Mường Nhé (Điện Biên): Khắc phục khó khăn trong giao đất, giao rừng

Trần Hương| 30/12/2022 15:08

(TN&MT) - Giao đất, giao rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Điện Biên, trong đó có huyện Mường Nhé. Đây là một trong những “nút thắt” để tháo gỡ những vướng mắc trong việc quy hoạch, triển khai các dự án nông - lâm, trong đó có dự án trồng mắc ca. Tuy nhiên, công tác đo đạc, quy chủ, giao đất, giao rừng tại Mường Nhé vẫn còn đó những tồn tại, khó khăn cần sự tập trung tháo gỡ của các cấp chính quyền địa phương.

Những tồn tại cần tháo gỡ

Mặc dù công tác giao đất giao rừng của huyện Mường Nhé được đánh giá là một trong những huyện thực hiện tương đối tốt so với các huyện, thị, thành phố khác của tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, tiến độ giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDÐ lâm nghiệp trên địa bàn Mường Nhé vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra.

Ông Lò Văn Tâm, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Nhé, cho biết: Nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ giao đất, giao rừng chậm do việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng còn bất cập, chồng chéo với các quy hoạch khác như: quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch dân cư, quy hoạch thuộc Đề án 79, quy hoạch vùng trồng cao su, quy hoạch vùng trồng Mắc ca… Trong đó, một số diện tích đất có rừng thì nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng, trong khi một số diện tích đất canh tác hộ dân, quy hoạch đất ở, đất sản xuất lại nằm trong quy hoạch rừng 3 loại rừng.

sin-thau-muong-nhe.jpg
Một góc ảnh chụp xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé. Ảnh: Phương Hoa

Ngoài ra, diện tích đất tranh chấp, đất xâm canh của người dân tương đối lớn, vẫn còn tình trạng nhiều hộ dân không nhận đo ngoài thực địa. Riêng đối với đất lâm nghiệp chưa có rừng, phần lớn là đất đang canh tác nương rãy luân canh, đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Chính vì vậy, người dân không muốn đưa diện tích đất này vào để phát triển rừng vì sợ không còn đất canh tác, sản xuất nông nghiệp. Đây là bài toán khó của địa phương.

Bên cạnh đó, đối với diện tích đã khoanh vùng cho Dự án mắc ca thuộc diện tích đất lâm nghiệp tại địa bàn các xã: Sín Thầu, Sen Thượng, Leng Su Sìn đến nay vẫn chưa có hồ sơ quy chủ để tiến hành thực hiện thủ tục giao đất, cấp giấy chứng nhận QSDĐ, thuê đất, góp vốn bằng QSDĐ để thực hiện Dự án trồng mắc ca công nghệ cao theo quy định, gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai.

Ông Chang Phạ Giá, Chủ tịch UBND xã Sen Thượng, cho biết: Trên địa bàn xã diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng, chưa đo đạc quy chủ còn 1.102ha; trong đó diện tích đã được xác định quy hoạch trồng cây mắc ca khoảng 402ha, diện tích còn lại chưa đo đạc, quy chủ.

img_1619661401573_1619661631813.jpg
Diện tích đất lâm nghiệp có rừng tại huyện Mường Nhé

Ngoài diện tích đất chưa đo đạc, xã Sen Thường còn có khoảng 110ha diện tích đất có rừng nhưng lại nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng chưa giao cho các hộ gia đình và cộng đồng vì chưa phù hợp với quy định. Bên cạnh đó, một số diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng nhỏ lẻ, manh mún, khó khăn trong triển khai đo thực địa. Việc xác minh nguồn gốc đất gặp nhiều khó khăn do người dân chủ yếu canh tác theo phương thức luân canh.

Ở Mường Nhé, ngoài các xã Sen Thượng, Sín Thầu, Leng Su Sìn và Chung Chải thì những xã còn lại chưa triển khai được vì chưa hoàn thành việc rà soát, thành lập mảnh trích đo. Do đó, hiện nay đối với diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng trên địa bàn toàn huyện vẫn chưa được giao, mới chỉ dừng lại ở bước rà soát, đo đạc tại một số xã.

Mặc dù, công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận QSDĐ lâm nghiệp đã được chính quyền các cấp huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên quan tâm, chỉ đạo, rốt ráo thực hiện. Khối lượng rà soát, kê khai đo đạc, quy chủ…đã được tăng lên đáng kể. Song khó khăn chung của huyện Mường Nhé đều liên quan đến công tác kê khai đo đạc... do tâm lí chung của người dân là sợ mất diện tích đất canh tác nương rãy.

