Mở nguồn năng lượng sạch

26/03/2019 11:55

(TN&MT) - Cùng với ánh nắng mặt trời, sức gió là nguồn năng lượng vô tận, món quà tặng quý giá của thiên nhiên cho con người.

nang luong tai tao
Ảnh minh họa

Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260km, từ các tỉnh duyên hải miền Trung: Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, ra đến Thanh Hóa, Hải Phòng.

Số liệu khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy, hàng năm, lượng ánh nắng mặt trời của vùng này là từ 2.000 giờ đến 2.500 giờ và riêng sức gió tạo nên điện, nếu quy thành công suất điện dùng là 513.360 MW, tương đương với hơn 213 lần công suất của Nhà máy Thủy điện Sơn La sắp đưa vào sử dụng. Việt Nam có khoảng 17.400 ha được đánh giá là thích hợp cho các dự án, công trình xây dựng phát triển năng lượng gió. Hai tỉnh Ninh Thuận và Bình thuận có tiềm năng phong điện lớn nhất, với hơn 8.000 MW.

Ưu thế dễ thấy nhất của phong điện là không tiêu tốn nhiên liệu, không gây ô nhiễm môi trường. Việc lắp đặt các trạm phong điện còn có ưu điểm là dễ chọn địa điểm và tiết kiệm đất xây dựng. Ưu điểm này còn thể hiện ở việc tránh được chi phí xây dựng đường dây tải điện do các trạm phong điện có thể đặt gần nơi tiêu thụ. Ngày nay, phong điện đã trở nên phổ biến, thiết bị được sản xuất hàng loạt, công nghệ lắp ráp đã hoàn thiện.

Những mỏm núi, đồi hoang không sử dụng được cho nông nghiệp, công nghiệp cũng có thể đặt được các trạm phong điện. Trường hợp này không cần làm trụ đỡ cao, tiết kiệm đáng kể chi phí xây dựng. Trên mái nhà cao tầng cũng có thể lắp đặt trạm phong điện, cung cấp điện cho các nhu cầu trong nhà và thậm chí cho cả thành phố. Ngay tại các khu chế xuất, khu công nghiệp cũng có thể đặt các trạm phong điện. Nếu tận dụng không gian phía trên các nhà xưởng để đặt các trạm phong điện thì sẽ giảm tới mức thấp nhất diện tích đất xây dựng và chi phí làm đường dây diện. Điện khí hóa ngành đường sắt là xu hướng tất yếu của các nước công nghiệp.

Ở Việt Nam, chỉ cần đặt với khoảng cách 10 km một trạm phong điện với công suất 4.800 kW dọc các tuyến đường sắt là đủ điện năng cho tất cả các đoàn tàu hoạt động. Tại các hải đảo như Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang)… hay vùng núi cao Mẫu Sơn (tỉnh Lạng Sơn) sẽ vươn lên những cánh quạt khổng lồ.

Nếu các dự án này trở thành hiện thực, Việt Nam sẽ có những công viên cánh quạt điện gió. Nếu Chính phủ có chính sách hỗ trợ, nâng đỡ, trợ giá, nhất là tạo điều kiện thuận lợi giúp những dự án nêu trên thành hiện thực thì chỉ tiêu: Nâng tỷ lệ điện dùng từ nguồn năng lượng tái tạo (địa nhiệt, sinh học, mặt trời, gió) lên đến 5% tổng số năng lượng quốc gia vào năm 2020, 11% vào năm 2050, là hoàn toàn khả thi.

Năng lượng gió đã được xem là một nguồn chính để sản xuất điện ở nhiều nước và hiện đã được triển khai ở 75 nước.

Ở Việt Nam, số lượng các nhà máy điện Mặt Trời dự kiến vào vận hành từ nay đến hết tháng Sáu là rất lớn (miền Bắc 6 dự án, miền Nam 54 dự án, miền Trung 28 dự án). Đây sẽ là một thách thức và áp lực lớn về tiến độ thử nghiệm, nghiệm thu. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ngày 30/6 tới đây, 98 nhà đầu tư điện Mặt Trời sẽ được hưởng mức giá bán điện 9,35 cent/kWh.

Đó là tin mừng với các nhà đầu tư điện mặt trời. Hàng chục dự án phong điện đang được triển khai tại Việt Nam cũng đang mong đón chờ tin vui như thế. Bởi, năng lượng mặt trời, phong điện thực sự là một kho báu vô tận ngay trước mắt.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở nguồn năng lượng sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO