tiến độ kiểm toán nhằm đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý tài chính, tài sản quốc gia ngày càng cao. Tăng cường đốn đốc, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán có hiệu quả hơn, nhất là việc xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm chưa đầy đủ, kịp thời và nghiêm minh.
Coi trọng củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức và không ngừng nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức; quan tâm xây dựng, đào tạo đội ngũ công chức, kiểm toán viên trong sạch, vững mạnh, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm tương xứng với yêu cầu của nghề nghiệp. Đồng thời, phải đề cao kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ; kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm những cá nhân liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật, những biểu hiện sai trái, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
“Hiện nay, vị thế của KTNN đang ngày càng được đề cao; quyền hạn, trách nhiệm đã được mở rộng; Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm, ủng hộ, nhưng cũng đòi hỏi, mong muốn KTNN phải phát triển lớn mạnh hơn nữa, thực hiện và hoàn thành xuất sắc hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao, xứng đáng là cơ quan thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công có trách nhiệm, uy tín, chuyên nghiệp và hiện đại”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.