(TN&MT) - Tết Nguyên Đán sắp cận kề và những ngày này, “làng mứt gừng” tại phường Kim Long (TP. Huế) lại đỏ lửa sản xuất những mẻ mứt thơm ngon theo phương thức thủ công truyền thống...
Theo tìm hiểu, ở vùng đất Cố đô Huế có rất nhiều nơi làm mứt, nhưng làm lâu năm và có vị ngon hơn cả vẫn là mứt gừng Kim Long. Nghề truyền thống này đã có từ hàng chục năm nay do cha ông truyền lại.
“Mỗi lò đều có cách để làm nên nét riêng của lát gừng. Mứt Kim Long có những bí quyết từ tỉ lệ đường đến thời gian nấu thật sự khác biệt. Từ đó tạo nên được những miếng gừng mỏng vừa phải, có màu vàng tự nhiên, cay cay, ngọt ngọt và giòn...”, một người làm mức gừng chia sẻ.
Dù chưa vào đến nơi sản xuất, nhưng hương gừng tươi đã nồng nàn trong gió cùng với chút se lạnh của những ngày cuối năm nghe như xuân đã về...
Công đoạn làm mứt gừng ở Kim Long cầu kỳ. Theo những người làm mứt ở đây, gừng phải lấy từ gừng Tuần (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế); đó là những củ to đều, không già cũng không quá non... rồi chế biến qua nhiều công đoạn như cắt, rửa sạch, thái lát, ngâm, luộc chín, sau đó bỏ vào chảo rim, đảo khô, đóng gói...
“Vào những tháng cuối năm khi gừng vừa đủ độ, không quá già và quá non thì bà con bắt đầu thu hoạch, nhà tui với mấy nhà khác cũng bận rộn làm mứt bán Tết” - bà Nguyễn Thị Nguyệt (58 tuổi, phường Kim Long) - một hộ gia đình làm mứt có tiếng tại đây chia sẻ.
Công đoạn quan trọng nhất là rim lát gừng với đường. Từng lát gừng được rim với nước đường trên bếp nên miếng mứt gừng sẽ thấm vị, khô và cay nồng. Rim khoảng 10 phút thì mứt được đổ ra cái mâm để làm khô và sấy, miếng mứt có màu vàng ruộm là đạt chất lượng.
Mứt gừng Kim Long không phẩm màu, không chất bảo quản. Với thời điểm Tết Nguyên Đán đang sắp tới thì mỗi xưởng ở làng có thể sản xuất trên dưới 1 tạ mà vẫn cháy hàng.
“Dịp ni bận rộn lắm. Tôi đang làm đơn hàng 100kg cho lái buôn, phải tranh thủ làm cả ngày ngày lẫn đêm cho xong để còn tranh thủ nhận các đơn hàng khác...”- ông Nguyễn Văn Dân, người đã 30 năm làm nghề cho hay.
Những năm trở lại đây, do tính chất thời vụ và thu nhập thấp nên nghề làm mứt gừng tại Kim Long có rất ít người làm. Dù chính quyền địa phương đã vận động, hỗ trợ nhưng cả phường hiện tại chỉ có trên dưới 20 lò sản xuất mứt gừng.
“Nghề này cũng cực, thu nhập thì thấp và thị trường bị động nên các hộ ở đây thường chỉ làm theo thời vụ. Chủ yếu là có người đặt mới mạnh dạn làm, phần khác là muốn lưu giữ làng nghề từ nhiều đời của ông bà để không bị thất truyền”- ông Dân vừa đảo chảo gừng vừa nói.
Mặt khác, hiện thị trường mứt rất sôi nổi khi được nhập đa dạng từ hàng nước ngoài và nội địa. Nỗi âu lo về việc giữ được mứt gừng Huế đất Kim Long là có cơ sở. Tết đến Xuân về, mong cho nghề xưa vẫn tồn tại, và tìm được cách phát triển.