Biển đảo

Một không gian vui, chia sẻ và lan tỏa tình yêu biển

Ghi chép của Ái Trinh 19/12/2024 - 10:33

(TN&MT) - Ngay sau khi Báo Tài nguyên và Môi trường phát động cuộc thi “Cùng giữ màu xanh của biển” lần thứ Hai năm 2022 - 2024, tôi đã rất háo hức. Đây không chỉ là cơ hội tốt để tôi và mọi người không chỉ được tham gia cuộc thi mà còn góp tiếng nói thay đổi nhận thức cộng đồng chung tay bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển. Có thể nói, Báo Tài nguyên và Môi trường đã tạo ra một không gian vui, chia sẻ và lan tỏa tình yêu biển.

Cuộc thi được chính thức phát động vào ngày 25/11/2022. Đến nay, tôi đã có 5 bài dự thi được đăng trên Báo Tài Nguyên và Môi trường, trong đó có một bài 5 kỳ: Mang rác về bờ để mang cá về bờ. Đặc biệt, bài đầu tiên và bài cuối cùng cách nhau hơn một năm đều đề cập đến Cồn Chim, đầm Thị Nại. Đối với tôi, khởi động và kết thúc cuộc thi một cách đầy tình cờ, đầy phép màu ấy đã tạo ra một dấu khuyên vui!

Lan tỏa tình yêu biển

Trong suốt chiều dài lịch sử, biển luôn gắn bó với đời sống của con người. Đối với những người dân sống ven biển, biển không chỉ là nguồn tài nguyên mà còn là ký ức và văn hóa. Những kỷ niệm bên bờ biển, từ những buổi chiều tắm gió đến những lần theo cha mẹ ra khơi, đã hình thành nên tình yêu biển sâu sắc. Tuy nhiên, sự ô nhiễm biển hiện nay đang đe dọa đến tài nguyên, khiến nhiệm vụ giữ gìn màu xanh của biển trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết giục giã những người yêu biển có trách nhiệm tham gia làm cho biển xanh hơn.

Đó là nỗ lực bảo tồn biển của các bạn trẻ ở Tam Tiến, Quảng Nam: anh Võ Hồng Rôn, sinh năm 1992, người khởi xướng mô hình du lịch cộng đồng; anh Vũ Thành Viên, chủ nhân của những homestay được làm từ rác tái chế; anh Võ Cao Đỉnh sáng tạo nhiều sản phẩm độc đáo được lắp ghép từ những vỏ sò, vỏ ốc. Họ đều là những người được học hành tử tế, năng động, tìm tòi hướng đi, cách làm để trở về và phát triển tại chính quê hương mình… Dịch vụ lưu trú homestay còn sơ khai nhưng luôn kín khách; quán cà phê trải nghiệm đời sống sinh vật biển; những ngôi nhà gỗ, homestay thân thiện với môi trường. Điểm chung của những mô hình này là đều do những thành viên trẻ làm nòng cốt - những ngọn hải đăng của cộng đồng với các sáng kiến bảo vệ hơn 64ha rạn san hô Bà Đậu mới được giao quyền cho tổ cộng đồng thực hiện phương án quản lý theo tinh thần Luật Thủy sản 2017. Hình ảnh các bạn ấy được chia sẻ tại bài viết Những người hết lòng với biển. Đó cũng là kỉ niệm vui của tôi khi lần đầu tiên được đặt chân đến Tam Tiến, Quảng Nam - một vùng đất đơn sơ nhưng giàu tình yêu.

anh-2.jpg
Môi trường trong sạch thu hút ngày càng đông du khách thăm quan Cồn Chim, đầm Thị Nại.

Hay nỗ lực của các “bà mụ” đỡ đẻ cho rùa biển tại làng chài Nhơn Hải, TP Quy Nhơn được thể hiện tại bài Làng chài Nhơn Hải và tình yêu rùa biển. Một làng chài bình dị như bao làng chài ven biển khác của Việt Nam, tuy nhiên, những năm gần đây, làng chài Nhơn Hải bỗng trở nên nổi tiếng, thu hút sự quan tâm của cộng đồng trong và ngoài nước bởi một điều giản dị: Tình yêu của con người với rùa biển. Chính tình yêu rùa biển của Nhơn Hải đã lan tỏa và gắn kết nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng, du khách cùng chung tay bảo tồn loài động vật hoang dã, quý hiếm này. Để rồi mỗi cá thể rùa mẹ xuất hiện trên bãi biển, rùa con chào đời khỏe mạnh... giờ đây không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của chính quyền và cộng đồng dân cư xã Nhơn Hải mà còn lan tỏa rộng rãi trên mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng, trở thành niềm hạnh phúc của tất cả mọi người - những người yêu thiên nhiên và rùa biển.

Góp phần thay đổi nhận thức cộng đồng

Từ những bài dự thi đã đăng, Cuộc thi đã tạo ra nhiều tác động xã hội nhất định; rõ ràng những nỗ lực bảo vệ môi trường biển, các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, những sự kiện cổ vũ cho các hoạt động bảo vệ môi trường biển; những hình ảnh chỉ ra nguyên nhân hủy hoại môi trường biển, hệ sinh thái biển, tác động đến con người, sinh vật, môi trường sống của muôn loài… đã được chia sẻ và lan tỏa trong cộng đồng.

Đặc biệt có bài viết đã tạo hiệu ứng thực tế rất sớm, điển hình là bài Ghé đầm Thị Nại, trăn trở Cồn Chim... được đăng vào ngày 10/8/2023. Thực tế cho thấy, sau khi Báo đăng bài, những vấn đề về rác thải ở Cồn Chim đã đánh động đến chính quyền xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, Bình Định và người dân đang sinh sống tại Cồn Chim, khiến họ cảm thấy “chạnh lòng” khi đọc bài viết và từ đó có hành động cụ thể. Anh Trần Trọng Nghĩa, sáng lập viên HTX TM& DV Cồn Chim Xanh - đơn vị tiên phong thực hiện thu gom rác vui vẻ cho biết, trước giờ chưa có bài báo nào viết về rác thải Cồn Chim nên nhiều lúc bà con cứ vứt rác ra đầm Thị Nại mà không nhận ra hành vi chưa đúng của mình. “Đặc biệt trong bài có đề cập đến các giải pháp và định hướng phát triển du lịch của Cồn Chim - một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi. Chính vì vậy, tôi đã tham khảo và thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp du lịch cộng đồng tại Cồn Chim, lấy việc bảo vệ môi trường và giữ xanh Cồn Chim là kim chỉ nam cho hoạt động của HTX”.

screenshot_1734497591.png

HTX TM&DV Cồn Chim Xanh được thành lập vào đầu năm 2024, bên cạnh hoạt động chính là du lịch, HTX đã ký hợp đồng với UBND xã Phước Sơn nhận thu gom rác thải tại Cồn Chim vào cuối tháng 5/2024. Khi biết việc này, là tác giả, tôi đã rất phấn khởi vì bài viết được đăng từ cuộc thi đã có tác động lớn. Bao thế hệ cư dân sinh sống ở Cồn Chim đều vứt rác xuống đầm thì nay ở hai bên nhà, dọc các con hẻm đã sẵn những xô, chậu đựng rác để chờ xe của HTX TM&DV Cồn Chim Xanh đến thu gom. Bà con đã đồng ý đóng phí để được thu gom rác và cùng chung tay bảo vệ môi trường đầm Thị Nại. Đối với Cồn Chim, đây là sự đổi thay kỳ diệu! Đó là sự chuyển hóa lớn với nỗ lực HTX TM&DV Cồn Chim Xanh được thể hiện tại bài Giữ Cồn Chim xanh cho sinh kế bền được đăng vào tháng 10/2024.

Và điểm phổ biến khiến tôi vui không kém là dữ liệu, thông tin từ loạt bài Mang rác về bờ để mang cá về bờ đã trở thành tài liệu phục vụ đắc lực cho nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh tham khảo học hỏi mô hình thu gom rác từ tàu cá đưa về bờ của Bình Định.

Chuỗi bài viết đi từ việc chỉ ra nguyên nhân hủy hoại môi trường biển, hệ sinh thái biển, tác động đến con người, sinh vật đến nỗ lực của các bên liên quan, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và cộng đồng ngư dân chung tay chống rác thải nhựa. Tiếp đến là hình ảnh ngư dân vui vẻ mang rác về bờ vì họ đã nhận thức được ý nghĩa của việc đang làm và hiệu quả đạt được của mô hình. Kết thúc chuỗi bài viết là ước vọng về Mai ngày cá bạc đầy khoang với những chỉ dấu thuyết phục về môi trường biển trong lành ở Bình Định như hệ sinh thái rạn san hô dần phục hồi, rùa biển, thú biển liên tục xuất hiện...

screenshot_1734497490(1).png

Đặc biệt những nhân vật trong các bài viết xem việc được xuất hiện trên Báo Tài nguyên và Môi trường là nguồn động viên lớn. Chính từ đây, nhiều người thêm hăng say làm việc, góp phần truyền cảm hứng, lan tỏa sâu rộng thông điệp vì môi trường xanh bền vững.

Cuối cùng, việc giữ màu xanh của biển không chỉ là trách nhiệm của riêng ai mà là sự chung tay của toàn xã hội. Nếu mỗi người đều nhận thức được rằng, bảo vệ biển chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta, thì việc gìn giữ màu xanh của biển sẽ trở thành một thói quen tốt, một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày.

Có thể khẳng định, Cuộc thi đã tạo không gian tuyệt vời để tôi và các tác giả gửi nhiều bài dự thi phong phú về nội dung, cách thể hiện sinh động, hấp dẫn, góc nhìn thú vị chia sẻ cảm nhận về những nét đẹp và hành động của con người với biển, qua đó bồi đắp tình yêu và niềm tự hào, góp phần xây dựng quê hương Việt Nam ngày càng giàu đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một không gian vui, chia sẻ và lan tỏa tình yêu biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO