Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần chỉ đạo: Các địa phương bãi bỏ ngay các biện pháp dừng, ngăn cấm người và phương tiện qua lại địa phương mình không đúng với Chỉ thị số 16. Ảnh: VGP Nhật Bắc. |
18h ngày thứ Bảy 5/6, từ Văn phòng Chính phủ phát đi Công điện số 789/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về áp dụng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu kép nhằm chấn chỉnh việc áp dụng biện pháp phòng dịch quá mức cần thiết gây ảnh hưởng sản xuất kinh doanh.
Công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Công điện nêu rõ: Từ việc một số địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để chống dịch COVID-19, dẫn đến các địa phương khác cũng áp dụng các biện pháp kiểm soát người về từ vùng dịch. Tuy nhiên, một số nơi đã áp dụng những biện pháp cứng nhắc, có mức cực đoan gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo về phòng, chống dịch; thực hiện “mục tiêu kép” của Thường trực Ban Bí thư tại Điện ngày 27/4/2021 và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và các hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Trao đổi, thống nhất với các địa phương có liên quan để thống nhất áp dụng các biện pháp trong quản lý hoạt động vận tải (kể cả vận chuyển hành khách, công nhân, hàng hóa, nguyên liệu sản xuất…), bảo đảm kiểm soát nguồn lây bệnh nhưng không “ngăn sông cấm chợ”, không gây ách tắc hay ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện việc cách ly y tế đúng đối tượng quy định đối với người đến từ vùng dịch.
Chỉ đạo thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người tham gia vận tải hàng hoá, vận chuyển vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch, sản xuất kinh doanh và người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; xử phạt nghiêm các trường hợp không khai báo, khai báo không trung thực.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ Y tế, Công an, Công Thương rà soát việc tổ chức hoạt động vận tải đi, đến nơi có dịch đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch và sản xuất kinh doanh, chấn chỉnh kịp thời việc áp dụng các biện pháp quá mức cần thiết gây ách tắc hoạt động vận tải và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bộ Công Thương chỉ đạo, hướng dẫn, bảo đảm điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương, tiêu thụ, cung ứng hàng hoá giữa địa phương có dịch và các địa phương khác.
Bộ Y tế chủ trì, rà soát, kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh việc một số địa phương áp dụng biện pháp cách ly y tế không đúng quy định đối với người đến từ vùng đang có dịch.
Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm, nỗ lực cao nhất bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Trước đó không lâu, lá thư phong thành “anh Hai hàng xóm” được cánh chim báo tin không vui của Đồng Nai bay gấp gáp trong đêm mùng 4 sang ngày 5/6, thả vào khoảng 6.000 công dân có hộ khẩu thường trú, tạm trú Đồng Nai đến làm việc tại TP.HCM cộng với hơn 10.000 lao động, chuyên gia ở TP.HCM đến Đồng Nai làm tại các khu công nghiệp và vô số thành phần là người của địa phương này sang làm việc ở địa phương kia và ngược lại.
Ấy nghĩa là các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà máy, xí nghiệp (chưa kể một số vị trí ở cơ quan Nhà nước của hai địa phương) sẽ tạm “dừng hình”. Chưa hết, “dừng hình” hàng hóa xuất nhập qua cụm cảng Cái Mép Thị Vải, hàng hóa vận chuyển qua lại giữa Đồng Nai và TP.HCM, trong đó có nguồn nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao… Tóm lại, lá thư mang thông điệp “cát cứ”, này sẽ “đóng gạch” chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ; nguồn cung ứng lao động giữa Sài Gòn - Đồng Nai và tạo điều kiện “an cư” cho hàng chục ngàn người.
…Không phải không có lý do mà Chính phủ quy hoạch TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu… là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vì chúng có quan hệ phụ thuộc nhau về chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ, nguồn cung ứng lao động và hạ tầng cơ sở. TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương - Long An, Tây Ninh... đã gắn kết không "biên giới" như siêu đô thị. Vì vậy, động thái dựng “biên giới hành chính”, cách ly 21 ngày người từ TP.HCM sẽ ảnh hưởng rất rộng đến cấu trúc siêu đô thị này.
Nước có phép nước, phép nước của Việt Nam đảm bảo sự dân chủ công bằng văn minh cho bất cứ ai, bất cứ vùng đất, địa phương nào trên lãnh thổ Việt Nam. Từ những mùa dịch trước, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu các địa phương tích cực phòng dịch nhưng không được “ngăn sông cấm chợ”, không được áp dụng các biện pháp cực đoan, điều này ai cũng biết.
Chỉ thị số 16 của Chính phủ về cách ly có nêu rõ: "Cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, trừ các trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa. Hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân. Bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất. Các địa phương bãi bỏ ngay các biện pháp dừng, ngăn cấm người và phương tiện qua lại địa phương mình không đúng với Chỉ thị số 16.
Tại Thông báo số 110 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có nêu: "Các địa phương không "ngăn sông, cấm chợ", gây ách tắc lưu thông hàng hóa ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân. Tăng cường kiểm soát chuyên gia, kỹ sư, công nhân, người lao động,... đang làm việc ở vùng có dịch nhưng cư trú ở địa phương khác".
Ngoài ra, tại Thông báo số 137 của Văn phòng Chính phủ có nêu: "Các địa phương chủ động, sáng tạo triển khai các giải pháp để ổn định tình hình kinh tế - xã hội, không làm đứt gãy các chuỗi sản xuất, kinh doanh, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở dịch vụ và các hoạt động liên quan đến sinh kế của người dân".
Thế nhưng, vì sự an toàn, có địa phương đã áp dụng biện pháp phòng thủ quá mức cần thiết và sự việc vừa rồi ở Đồng Nai là một ví dụ.
Lý do được Đồng Nai đưa ra không phải là không có căn cứ, bởi tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM rất phức tạp với nhiều chuỗi lây nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh. Từ khi phát hiện 3 ca đầu tiên tối 26/5, đến nay đã có 6 tỉnh miền Nam gồm Long An, Bình Dương, Đồng Tháp, Tây Ninh, Trà Vinh và Bạc Liêu ghi nhận ca bệnh liên quan. Trong khi Đồng Nai là tỉnh giáp ranh với TP.HCM nên số lượng lao động, chuyên gia nước ngoài ở TP HCM về làm việc trong các khu công nghiệp tại địa phương này rất lớn, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao. Tỉnh đã hướng dẫn các công ty vận chuyển công nhân, chuyên gia ở lại Đồng Nai làm việc hoặc làm việc trực tuyến. Đồng Nai phân trần rằng không có tư duy "ngăn sông cấm chợ", chỉ vì lo lắng nếu để số lượng lớn lao động, chuyên gia đi về giữa hai địa phương, chắc chắn Đồng Nai sẽ phát sinh các ổ dịch.
Trên thực tế, TP.HCM đang giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị số 15. Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16. Đây là biện pháp để nhằm góp phần kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Công tác phòng, chống dịch tại TP.HCM đang được xem là đi đúng hướng, thành phố đã “hy sinh” lợi ích kinh tế trong 2 tuần cách ly, giãn cách để sàng lọc, truy vết, xét nghiệm, đảm bảo an toàn cho dân. Tuy nhiên, giãn cách xã hội toàn thành phố không có nghĩa là nơi nào cũng có ca nhiễm. Ngay cả nội thành thì giao thương vẫn bình thường, người từ vùng dịch Gò Vấp đi các nơi vẫn bình thường với xét nghiệm âm tính và khai báo y tế.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng đoàn công tác thăm, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại TPHCM. Ảnh: VGP Mạnh Hùng |
Không bối rối, không lúng túng, vừa quyết liệt trong phòng chống dịch, vừa đảm bảo đời sống và tạo thuận lợi nhất cho người dân, vừa duy trì sản xuất kinh doanh trong kiểm soát, vừa tích cực ủng hộ Quỹ Vaccine, vừa kịp thời cử kíp y bác sĩ tinh nhuệ (đã từng cứu sống phi công người Anh nhiễm Covid bị hội chứng bão cykotin năm 2020) ra hỗ trợ Bắc Giang... Và trước địa phương đã từng ngăn hàng rào với TP.HCM thì khi cần giải cứu một mặt hàng nào đó cho địa phương, TP.HCM vẫn sẵn sàng cân nhắc. Việc có thể mở cửa lại Chợ hoa Đầm Sen là một ví dụ nhỡn tiền.
Sự việc vừa rồi là bài học cho tất cả các địa phương rút kinh nghiệm. Phòng, chống dịch phải triệt để và quyết liệt, thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ; chứ đừng phòng dịch kiểu hoảng sợ, thiếu kiến thức; đừng “dễ thương” chọn việc làm dễ nhất; và đừng vô tình làm tổn thương những nơi đang bị tổn thương...
Trở lại Công điện số 789/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong sự việc này, tạm gác lại mọi phê bình kiểm điểm riêng một địa phương, tổ chức, cá nhân nào, Chính phủ đặt mục tiêu giải quyết công việc lên hàng đầu, lấy sự ổn định làm căn cốt. Quyết liệt áp dụng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế; thực hiện mục tiêu kép; chấn chỉnh việc áp dụng biện pháp phòng dịch quá mức cần thiết gây ảnh hưởng sản xuất kinh doanh.
Còn bao điều phải lo, bao việc phải nghĩ phải làm. Khi một nơi nào đó cá biệt, hay một vài người nào đó còn đang mải đắn đo riêng tư, thì Quỹ vaccine do Thủ tướng phát động đã tạo nên một cơn sóng lớn với mục tiêu 25,2 nghìn tỷ duy trì cho Chiến lược vaccine phủ sóng toàn dân. Trong cuộc chiến này, không ai bị bỏ lại phía sau, không địa phương nào phải tự “chiến đấu” một mình. Những ngày này, tinh thần kết đoàn, tương thân tương ái đã dấy lên khắp mọi miền Tổ quốc, các cấp các ngành các địa phương, theo chỉ đạo của Chính phủ, dành tâm, san lực hỗ trợ Bắc Ninh, Bắc Giang, như trước đó cả nước từng hướng về Hải Dương; mọi người dân, theo lời kêu gọi, đã góp sức góp của, góp tấm lòng chung tay hỗ trợ đồng bào mình phòng, chống dịch và vượt qua giai đoạn khó khăn.
Chung tay hướng về Bắc Giang |
Bình tĩnh lắng nghe, bao dung và công bằng xử trí; đưa ra các giải pháp kiên quyết và nhân văn... Công điện của Chính phủ là văn bản thuộc phép nước, vừa mang tính pháp lý cao, nhưng lại vừa bao hàm cả lời nhắc nhở, động viên, khích lệ; để mọi tổ chức cá nhân, các cấp các ngành, các địa phương lấy đó làm tiêu chí trong thực hiện nhiệm vụ cả trước mắt cả dài lâu. Công điện vừa rồi chỉ là một trong vô vàn động thái trên quan điểm mở ra một nút thắt để nối dài vòng tay kết đoàn yêu thương, biến những rối rắm phức tạp thành đơn giản, lấy kết đoàn, an dân làm căn cốt. Công điện ấy, cùng những thành công trong thực hiện mục tiêu kép hiện nay, là một trong những minh chứng cho khẳng định: Chính phủ đang làm được những gì mà lòng dân mong đợi.