Mua nhà ở xã hội: Những điều cần biết để tránh rủi ro

27/07/2016 00:00

(TN&MT) - Từ nhiều năm nay, nhu cầu nhà ở xã hội của người dân tăng cao, tỉ lệ thuận với sự tăng trưởng của nền kinh tế. Chính vì vậy, phân khúc thị trường này luôn trong tình trạng “cung không đủ cầu”. Người dân muốn mua nhà mà không đáp ứng đủ các yêu cầu luật định sẽ tìm cách "mua nhà chui". Tình trạng này tiềm ẩn nhiều hệ quả pháp lý bất lợi cho người dân.

Không phải ai cũng có đủ tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội. Ảnh: ST
Không phải ai cũng có đủ tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội. Ảnh: ST

Nhu cầu nhà ở xã hội sẽ tăng 50% vào năm 2020

Nhà ở xã hội là một loại hình nhà ở thuộc sở hữu của cơ quan nhà nước (có thể trung ương hoặc địa phương) hoặc các loại hình nhà được sở hữu và quản lý bởi nhà nước, các tổ chức phi lợi nhuận được xây dựng với mục đích cung cấp nhà ở giá rẻ cho một số đối tượng được ưu tiên trong xã hội như công chức của nhà nước chưa có nhà ở ổn định, người có thu nhập thấp... và được cho thuê hoặc cho ở với giá rẻ so với giá thị trường.

Chỉ tính riêng trong năm 2015, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 33 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 13 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng 6.164 căn hộ và 20 dự án nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng 8.273 căn hộ. Tính đến nay, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 135 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 51 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, quy mô 25.850 căn hộ và 84 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, quy mô xây dựng 28.550 căn hộ.

Ngoài ra, các địa phương cũng đang tiếp tục triển khai 108 dự án cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng 61.290 căn hộ và 63 dự án nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 69.300 căn hộ. Chương trình nhà ở sinh viên đã hoàn thành 85/95 dự án, giải quyết chỗ ở cho khoảng 220.000 sinh viên.

Theo số liệu thống kê,  nhu cầu thực tế về nhà ở xã hội đến năm 2020 sẽ tăng gần 50%. Nguyên nhân là do có khoảng 40.000 người chuyển từ thuê nhà ở công nhân sang mua, thuê nhà ở xã hội.

Chuyển nhượng tự do sau 05 năm

Nhu cầu nhà ở xã hội của người dân ngày càng tăng, trong khi nguồn cung vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, chính sách khách hàng đối với phân khúc này cũng có nhiều đặc thù. Để tránh rủi ro khi mua bán nhà ở xã hội, người dân còn lưu ý một số quy định sau:

Thứ nhất, ai được mua nhà ở xã hội. Theo quy định của Luật Nhà ở 2014, các đối tượng gồm: Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở sẽ được mua nhà ở xã hội nếu chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình và có hộ khẩu thường trú tại nơi có nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, những đối tượng trên phải chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống; thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân…

Thứ hai, nguyên tắc bán nhà ở xã hội. Nhà nước quy định, bên thuê mua, bên mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 05 năm, kể từ thời điểm thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở. Trước 05 năm, nếu bên mua, bên thuê mua đã thanh toán hết tiền mà không có nhu cầu sử dụng thì chỉ có thể chuyển nhượng cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội hoặc bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội theo đúng quy định.

Sau 05 năm, bên thuê mua nhà ở xã hội mới được chuyển nhượng tự do nhà ở xã hội cho các đối tượng khác nhau. Nhưng, nếu bán cho cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội thì chỉ được bán với giá tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Riêng đối với hộ gia đình, cá nhân thuộc diện được tái định cư mà thuê mua, mua nhà ở xã hội thì được bán lại nhà ở này theo cơ chế thị trường cho các đối tượng có nhu cầu sau khi đã thanh toán hết tiền mua, tiền thuê mua nhà ở và được cấp Giấy chứng nhận nhưng phải nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước theo quy định của Chính phủ và phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật thuế…

H. Phúc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mua nhà ở xã hội: Những điều cần biết để tránh rủi ro
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO