Trang chủ chính thức của Ủy hội cho biết, Báo cáo dài 32 trang đã nêu bật sự sụt giảm mực nước trên dòng chính sông Mê Công và Biển Hồ đã gây tác hại nghiêm trọng tới sản lượng thủy sản và nông nghiệp của Campuchia. Vựa lúa của Việt Nam ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng chịu nhiều tổn thất và sản lượng lúa của Thái Lan và Lào cũng đã bị ảnh hưởng. Báo cáo cũng đã đặc biệt đề cập đến nguy cơ mất cân bằng sinh thài vùng Biển Hồ do biến động về thời điểm bắt đầu, thời gian và diện tích ngập vùng Biển Hồ có thể dẫn tới sụt giảm mạnh khu vực sinh sống và dinh dưỡng của nhiều loài cá quý và các sinh vật khác tại khu vực có giá trị về sinh thái thứ hai trên thế giới sau lưu vực Amazon này.
Ảnh minh họa |
“Chúng tôi kêu gọi tất cả sáu quốc gia ven sông Mê Công tăng cường chia sẻ thông tin số liệu về chế độ vận hành của các công trình điều tiết nước với Ủy hội sông Mê Công quốc tế để có thể đánh giá kỹ càng hiện tượng này” - Ông An Pich Hatda, Giám đốc điều hành Ban Thư ký Ủy hội, phát biểu trên trang chủ của Ủy hội mới đây.
Biển Hồ ở Campuchia là hồ nước ngọt nội địa tự nhiên lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á và được coi là một trong những khu vực có giá trị về sinh thái quan trọng nhất của thế giới nói chung, và về nguồn lợi thủy sản nước ngọt nói riêng. Biển Hồ cũng là hồ chứa điều tiết tự nhiên cho vùng Châu thổ Mê Công nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam nói riêng thông qua dòng chảy hai chiều trong khoảng 120 ngày trên sông Tonle Sap từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 10 hàng năm. Tuy nhiên, đầu mùa lũ năm nay, dòng chảy ngược trên sông Tonle Sap đưa nước lũ từ dòng chính sông Mê Công vào Biển Hồ đã xảy ra rất muộn trong sự mong đợi của người dân vùng Biển Hồ.
Hiện tượng mực nước Biển Hồ bị sụt giảm vào cuối mùa khô đầu mùa lũ đã xảy ra trong hai năm liên tiếp và đã gây nhiều quan ngại sâu sắc từ các cấp chính quyền, đến người dân, các nhà khoa học và báo chí trong khu vực.
Cùng chia sẻ mối quan ngại đó, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã tiến hành thu thập thông tin và đánh giá chế độ dòng chảy trên dòng chính sông Mê Công và vùng Biển Hồ từ mùa lũ năm 2019 tới mùa khô năm 2020 nhằm làm rõ nguyên nhân gây ra sụt giảm mực nước Biển Hồ và ảnh hướng tới vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Trên cơ sở tổng dung tích Biển Hồ phụ thuộc vào lượng nước chảy vào từ dòng chính sông Mê Công và chảy ra khỏi Biển Hồ qua sông Tonle Sap, đóng góp của 13 lưu vực sông nhánh xung quanh Biển Hồ và lượng nước mưa trên mặt Biển Hồ, các chuyên gia của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã nhận thấy mực nước Biển Hồ tụt xuống mực nước thấp nhất trong vòng 25 năm qua trong bối cảnh tất các trạm thủy văn dọc dòng chính sông Mê Công đều ghi nhận các mức tụt giảm lịch sử.
Nguyên chính là toàn bộ Hạ Lưu vực sông Mê Công đã trải qua một năm khô hạn với tổng lượng mưa của cả mùa lũ 2019 và mùa khô 2020 quan trắc tại trạm Kra-chê đều bị sụt giảm mạnh so với trung bình nhiều năm, lần lượt là 28% và 32%. Chính hiện tượng mưa ít này đã gây ra hiện tượng sụt giảm mực nước trên toàn bộ dòng chính sông Mê Công, làm cho lượng nước lũ 2019 vào Biển Hồ bị giảm 5%, tổng lượng đóng góp của các sông nhánh xung quanh vùng Biển Hồ giảm 20% và mưa trực tiếp trên mặt Biển Hồ giảm 35%.
Đánh giá sơ bộ của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, nguyên nhân của hiện tượng mực nước của Biển Hồ bị sụt giảm cuối mùa khô đầu mùa lũ 2020 cho thấy dung tích của Biển Hồ đầu tháng 5/2020 chỉ đạt khoảng 0,4 tỷ m3, tương đương với 30% giá trị trung bình nhiều năm cùng kỳ hàng năm; và nguyên nhân chính là do mực nước Biển Hồ mùa lũ 2019 đạt đỉnh sớm hơn TBNN khoảng 20 ngày và chảy ra sớm hơn, đồng thời mức nước thấp trên dòng chính sông Mê Công từ cuối mùa lũ 2019 đến nay đã làm cho lượng nước trong Biển Hồ thoát ra dòng chính rất nhanh và mạnh. Sự sụt giảm của các lượng nước đóng góp cho dung tích của Biển Hồ từ các sông nhánh xung quanh và mưa trên Biển Hồ cũng góp phần làm cho mực nước Biển Hồ sụt giảm thêm.
“Dòng chảy từ Biển Hồ đóng góp vào dòng chính sông Mê Công trong mùa khô 2020 giảm tới 50% so với trung bình nhiều năm. Lượng sụt giảm này góp phần làm cho tình hình hạn mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam trở nên khắc nghiệt hơn. Ủy ban sông Mê Công Việt Nam sẽ tiếp tục theo sát diễn biến tài nguyên nước trên toàn Lưu vực Mê Công nói chung và vùng Biển Hồ nói riêng để có thể dự báo được dòng chảy sông Mê Công tới Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa lũ năm nay và mùa khô năm 2021 nhằm phục vụ tốt công tác ứng phó cho các Bộ, ngành và địa phương có liên quan và nhiệm vụ quản lý lưu vực sông Thủ tướng Chính phủ mới giao cho Ủy ban” ông Lê Đức Trung, Chánh văn phòng Ủy ban cho biết.
Tới thời điểm hiện nay, dòng chảy ngược trên sông Tonle Sap đưa nước lũ từ dòng chính sông Mê Công vào Biển Hồ đã xảy ra được 40 ngày (Bắt đầu từ ngày 27/7), chậm hơn so với trung bình nhiều năm khoảng một tháng. Trong Bản tin dự báo lũ của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho đầu tháng 9/2020, mặc dù mực nước trên dòng chính Mê Công đang tăng nhưng dự kiến chúng ta vẫn sẽ phải trải qua một mùa lũ 2020 thấp hơn bình thường do lượng mưa thấp và dòng chảy từ thượng nguồn báo vẫn không lớn.