Thoát nghèo nhờ trồng giống Hồng giòn
Say sưa thu hái những quả hồng giòn căng vàng, vợ chồng anh Vàng Dỉ Mìn, thôn Sa Pả, thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương, Lào Cai) không giấu được niềm vui, bởi vụ quả năm nay được mùa, được giá. Dẫn tôi đi thăm vườn hồng giòn, trên khuôn mặt đen sạm vì nắng gió vùng cao của người nông dân Pa Dí này luôn rạng rỡ, bởi cả vườn hồng chính vụ quả to, đều và sai trĩu cành.
Cùng đi và được nghe anh Mìn tâm sự, tôi mới hiểu, không phải bỗng dưng giữa vùng đất dốc, cằn cỗi này có vườn trái ngọt, mà đó là thành quả gần 10 năm trời với biết bao mồ hôi, tâm sức của vợ chồng anh đổ vào đây.
Chọn quả hồng căng vàng, anh Mìn hái xuống, gọt vỏ mời tôi nếm thử. Quả hồng rất giòn và ngọt. Dường như cây không phụ công người, cho quả to và ngọt hơn, như muốn bù đắp cho sự vất vả “một nắng hai sương” của những lão nông vùng cao chịu thương, chịu khó.
Đứng ở nơi cao nhất, nhìn thấy cả đồi hồng đang vào chính vụ thu hoạch, quả hồng chín như góp thêm sắc vàng cho nắng thu, anh Mìn bảo: Toàn bộ diện tích trồng hồng giòn này trước kia đất dốc. Để có lương thực, gia đình đã phải đầu tư san gạt, làm ruộng bậc thang. Không hiểu sao, cả năm chỉ trồng được một vụ lúa, dù đã chọn giống cẩn thận, tích cực chăm bón nhưng hạt lép nhiều hơn hạt mẩy, có vụ chỉ được vài ba bao thóc.
Năm 2014, trong một lần đi chợ Mường Khương, thấy bán cây hồng giòn giống Trung Quốc, anh liền nảy ra ý định trồng thử loại cây này trên mảnh ruộng bậc thang đất cằn. Nếu hợp thì được ăn, nếu không thì cũng là một lần thử nghiệm. Nghĩ vậy, anh dành thời gian hỏi người bán cây hồng giống về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng; kỹ thuật trồng và chăm sóc; cách phòng, trừ sâu bệnh hại cây… Mỗi câu hỏi của anh đặt ra đều được người bán trả lời rõ ràng và không quên nhấn mạnh, trồng cây hồng giòn đòi hỏi kỹ thuật cao, tốn nhiều công chăm sóc, nếu không tỷ lệ đậu quả sẽ không cao. Thấy được sự chân thành của người bán, anh Mìn quyết định mua 200 cây giống về trồng thử nghiệm, chấp nhận có thể thất bại và là người đầu tiên đưa cây hồng không hạt về trồng trên đất Sa Pả.
Sau 6 năm chăm sóc những nụ hoa bắt đầu xuất hiện trên các cây hồng, báo hiệu giai đoạn đơm hoa kết trái. Cả gia đình hồi hộp, vừa mừng vừa lo, mừng vì bao công sức đổ ra đã cho kết quả, lo vì liệu có đậu được quả không? Thật may mắn, trong thời gian ra hoa đậu quả không có mưa to, gió lớn, nên tỷ lệ đậu quả tương đối cao, đến trước tết Trung thu gần 1 tháng, cả đồi hồng giòn bắt đầu cho thu hái quả. Năm 2022, là năm thứ ba gia đình anh Mìn thu hoạch quả hồng giòn, với sản lượng từ 400 - 500 kg. Với giá bán tại chỗ là 30.000 đồng/kg, gia đình anh thu được từ 12 triệu đồng đến 15 triệu đồng trên diện tích khoảng 0,25 ha.Gia đình anh Mìn đã thoát khỏi túng thiếu vươn lên thoát nghèo nhờ trồng cây hồng giòn. đến thơì điểm hiện tại toàn huyện Mường Khương đã có gần 100 ha cây hồng giòn và 20 ha đã bước đầu cho thu hoạch.
Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết, đến thời điểm hiện tại toàn huyện Mường Khương đã có gần 100 ha cây hồng giòn và 20 ha đã bước đầu cho thu hoạch. Trồng cây hồng giòn đòi hỏi kỹ thuật tương đối cao và phải đầu tư công chăm sóc, phân bón nhiều hơn, nếu không đảm bảo hai yếu tố trên có thể dẫn đến cây bị chết hoặc tỷ lệ đậu quả không ổn định. Nếu làm tốt thì đây sẽ là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ 100 – 200 triệu đồng/ha, cao gấp 4 - 5 lần so với trồng ngô” nếu cây hồng phát triển tốt thì đây cũng sẽ là một lại cây giúp người dân thoát nghèo.
Phát triển nông nghiệp xanh vừa bảo vệ môi trường vừa giảm nghèo
Huyện Mường Khương đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện công tác giảm nghèo. Theo thống kê, toàn huyện hiện còn 7 xã có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 60 - 70%. Để đảm bảo thực hiện mục tiêu giảm nghèo bình quân khoảng 10% mỗi năm, Mường Khương đang tập trung phát triển kinh tế ở những địa phương theo hướng xanh thân thiện với môi trường.
Dìn Chin là một trong những xã thuộc diện nghèo nhất của huyện Mường Khương. Trước đây, kinh tế của bà con chủ yếu dựa vào trồng ngô, lúa một vụ. Tuy nhiên, được sự vận động của chính quyền, nhiều hộ dân đang dần chuyển diện tích cây ngô kém hiệu quả sang trồng chè. Trong đó, vốn, cây giống và kỹ thuật đều được hỗ trợ, các hộ chỉ bỏ công chăm sóc. Cây trồng mới này đang được kỳ vọng là phương án phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bảo vệ môi trường sẽ giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trên địa bàn huyện Mường Khương xuất hiện ngày càng nhiều mô hình phát triển kinh tế xanh cho thu nhập vài trăm triệu đồng/năm. Như với gia đình anh Sin Soàn Hoàng, nhiều năm trước vẫn là hộ khó khăn. Đến năm 2016, anh Hoàng quyết tâm đầu tư phát triển kinh tế theo mô hình xanh vườn, ao, chuồng kép kín, chất thải trong chăn nuôi anh sẽ dùng để trồng cây hữu cơ và nuôi cá thịt. Đến nay, thu nhập từ nuôi lợn, trồng quýt và nuôi cá cho thu nhập ổn định trên 300 triệu đồng/năm.
Trong danh sách 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, Mường Khương có tới 5 xã, đó là: Tả Ngài Chồ, Dìn Chin, Tả Thàng, La Pan Tẩn và Lùng Khấu Nhin. Đây là địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo rất cao, thu nhập bình quân của 5 xã này chỉ đạt hơn 20 triệu đồng/người/năm. Trước thực trạng này, Mường Khương đã bắt tay vào thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể như thay đổi tư duy của người dân từ nông nghiệp an sinh sang nông nghiệp hàng hóa. Phát triển các giống cây trồng chè, dứa, chuối, quýt và hồng giòn với các vùng chuyên canh. "Chúng tôi xác định nông nghiệp chuyên canh là điều kiện để giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Trong năm 2022 cũng như các năm tiếp theo, huyện Mường Khương sẽ tập trung vào các mô hình cây trồng chuyên canh vừa cho thu nhập cao vừa an toàn với môi trường ông Hoa chia sẻ.
Bằng các giải pháp thiết thực, phù hợp với thực tế, chủ trương giảm nghèo của Mường Khương đã đạt kết quả tích cực. Đây là tiền đề, động lực quan trọng để Mường Khương phát triển kinh tế, giảm nghèo và bảo vệ môi trường nông thôn thực hiện mục tiêu vừa bảo vệ môi trường vừa giảm nghèo theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021 - 2025.
Theo báo cáo hiện tại huyện Mường Khương có vùng chuyên canh 4.055 ha chè, hơn 1.510 ha chuối, 815 ha quýt, 1.500 ha dứa, 100 ha hồng giòn…góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 còn 5,15%.
Hiện số hộ nghèo của huyện chỉ còn dưới 20% . Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 27,8 triệu đồng, tăng hơn 14 triệu đồng so với năm 2015.