Mưa dông quay lại sau nắng nóng
(TN&MT) - Trong tháng 8, dự báo nắng nóng tiếp tục xảy ra tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ nhưng cường độ không quá gay gắt. Sau đợt nắng nóng, mưa rào và dông sẽ xuất hiện trở lại, cục bộ có nơi mưa to.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường), Bắc Bộ và Trung Bộ hiện đang trong một đợt nắng nóng. Trong hai ngày tới là 7 – 8/8, khu vực đồng bằng Bắc Bộ, phía Nam tỉnh Sơn La và Hòa Bình có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 - 37 độ C. Các nơi khác ở Bắc Bộ có nắng nóng cục bộ. Ở Trung Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có mức nhiệt phổ biến từ 35 - 38 độ, có nơi nắng nóng gay gắt trên 38 độ C.
Về xu thế khí hậu tháng trong tháng 8, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn từ 0,5 – 1 độ C so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ.
Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ có nhiều ngày mưa, trong đó có khả năng xuất hiện một số đợt mưa vừa, mưa to diện rộng. Mưa dông tại các khu vực có thể kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Trong khi đó, số lượng bão/ATNĐ trên khu vực Biển Đông có khả năng ít hơn so với TBNN cùng thời kỳ (TBNN là từ 2 - 3 cơn).
Từ nay đến cuối năm, sẽ có khoảng 9 - 11 cơn bão/áp thấp nhiệt đới trên biển và trong đó, khoảng 4 - 6 cơn bão/thấp nhiệt đới có khả năng tác động trực tiếp đến đất liền của Việt Nam.
Các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão/ATNĐ, gió mùa Tây Nam có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên khu vực Biển Đông. Mưa dông mạnh kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.
Dự báo đợt nắng nóng đang diễn ra ở Trung Bộ có khả năng còn kéo dài trong những ngày tới, trong khi Bắc Bộ sẽ kết thúc vào khoảng ngày 10/8.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, sau khi đợt nắng nóng lần này kết thúc, mưa có khả năng quay trở lại. Từ nửa cuối tháng 8 và từ tháng 9 trở đi, hiện tượng La Nina có thể bắt đầu tác động đến Việt Nam. Biểu hiện là lượng mưa ở Bắc Bộ trong tháng 9 có thể cao hơn trung bình nhiều năm.
Ông Hưởng lưu ý, giai đoạn La Nina tác động từ tháng 9 trở đi trùng với mùa mưa, bão, lũ ở miền Trung. Nhiều khả năng các hiện tượng mưa, bão, lũ sẽ xảy ra dồn dập tại đây trong nửa cuối tháng 9 và tháng 10, tháng 11 năm nay. “Chúng tôi thống kê, trong những năm La Nina, tác động của mưa, lũ, bão bao giờ cũng khốc liệt hơn các năm bình thường. Ví dụ gần đây nhất là năm 2020. Số lượng bão, áp thấp nhiều hơn bình thường và tổng lượng mưa ở Trung Bộ có những điểm cao vượt lịch sử. Có nơi lượng mưa cao gấp 3 – 4 lần so với trung bình nhiều năm.
Từ những bài học của các năm La Nina như vậy, chúng tôi lưu ý bà con cần phải theo dõi những bản tin dự báo xa từ sớm, và sau đó tiếp tục theo dõi những thông tin cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia. Trung tâm cập nhật thường xuyên thông tin trên website và truyền thông đại chúng, qua mạng xã hội Facebook, Zalo để bà con nắm được một cách sớm nhất” – ông Hưởng chia sẻ.
Hiện nay, bản tin dự báo khí tượng thủy văn đã thông tin dự báo chi tiết hơn, cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai vào bản tin qua đó nâng cao hiệu quả phục vụ và từng bước tiến tới dự báo dựa trên tác động, cảnh báo dựa trên rủi ro.
Riêng đối với công tác dự báo, cảnh báo thì sự thay đổi đáng kể nhất là dự báo sớm hơn, dài hạn hơn, chi tiết hơn và tin cậy hơn. Dự báo khí tượng đã mở rộng thời hạn dự báo thời tiết, cảnh báo sớm thiên tai tới 10 ngày; nội dung và hình thức bản tin đã có nhiều thay đổi, tập trung cung cấp các thông tin dự báo ở quy mô nhỏ hơn (cấp huyện, cấp xã) và thời gian dài hơn.
Đối với bão/áp thấp nhiệt đới, thời gian dự báo trước 3 ngày, cảnh báo sớm trước 5 ngày.
Các bản tin dự báo dài hạn đều được tăng tần suất và mức chi tiết như 1 bản tin mùa/tháng; 3 bản tin tuần/tháng và đều phân tích, đánh giá đến từng khu vực có khả năng xảy ra thiên tai, khí tượng thủy văn nguy hiểm.
Đối với khí tượng thủy văn nguy hiểm, hầu hết các bản tin được phát hành sớm hơn trước đây từ 30 phút đến 1h. Đây là những nỗ lực rất lớn của Ngành KTTV trong thời gian qua nhằm đưa thông tin dự báo được ban hành sớm hơn, giúp người dân địa phương và các cấp chính quyền địa phương và cơ quan hữu quan có thêm những khoảng thời gian quý báu rất quan trọng cho ứng phó với thiên tai nguy hiểm.