Mường Nhé (Điện Biên): Phát triển kinh tế rừng - hướng thoát nghèo bền vững

Hoàng Châu| 28/09/2022 08:53

(TN&MT) - Trong những năm qua, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo luôn là một trong những mục tiêu xuyên suốt, được huyện Mường Nhé quan tâm thực hiện, nhiều chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế tạo chuyển biến tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Huyện Mường Nhé có nhiều tiềm năng, lợi thế về đất đai, nguồn lực để phát triển các loại hình kinh tế trên nhiều lĩnh vực như sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm… với sự cố gắng nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong toàn huyện, đến nay đời sống của đồng bào đã được cải thiện đáng kể. Với chủ trương và định hướng đúng đắn, Đảng bộ huyện đã có nhiều Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó phát triển kinh tế rừng là một trong những chủ trương đúng đắn nhằm từng bước xoá đói giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Thời gian qua, huyện xác định rõ rằng, với điều kiện tự nhiên khá thuận lợi vì thế cần phát huy tiềm năng, lợi thế, kết hợp với huy động và sử dụng nội lực có hiệu quả, tạo bước đột phá để tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ngoài các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế khác, huyện có chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng để tăng thu nhập từ rừng cho bà con, góp phần từng bước xoá đói giảm nghèo bền vững.

a1(3).jpg

Mô hình trồng sa nhân giúp người dân huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên có thu nhập ổn định và bền vững, góp phần xóa đói giảm  nghèo.

Với diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm trên 80% diện tích tự nhiên, những năm qua, huyện Mường Nhé không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng mà còn khuyến khích bà con đầu tư phát triển kinh tế rừng bền vững. Qua các mô hình, như: Trồng thảo quả, sa nhân, dược liệu... dưới tán rừng đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Huyện Mường Nhé có hơn 125.000ha rừng và đất lâm nghiệp. Với lợi thế, tiềm năng đó, huyện luôn khuyến khích người dân đầu tư phát triển kinh tế rừng. Đến nay, nhiều mô hình đã cho thu nhập ổn định. Điển hình như mô hình trồng sa nhân dưới tán rừng của gia đình bà Mùa Thị Mỷ, bản Mường Toong 1, xã Mường Toong. Trước đây gia đình bà Mỷ cũng thuộc hộ khó khăn của xã. Hàng năm, ngoài việc làm nương như bao hộ khác trong bản, gia đình bà cũng chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng manh mún, nhỏ lẻ nên chưa đủ chi phí trang trải cuộc sống cho 6 nhân khẩu. Không cam chịu đói nghèo, nhận thấy điều kiện thuận lợi của núi rừng, năm 2016 gia đình bà Mỷ đã tìm hiểu, quyết định trồng gần 1,5ha sa nhân tím dưới tán rừng. Sau 2 năm sinh trưởng và phát triển, diện tích sa nhân của gia đình bà Mỷ bắt đầu cho thu hoạch. Từ đó đến nay, trừ chi phí, hàng năm diện tích sa nhân của gia đình bà Mỷ đều đặn cho thu nhập trên 50 triệu đồng. Bà Mỷ chia sẻ: Nhiều năm trước, người dân chưa hiểu rõ giá trị kinh tế của giống cây này nên không tham gia mô hình. Song qua thực tế, cây sa nhân tím rất dễ trồng, tận dụng được diện tích đất dưới tán rừng, tốn ít công chăm sóc, giá bán cao, cây trồng sau 2 - 3 năm bắt đầu cho thu hoạch. Rễ cây lan tới đâu thì diện tích sa nhân cũng được mở rộng tới đó; nếu chăm sóc tốt, có thể thu hoạch trong thời gian 10 - 12 năm.

a2(2).jpg
Phát huy lợi thế đất lâm nghiệp để trồng rừng, phát triển kinh tế rừng, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Mường Nhé giảm qua các năm.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé cho biết: Xác định tầm quan trọng của rừng, trong đó có lợi ích về kinh tế, trong năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, một trong những mục tiêu mà Nghị quyết đề ra đó là phát triển kinh tế nhanh, bền vững; chuyển dịch và tăng tốc độ phát triển kinh tế theo hướng “công nghiệp xanh”; thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư theo chu trình khép kín, bền vững; tạo các sản phẩm theo chuỗi có giá trị kinh tế cao nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xoá đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân. Bên cạnh đó, huyện cũng phấn đấu đến năm 2025 thu hút được 2 dự án khai thác quỹ đất lâm nghiệp để trồng 13.500ha rừng phòng hộ, rừng sản xuất bằng cây trồng đa mục đích, như: Mắc ca, dổi, cây dược liệu, cây trồng khác có giá trị kinh tế cao.

Những mô hình trồng cây dưới tán rừng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho các chủ rừng mà còn hạn chế tình trạng cháy rừng, tạo nên thảm thực vật đa dạng, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng. Riêng đối với huyện Mường Nhé, phát triển kinh tế từ rừng là hướng đi đã được nhiều người dân lựa chọn, nhất là mô hình trồng cây sa nhân dưới tán rừng. Hiện nay, cây sa nhân tím toàn huyện hiện có diện tích khoảng 134ha; tập trung chủ yếu ở các xã: Sín Thầu (50ha), Nậm Kè (26ha), Huổi Lếch (20ha), Pá Mỳ (12ha)... Đến nay, nhiều diện tích đã cho thu hoạch, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

a3(1).jpg

Người dân xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé trồng cây sa nhân

Cùng với đó, khuyến khích bà con tận dụng tối đa diện tích đất lâm nghiệp để phát triển kinh tế; đồng thời coi đây là một trong những hướng đi giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Có thể nói kinh tế rừng đã góp phần quan trọng trong xoá đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho người dân ở huyện Mường Nhé. Đại đa số nhân dân đã ý thức được nguồn lợi kinh tế to lớn từ rừng. Vì vậy việc phát triển kinh tế rừng, đã trở thành phong trào tự giác trong nhân dân là điều kiện thuận lợi để huyện tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển rừng kinh tế. Với những định hướng đúng đắn đó, trong những năm qua, huyện Mường Nhé đã có một diện tích rừng kinh tế khá lớn, cho giá trị thu nhập từ rừng ổn định và bền vững. Chắc chắn rằng trong những năm tới huyện Mường Nhé sẽ có nhiều thu nhập lớn nguồn lợi từ rừng, góp phần từng bước xoá đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc trong toàn huyện.

Thời gian qua, huyện Mường Nhé tích cực vận động nhân dân trồng rừng, phát triển kinh tế rừng tạo thêm sinh kế và bảo vệ rừng để tăng thêm thu nhập, nhằm xóa đói giảm nghèo bền vững cho nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Diện tích rừng đã tăng lên gần 16 nghìn ha so với đầu nhiệm kỳ năm 2015, góp phần đưa diện tích che phủ từ 45,32% năm 2015 lên 53,21% năm 2020, bình quân tăng 1,59%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 74,02% năm 2016 xuống còn 58,43% năm 2020, bình quân hàng năm giảm 2,95%/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mường Nhé (Điện Biên): Phát triển kinh tế rừng - hướng thoát nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO