Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTT) Mường Nhé nằm trên địa phận huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, cách trung tâm TP. Điện Biên Phủ khoảng hơn 200km theo hướng Tây Bắc. Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé có tổng diện tích 45.581 ha. KBTTN Mường Nhé là một trong những KBT có diện tích lớn nhất Việt Nam với diện tích phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 25.679,08 ha, phân khu phục hồi sinh thái là 19.888,42 ha, phân khu phục hồi sinh thái là 13,5 ha và diện tích vùng đệm là 59.849,1ha nằm trên địa phận các xã: Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé, Nậm Kè, huyện Mường Nhé. Trong Khu bảo tồn có các dãy núi cao nằm theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, phía Tây Nam giáp với Khu dự trữ sinh quyển Quốc gia Phou Den Din của Lào.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức, bảo vệ rừng và đa dạng sinh học cho nhân dân các xã vùng đệm |
Thảm thực vật ở KBTTN Mường Nhé đã được mô tả trong 5 kiểu bao gồm: Kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới (gồm các phân kiểu thứ sinh nhân tác: rừng thứ sinh thường xanh mưa ẩm nhiệt đới sau nương rẫy, rừng thứ sinh thường xanh mưa ẩm nhiệt đới sau khai thác, trảng cây bụi thứ sinh thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, trảng cỏ thứ sinh thường xanh mưa ẩm nhiệt đới); kiểu rừng kín nửa rụng lá hơi khô nhiệt đới (chỉ là phân kiểu thứ sinh nhân tác - Rừng thứ sinh nửa rụng lá hơi khô nhiệt đới); kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới cây lá rộng (gồm cả 2 phân kiểu thứ sinh nhân tác là rừng thứ sinh thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới và trảng cây bụi thứ sinh thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới).
Kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới hỗn giao cây lá rộng cây lá kim; kiểu rừng rụng lá hơi khô á nhiệt đới (hiện chỉ còn là các phân kiểu thứ sinh nhân tác bao gồm Rừng thứ sinh rụng lá hơi khô á nhiệt đới sau khai thác, rừng thứ sinh rụng lá hơi khô á nhiệt đới sau nương rẫy, Trảng cây bụi thứ sinh rụng lá hơi khô á nhiệt đới và Trảng cỏ thứ sinh hơi khô á nhiệt đới) cùng với các quần xã cây trồng. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rừng kín hiện nay chỉ xuất hiện ở vành đai á nhiệt đới với kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới cây lá rộng và rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới hỗn giao cây lárộng cây lá kim. Các trạng rừng rụng lá và nửa rụng lá là một nét đặc trưng cho rừng ở Tây Bắc vào mùa đông.
Ở các trạng thái thứ sinh, tổ hợp loài ưu thế bao gồm cả những loài ưa sáng, mọc nhanh và các loài đặc trưng cho trạng rừng kín. Do vậy, nếu thảm thực vật ở Mường Nhé được bảo vệ để tái sinh, phục hồi tự nhiên thì các kiểu rừng kín vốn đã mất đi ở vành đai nhiệt đới trước đây sẽ có nhiều hy vọng phục hồi trong thời gian tới đồng thời các trạng thái thứ sinh ở vành đai á nhiệt đới sẽ trở thành rừng kín và khi đó thảm thựsssc vật của Mường Nhé sẽ đạt được trạng thái ổn định nhất, góp phần không nhỏ cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Điều tra, đánh giá thực trạng hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học tại KBTTT Mường Nhé |
Về đa dạng các loài động vật có xương sống: Tổng số 210 loài chim thuộc 13 bộ và 46 họ đã được ghi nhận tại KBT (Kinh tế nông thôn, 2018). Các nghiên cứu về Bò sát - ếch nhái cũng đã được thực hiện và có nhiều kết quả tích cực, cụ thể: Theo tác giả Nguyễn Văn Sáng (1991) đã ghi nhận 9 loài ếch nhái thuộc 4 giống, 3 họ tại KBTTN Mường Nhé, đến năm 2014, nghiên cứu của Lê Trung Dũng và cộng sự đã xác định 12 loài ếch nhái thuộc 7 giống có phân bố tại KBT, đặc biệt tác giả đã xác định phân bố mới của 3 loài ếch cây tại KBTTN Mường Nhé bao gồm: Ếch cây phê (Rhacophorus feae), Ếch cây sần nhỏ (Kurixalus bisacculus) và Nhái cây tí hon (Raorchestes parvulus). Đến năm 2018, tổng số 28 loài bò sát - ếch nhái thuộc 2 lớp, 2 bộ và 10 họ đã được ghi nhận tại KBT (Kinh tế nông thôn, 2018), trong đó, 9 loài hiện mới được xác định tới giống; KBT cũng đã tiến hành chụp ảnh 81 loài Chim, quay phim 31 loài, 26 loài Bò sát - ếch nhái, thực hiện thu thập 320 mẫu vật các loài chim và 244 mẫu vật các loài bò sát, ếch nhái thông thường làm tư liệu phục vụ công tác quản lý, bảo tồn tài nguyên tại KBTTN Mường Nhé.
Tuy vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) tại KBTTN Mường Nhé còn tồn tại một số hạn chế như: Cơ sở hạ tầng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chưa đáp ứng được nhu cầu; đời sống nhân dân trong vùng đệm còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán canh tác lạc hậu nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao; tình hình dân di cư tự do vào rừng để phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản và săn bắt động vật rừng trái phép ở một số xã vùng đệm vẫn đang diễn ra thuờng xuyên...
KBTTT Mường Nhé thả 1 cá thể khỉ mặt đỏ (quý hiếm) về rừng |
Vì vậy, nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá thực trạng hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học; đề xuất các giải pháp bảo tồn ĐDSH và quản lý rừng bền vững tại KBTTT Mường Nhé, tỉnh Điện Biên” hết sức cần thiết và cấp bách, góp phần cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH tại khu bảo tồn, xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và các hoạt động khác có liên quan, đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát triển bền vững.
Thời gian tới, Ban Quản lý KBT sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ rừng và bảo tồn ĐDSH cho người dân sống trong vùng đệm KBT; ứng dụng công nghệ thông tin và GIS vào công tác điều tra, giám sát ĐDSH; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các lực lượng đứng chân trên địa bàn thực hiện hiệu quả hoạt động tuần tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Ban Quản lý KBT kiến nghị Quỹ Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (VCF) sớm đưa KBTTN Mường Nhé vào danh sách các KBTTN, vườn quốc gia được nhận tài trợ thực hiện các dự án nhỏ; Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp), Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên tạo điều kiện cho cán bộ công chức Hạt Kiểm lâm KBT được tham dự các lớp tập huấn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH; nhằm phát triển bền vững để bảo tồn hệ sinh thái rừng thiên nhiên quốc gia, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển du lịch sinh thái và phục vụ nghiên cứu khoa học theo định hướng của tỉnh và Trung ương.
Đồng thời, có chính sách phù hợp thu hút sự đầu tư, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước cũng như quốc tế trong việc thực hiện các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học tại KBT, đặc biệt là các đề tài, dự án bảo tồn các loài động, thực vật quý, hiếm có giá trị bảo tồn cao; tập huấn nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông, môi trường và cán bộ làm công tác bảo tồn; tăng cường các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn ĐDSH, kiểm soát và bảo vệ các loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm...
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra, yếu tố tiên quyết là phải sắp xếp ổn định dân cư các xã vùng đệm, vùng lân cận, sớm dịch chuyển các hộ gia đình, cá nhân hiện đang sinh sống, sản xuất và chăn thả gia súc trong vùng lõi KBT ra ngoài vùng đệm. Mặt khác, cần bổ sung đủ biên chế và tăng cường nguồn kinh phí phục vụ công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, nghiên cứu khoa học và bảo tồn ĐDSH.