3 năm không thành lập KBTB
Hiện nay, Việt Nam có 10 KBTB là: Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Hòn Cau, Côn Đảo, Phú Quốc… thuộc 2 loại KBTB độc lập và Hợp phần bảo tồn biển thuộc VQG. Trong đó, tổng diện tích chỉ chiếm 0.18% diện tích vùng biển Việt Nam; diện tích các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt chưa đến 10% diện tích của các KBTB.
Mặc dù KBTB mang lại nhiều lợi ích trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển…và nguồn lợi thủy hải sản; nhưng chính phủ chưa thực sự ưu tiên phát triển, chưa đầu tư đầy đủ nguồn lực tài chính để phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo, giáo dục, và chi trả một loạt các chi phí thường xuyên. Điều này dẫn đến một số lượng lớn các “khu bảo tồn biển trên giấy”, nghĩa là các khu bảo tồn chỉ tồn tại trên văn bản nhưng lại không có hoạt động thực tế.
Thống kê cho thấy, trong 3 năm từ 2016-2018 không có KBTB nào ở Việt Nam được thành lập.Các KBTB đã quy hoạch chi tiết, bàn giao nhưng đến nay vẫn chưa thành lập.
Trong khi đó, các KBTB đã thành lập đối mặt với nhiều thách thức từ hoạt động đánh bắt thủy sản theo các phương pháp hủy diệt/ không bền vững, đánh bắt bất hợp pháp diễn ra trên diện rộng. Hầu hết ở tất cả các KBTB ở Việt Nam có rất ít hoặc gần như không thấy cá rạn trong các vùng lõi của KBTB; ô nhiễm biển từ đất liền và trên biển;
Mặt khác, việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động du lịch; đặc biệt là trong các đảo vùng lõi: Cù Lao Chàm, Nha Trang, Phú Quốc, Cát Bà…Vấn đề mở rộng liên doanh, liên kết các hoạt động du lịch; hoạt động phát triển vùng bờ ở Hạ Long, Cát Bà, Hòn Cau, Nha Trang, Lý Sơn… đang là những thách thức nổi cộm với các KBTB.
Ngoài ra, có KBTB chưa có quuy hoạch Bảo tồn biển (Cát Bà); vấn đề nhân sự tài chính chưa đủ đối với một số KBTB như Cát Bà, Lý Sơn, Phú Quốc, Núi Chúa, Cồn Cỏ… cũng là tồn tại cần được giải quyết.
Phối hợp liên ngành mở rộng mạng lưới KBTB
Trước những thách thức mà các KBTB Việt Nam đang phải đối mặt, thực tế các KBTB đều tập trung vào các giải pháp chủ yếu như: đẩy mạnh các chương trình nâng cao nhận thức về cả dân trí và quan trí; tăng cường trang thiết bị, mở rộng sự tham gia của cộng đồng trong và xung quanh KBTB; Bộ NN&PTNT đưa ra các Quyết định – Thông tư phù hợp cho hoạt động của KBTB; phối hợp với các cơ quan chức năng có quyền hạn trong việc giám sát thực thi pháp luật.
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả quản lý các KBTB, bà Bùi Thị Thu Hiền – Điều phối Chương trình Biển và Vùng bờ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) khuyến nghị, Việt Nam không nên đợi đến khi có đầy đủ điều kiện về tài chính và thể chế, mà phải sử dụng hiệu quả nhất điều kiện hiện có, hợp tác với các viện nghiên cứu, NGO, cộng đồng, địa phương để thực hiện thật tốt các hoạt động ưu tiên trong điều kiện có thể. Bắt buộc phải có sự phối hợp liên ngành để hoàn thiện khung pháp lý và thể chế; có chế tài nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm tại các KBTB; xây dựng cơ chế ràng buộc về trách nhiệm đối với chính quyền địa phương.
Đồng thời, tất cả các KBTB phải xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý 5 năm, sử dụng một khung tiêu chuẩn quy định bởi Bộ NN&PTNT, làm cơ sở cho đánh giá hiệu quả quản lý theo chu kỳ 5 năm một lần. Quản lý cần được theo dõi dựa trên 2 yêú tố sự tuân thủ quy chế quản lý (hành vi của người sử dụng) và hiện trạng của các tài nguyên mục tiêu. Quy hoạch không gian biển cần có sự cân bằng giữa bảo tồn và sử dụng.
Khuyến khích sử dụng công nghệ mới (drones, VMS, etc.), sử dụng dữ liệu từ dân địa phương trong việc tuần tra tại các KBTB.
Mặt khác, cơ chế thu phí du lịch cho tất cả các KBTB là rất cần thiết cho tài chính bền vững. Có thể áp dụng cơ chế chi trả dịch vụ môi trưởng cho các hoạt động trong khu bảo tồn biển, lượng giá kinh tế cho các hệ sinh thái trong KBTB; thiết kế lại các hướng dẫn cụ thể về phân chia lợi ích bảo tồn tại các KBTB. Phổ biến rộng rãi, hệ thống hóa các tài liệu truyền thông về các vấn đề và các tác động phát triển kinh tế.