Trao đổi với chúng tôi vấn đề này, ông Tâm cho biết thêm: Để tháo gỡ những khó khắn vướng mắc về công tác giao đất, giao rừng, trong thời gian tới cần phải điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng. Đồng thời vận động, tuyên truyền các hộ dân thực hiện công tác kê khai, đo đạc ngoài thực địa. UBND các xã tiếp tục sát sao, phối hợp với đơn vị tư vấn trong tổ chức thực hiện. Xác định rõ nhiệm vụ giao đát giao rừng, cấp giấy CNQSDĐ là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của cấp ủy chính quyền địa phương để đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân kê khai, rà soát, đo đạc...

Như vậy, công tác giao đất, giao rừng tại Mường Nhé mới sớm hoàn thành về đích như kế hoạch đã đề ra.

Đẩy nhanh tiến độ trong giao đất, giao rừng

Nhiệm vụ giao đất, giao rừng được UBND tỉnh Điện Biên cụ thể hóa bằng Kế hoạch 2783/KH-UBND, ngày 20/9/2019, về triển khai rà soát, hoàn chỉnh việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDÐ) lâm nghiệp giai đoạn 2019 - 2023.

Đánh giá nhiệm vụ này, ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, cho biết: Mường Nhé là huyện được tỉnh Điện Biên chọn thí điểm trong việc giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp. Việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Chính vì vậy, huyện Mường Nhé đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu. Đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp để quản lý, hạn chế tranh chấp đất đai. Cùng với đó, huyện đã thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch chi tiết bám sát kế hoạch của UBND tỉnh. Song song với việc đôn đốc UBND các xã báo cáo thường xuyên về tiến độ và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện giao đất, giao rừng ở tại địa phương.

anh-9a.jpg
Dự án trồng mắc ca hiện đang được triển khai tại các huyện của tỉnh Điện Biên, trong đó có huyện Mường Nhé. Trong ảnh: Một góc ảnh chụp đồi mắc ca tỉnh Điện Biên. 

Để giảm thiểu việc nhầm lẫn, tranh chấp, chúng tôi yêu cầu BCĐ trước khi hoàn thiện bàn giao, cấp “sổ đỏ” cho người dân phải có sự thống nhất giữa chính quyền địa phương với tổ công tác Ban Chỉ đạo giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp của huyện. Đối với những nội dung hiện còn đang vướng mắc tồn tại. Tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức đánh giá lại toàn bộ những công việc, nhiệm vụ của từng bộ phận, xác định rõ mục tiêu để tiếp tục đôn đốc thực hiện theo kế hoạch đề ra.

Đến nay, kết quả của công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy CNQSDĐ trên địa bàn huyện Mường Nhé đối với đất lâm nghiệp có rừng tổng diện tích đã rà soát kê khai gần 12.400ha. Trong đó, diện tích đã giao gần 9.300ha (đạt 74,98%) cho 252 chủ rừng là cộng đồng và cá nhân, hộ gia đình.

images1746458_mn_3.jpg
Diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Diện tích còn lại chưa giao do hầu hết nằm trong khu vực tranh chấp giữa xã Huổi Lếch (huyện Mường Nhé) với xã Tà Tổng (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu); giữa xã Nậm Kè (Mường Nhé) với xã Na Cô Sa (Nậm Pồ)... Riêng đối với diện tích này, huyện đã rà soát lập phương án giao cho UBND xã quản lý và giao khoán cho các hộ trực tiếp sinh sống trong và gần khu vực rừng bảo vệ. Qua đó, diện tích che phủ rừng của Mường Nhé được nâng lên, người dân được hưởng dịch vụ môi trường rừng khoảng 5.000ha, nâng tổng số diện tích giao đất, giao rừng và giao trách nhiệm quản lý rừng đạt trên 14.200ha.

Ông Hưng cho biết thêm: Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giao đất, giao rừng huyện Mường Nhé đã ban hành kế hoạch về thực hiện rà soát, hoàn chỉnh thủ tục để giao đất, giao rừng, cấp giấy CNQSDĐ lâm nghiệp chưa có rừng giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn huyện Mường Nhé. Đồng thời yêu cầu các thành viên của Tổ giúp việc BCĐ huyện bám sát mục tiêu, nhiệm vụ sớm giao cho các cộng đồng, hộ gia đình những diện tích đất, rừng còn lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mường Nhé (Điện Biên): Khắc phục khó khăn trong giao đất, giao rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO