Một số địa phương nhanh chóng khắc phục thiệt hại sau lũ
(TN&MT) - Những ngày qua, các trận mưa lớn kéo dài kèm gió lốc đã gây thiệt hại nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn 2 huyện: Điện Biên và Nậm Pồ của tỉnh Điện Biên. Hiện nay, chính quyền các địa phương đang tích cực vận động, hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại, sớm ổn định sản xuất, nhất là đối với những diện tích lúa vụ mùa năm 2023.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, mưa lớn kèm gió lốc từ trung tuần tháng 7 đã gây ngập úng nhiều diện tích lúa của bà con, kiểm kê thiệt hại gần 30ha lúa mùa (trong đó, có trên 1,3ha lúa mùa bị vùi lấp hoàn toàn; 16ha lúa bị thiệt hại trên 70% và 11ha lúa bị thiệt hại 30%); 0,4ha hoa màu và 1,5ha ao cá thương phẩm bị cuốn trôi, vùi lấp tại 2 huyện: Điện Biên và Nậm Pồ. Ước tính thiệt hại trên 600 triệu đồng.
Sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện đã xuống cơ sở xác minh thiệt hại; chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể, chính quyền cơ sở giúp nhân dân sửa chữa, khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống. Hiện nay, người dân các xã đang khẩn trương gieo cấy lại những diện tích lúa bị thiệt hại; kè lại ao nuôi cá để ổn định sản xuất.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lường Văn Toán, Phó Chủ tịch UBND xã Chà Tở, huyện Nậm Pồ cho biết: Mưa lớn trong mấy ngày nay (từ ngày 15 - 19/7) đã khiến mực nước suối Nậm Hằng chảy qua địa bàn xã Chà Tở dâng cao, chảy xiết gây ngập úng, vùi lấp hơn 6ha lúa vụ mùa, phá hỏng khoảng 20 ao cá và nhiều diện tích cỏ voi của người dân. Trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là 2 bản: Nà Pẩu và Nà Én. Ngay sau khi lũ rút, chính quyền xã Chà Tở đã xuống cơ sở cùng với bà con kiểm tra thực trạng thiệt hại và triển khai phương án khắc phục hậu quả do lũ gây ra. Các diện tích lúa ruộng và cỏ voi bị ảnh hưởng có thể khắc phục được, UBND xã chỉ đạo các lực lượng tại chỗ như: Dân quân, đoàn thanh niên cùng các hộ dân tập trung dọn rác, cây và đất đá vùi lấp để cây lúa phát triển trở lại.
Đối với những diện tích lúa mùa bị thiệt hại hoàn toàn, UBND xã Chà Tở đã báo cáo UBND huyện Nậm Pồ để có phương án hỗ trợ các hộ dân theo đúng quy định bằng nguồn vốn dự phòng ngân sách xã. Đồng thời, do đã quá lịch thời vụ gieo cấy lúa vụ mùa nên để khắc phục thiệt hại diện tích đất nông nghiệp này, UBND xã đã cử cán bộ khuyến nông xuống các bản để hướng dẫn người dân cải tạo đất và gieo trồng cây lạc.
Riêng 20 ao cá bị hư hỏng bờ, chính quyền xã khuyến cáo người dân chỉ nên khắc phục tạm thời, chưa vội đầu tư khắc phục kiên cố bởi vì trận mưa lũ vừa qua đã cuốn trôi hệ thống đập đất ngăn lũ phía trên. Mùa mưa còn kéo dài nếu bà con đầu tư quá nhiều kinh phí để khắc phục e ngại rằng những trận mưa tiếp theo sẽ tiếp tục bị thiệt hại. Bên cạnh đó, ngày 18/7, UBND xã đã huy động máy móc và nhân lực thiết kế đập tạm ngăn lũ để đề phòng và hạn chế thiệt hại trong thời gian tới. Mưa lũ đã đi qua song thiệt hại để lại là rất lớn đối với hộ anh Pòng Văn Phúc, bản Nà Pẩu, xã Chà Tở. Đợt mưa lũ vừa qua khiến toàn bộ diện tích ao cá đã nuôi hơn 2 năm của anh Phúc bị cuốn trôi. Ngoài ra, một số diện tích lúa mùa dọc 2 bên suối Nậm Hằng bị vùi lấp.
“Ao cá nuôi 2 năm chưa được thu hoạch thì bị cuốn trôi; lúa mùa mới gieo vừa bén rễ, đẻ nhánh cùng bị nước lũ vùi lấp. Thiệt hại lớn, bất ngờ khiến tôi rất buồn song được sự động viên, hỗ trợ kịp thời của chính quyền xã, thôn bản, tôi tiếp tục tiến hành các biện pháp khắc phục thiệt hại. Theo hướng dẫn của UBND xã, tôi đã dọn rác tại các thửa ruộng và kè đá khắc phục tạm thời bờ ao để tiếp tục sản xuất” - anh Pòng Văn Phúc cho biết. Đối với huyện Điện Biên mưa lũ đã khiến 21ha lúa mùa của người dân tại 2 xã Phu Luông và Mường Lói bị vùi lấp; trong đó có 10ha thiệt hại 70% và 11ha thiệt hại 30%. Đến nay, công tác khắc phục thiệt hại đang được chính quyền cơ sở và người dân khẩn trương thực hiện.
Ông Lường Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Phu Luông cho biết: Sau khi mưa lũ kết thúc, UBND xã đã thành lập 2 tổ công tác xuống các thôn, bản để thống kê thiệt hại và hướng dẫn người dân khắc phục. Qua thống kê cho thấy, tổng diện tích lúa mùa bị thiệt hại toàn xã khoảng 20ha. Hiện nay, UBND xã đã cử cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân cách chăm sóc, phục hồi những diện tích lúa bị thiệt hại 30%. Đối với những diện tích thiệt hại 70% thì hướng dẫn bà con cải tạo đất, gieo mạ và tiến hành cấy lại. Còn những diện tích ruộng bị đất, đá vùi lấp thiệt hại 100%, bà con để lại và sẽ triển khai gieo trồng các giống cây ngắn ngày nhằm đảm bảo sản xuất, giảm thiểu thiệt hại.