(TN&MT) – Vậy rượu như thế nào bị coi là không rõ nguồn gốc và ai mua thì hợp pháp? Chúng tôi đã đi ghi nhận tại các thôn bản ở Quản Bạ.
Nhiều năm nay, người dân ở các thôn bản miền núi Hà Giang như Quản Bạ, Mèo Vạc, Đồng Văn,.. mưu sinh chủ yếu bằng trồng ngô. Theo một người bản địa, đất ở các vùng cao nguyên này cằn cỗi, toàn núi đá, hầu như không trồng được cây gì. Đất ở đây chỉ trồng được cây ngô. Người dân nghiền ngô thành mèn mén ăn thay cơm. Vì vậy phần lớn ngô trồng được, họ nấu rượu và đem ra chợ bán. Cũng theo đó mà người dưới xuôi thường kéo lên các bản làng săn mua rượu ngô. Người mua về uống, cũng có người mua về bán lại. Người ta mua về theo số lượng lớn.
Thực tế cho thấy, tại các vùng miền núi, người dân tộc thiểu số ở các tỉnh thành cũng vậy, người dân nấu rượu rất nhiều nhưng không được kiểm soát chặt chẽ. Một trong những vụ ngộ độc rượu gây rúng động là hồi đầu năm trên địa bàn huyện Phong Thổ (Lai Châu) khiến nhiều người chết và hơn 100 người nhập viện theo dõi điều trị ngộ độc. Địa phương này đã tiêu hủy 5.000 lít rượu không rõ nguồn gốc. Theo báo cáo của các cơ quan y tế, bệnh viện, nguy cơ tác hại của rượu không rõ nguồn gốc là rất lớn.
Thời gian qua, theo chỉ đạo của Thủ tướng, cơ quan chức năng tại các tỉnh, thành đang ra quân kiểm soát thị trường rượu, trong đó có rượu nấu thủ công. Tuy nhiên nhiều người vẫn cho biết chưa hiểu rõ bán rượu, mua rượu như thế nào là đúng pháp luật. Câu chuyện về 3.000 lít rượu cũng đang gây tranh cãi tại Hà Giang suốt thời gian qua.
Ngày 23/4 vừa qua, Đội quản lý thị trường số 1 (TP. Hà Giang) chặn giữ một chiếc xe tải chở hơn 170 can rượu đang đi trên đường và đưa về đội.
Ông Vũ Quốc Khánh (Phó Chi cục trưởng Chi Cục QLTT Hà Giang) cho biết, sau khi xe bị đưa về Đội, một phụ nữ tên L.T.N. (GĐ Cty N.H, sản xuất kinh doanh rượu tại Hà Giang) đã đến xác nhận đây là rượu của mình mua từ Quản Bạ. Bà N. xuất trình hợp đồng mua rượu với 1 chủ cơ sở nấu rượu ở vùng này.
Người dân ở các thôn bản vùng cao Quản Bạ chủ yếu trồng ngô nấu rượu thủ công đem bán mà không đăng ký nhãn mác gì |
Tuy nhiên, trong ngày hôm đó, một người đàn ông tên Đ.Q.C (ở TP. Hà Giang) lại đến nhận đó là rượu của mình. Theo ông C., ông mua rượu của nhiều người dân bán công khai tại chợ Quản Bạ nên không có hóa đơn chứng từ gì. Ông C. cho biết, sáng hôm đó ông nhờ bà N. và một người bạn lên mua rượu, sau đó ông nhờ bà N. thuê xe người quen vận chuyển.
Bà N. lại nói rằng, tưởng hàng của ông C. đã được vận chuyển về trước còn hàng của mình vận chuyển sau. Theo đó, bà N. đã thay đổi lời khai rằng, đó không phải là hàng của mình. Giải thích cho việc thay đổi này, bà N. nói rằng đã kiểm tra lại và được biết bà Ch. (người ký hợp đồng nhập rượu) hôm đó không gửi hàng.
Tuy nhiên, lúc này Đội QLTT không chấp nhận lời khai của bà N. nữa và yêu cầu bà N. giữ nguyên như ban đầu. Bà N. không đồng ý điều này còn ông C. vẫn một mực khẳng định đó là hàng do mình mua. Trong khi đó, tài xế xe tải trả lời rằng anh ta nhận hàng tại Quản Bạ và gặp cả 3 người. Ông C. là người trực tiếp hỗ trợ bốc hàng cùng nhà xe. Anh ta không biết hàng của ai.
Thành ủy TP. Hà Giang lập tức ra công văn yêu cầu làm rõ. Nhiều cơ quan ban ngành cũng vào cuộc. Ông C. cũng gửi đơn đi các cấp đề nghị trả lại rượu cho mình. Đến nay, sau hơn 1 tháng, cơ quan quản lý thị trường tỉnh Hà Giang vẫn chưa thể ra kết luận chủ nhân của hơn 3.000 lít rượu mà cơ quan này cho rằng đó là hàng không rõ nguồn gốc.
Vậy rượu như thế nào bị coi là không rõ nguồn gốc và ai mua thì hợp pháp? Chúng tôi đã đi ghi nhận tại các thôn bản ở Quản Bạ. Tại các thôn bản Quản Bạ, rất nhiều hộ gia đình nấu rượu. Cứ đến chợ phiên là người dân mang rượu ra chợ bán. Rượu được đựng trong những can 20L, không nhãn mác hay qua khâu kiểm định nào và được bán công khai. Thậm chí, người dưới xuôi lên có thể tìm đến từng hộ gia đình mua rượu. Người dân các thôn bản cũng không biết về quy định của việc nấu rượu hay bán rượu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vàng A Mua (Chủ tịch UBND xã Thanh Vân, Quản Bạ) cho biết, hiện nay, người dân mang rượu ra chợ bán và người dưới xuôi lên mua rồi mang về, không qua chứng nhận của cơ quan chức năng nào. Một số cơ quan có thể kiểm tra hướng dẫn cho bà con về chất lượng rượu, còn việc mua bán thì không kiểm soát. Tuy nhiên, theo ông Mua, ở xã Thanh Vân đã UBND tỉnh Hà Giang cấp chứng nhận làng nghề nấu rượu thủ công truyền thống.
Như vậy, rượu ở đây có được coi là hợp pháp hay không? Luật sư Bùi Thanh (Văn phòng luật sư Trịnh, Hà Nội) trả lời:
Nấu rượu thủ công rồi bán lẻ là hoạt động xảy ra phổ biến không chỉ riêng ở dân tộc vùng cao. Rượu thuộc nhóm hàng hóa nhà nước hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu (phân phối, bán buôn, bán lẻ) phải có giấy phép, trừ trường hợp sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại.
Như vậy, rượu do bà con dân tộc vùng cao nấu bằng thủ công chỉ được bán cho các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại. Tuy nhiên người nấu phải đăng ký sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu chế biến lại và thời hạn có hiệu lực là 5 năm.
Tuy nhiên, nếu rượu đó thuộc làng nghề sản xuất rượu thủ công (tức là Làng nghề sản xuất rượu nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Bia - Rượu - Nước giải khát trên địa bàn, được UBND tỉnh quyết định công nhận) thì họ được phép bán để sử dụng cho bất kỳ đối tượng nào.
Thái Bảo - Trung Vương