Mô hình VP đăng ký đất đai một cấp: Hoạt động chưa ổn, hồ sơ trễ hẹn tăng cao

27/11/2016 00:00

Sau gần 5 tháng đi vào hoạt động (từ ngày 1-7-2016), mô hình Văn phòng đăng ký đất đai một cấp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa hoàn thiện và bộc lộ nhiều bất cập,...

 

Sau gần 5 tháng đi vào hoạt động (từ ngày 1-7-2016), mô hình Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) một cấp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa hoàn thiện và bộc lộ nhiều bất cập, tỷ lệ hồ sơ đất đai bị trễ hẹn lên đến gần 50%, có những thời điểm tỷ lệ trễ hẹn đến 70-80%.

Người dân nộp hồ sơ đất đai ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ một cửa UBND TP. Vũng Tàu.
Người dân nộp hồ sơ đất đai ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ một cửa UBND TP. Vũng Tàu.

HIỆU QUẢ CHƯA CAO

Trước đây, ngoài Văn phòng ĐKQSDĐ tỉnh trực thuộc Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, mỗi huyện, thành phố còn có một Văn phòng ĐKQSDĐ thuộc phòng TN-MT. Theo mô hình cũ, hồ sơ đổi, cấp lại giấy chứng nhận, chuyển nhượng, cho tặng QSDĐ của người dân được xử lý tại Văn phòng ĐKQSDĐ cấp huyện. Còn theo mô hình mới, các loại hồ sơ đất đai nói trên sau thời gian kiểm tra, thẩm định (tối đa không quá 7 ngày làm việc), sẽ được chuyển lên VPĐKĐĐ tỉnh để rà soát và trình cho Sở TN-MT ký. Sau đó, hồ sơ được chuyển về các Chi nhánh VPĐKĐĐ để trả cho người dân.

Theo báo cáo của Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, từ khi mô hình VPĐKĐĐ một cấp đi vào hoạt động, Sở TN-MT đã tiếp nhận khoảng 5.800 hồ sơ, trong đó có 2.800 hồ sơ của các tổ chức, DN, số còn lại của các hộ gia đình, cá nhân. Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu khi xử lý hồ sơ đất đai tại VPĐKĐĐ thì có khoảng 70-80% hồ sơ đất đai của hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền của Sở TN-MT bị giải quyết trễ hẹn. Hiện nay, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn mới chỉ đạt 50,94%.

Tại cuộc họp thảo luận về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội tỉnh diễn ra tháng 10-2016 do Tỉnh ủy tổ chức, ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch UBND TP. Bà Rịa cho biết, trước khi có mô hình VPĐKĐĐ một cấp, tỷ lệ hồ sơ đất đai ở địa phương trễ hẹn chỉ chiếm 5%. Nhưng từ khi hồ sơ đất đai chuyển về VPĐKĐĐ một cấp xử lý, tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn lên đến 30-40%. Tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn cao nên mức độ hài lòng của người dân về công tác CCHC của TP. Bà Rịa cũng giảm từ 99% xuống còn 93%.

Tại TP. Vũng Tàu, có đến 80% hồ sơ đất đai phải xác minh lại. Do đó, việc tập trung hồ sơ theo mô hình mới ở VPĐKĐĐ một cấp làm cho khối lượng hồ sơ quá tải nên tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn ở địa phương tăng cao. Được biết, hiện nay, mỗi tháng TP. Vũng Tàu tiếp nhận 1.600 hồ sơ đất đai. Tuy nhiên, đến nay chỉ có hơn 68% hồ sơ giải quyết đúng hẹn, còn lại gần 32% hồ sơ vẫn trễ hẹn.

Chuyên viên của  VPĐKĐĐ một cấp xử lý hồ sơ đất đai của người dân và tổ chức, DN.
Chuyên viên của VPĐKĐĐ một cấp xử lý hồ sơ đất đai của người dân và tổ chức, DN.

NHIỀU GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC

Theo ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, qua gần 5 tháng chuyển tiếp vận hành theo mô hình mới, VPĐKĐĐ một cấp vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, trước đây thủ tục cấp giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện. Tuy nhiên, từ ngày 1-7-2016, công việc này chuyển sang thuộc thẩm quyền của Sở TN-MT nên dẫn đến tình trạng quá tải trong công tác giải quyết TTHC do lượng hồ sơ rất lớn từ các huyện, thành phố chuyển về. Trong khi đó, nguồn nhân lực tại VPĐKĐĐ một cấp mới chỉ có 8 người vừa phải giải quyết hồ sơ tổ chức, DN như trước đây, vừa phải giải quyết hồ sơ hộ gia đình, cá nhân.

Cũng theo ông Lê Ngọc Linh, việc vận dụng các quy định của pháp luật về đất đai tại các chi nhánh VPĐKĐĐ cấp huyện chưa thống nhất, còn nhiều sai sót về mặt pháp lý và kỹ thuật nên hồ sơ bị ách tắc. Chẳng hạn như nhiều trường hợp hồ sơ phải trả lại do viết sai thông tin trên giấy chứng nhận do nhầm lẫn (ghi sai về địa danh thửa đất, thời hạn sử dụng đất, diện tích, nguồn gốc sử dụng đất…); thiếu thông tin xác nhận về quy hoạch, tranh chấp; thiếu các mẫu biểu theo quy định; chưa thực hiện xác nhận biến động trên giấy chứng nhận trước khi trình cấp đổi giấy chứng nhận… nên phải chuyển trả lại hồ sơ để chi nhánh chỉnh sửa. Ngoài ra, thời gian đầu, hồ sơ đất đai của hộ gia đình, cá nhân tại các chi nhánh được chuyển bằng đường bưu điện đến Sở TN-MT, sau khi có kết quả, Sở TN-MT cũng chuyển lại cho các chi nhánh bằng đường bưu điện. Thời gian để vận chuyển hồ sơ qua đường bưu điện trung bình mất ít nhất 2-3 ngày làm việc đã dẫn đến tình trạng chậm trễ trong việc trả kết quả.

VPĐKĐĐ một cấp luôn quá tải, khiến cho lượng hồ sơ đất đai tồn đọng nhiều.
VPĐKĐĐ một cấp luôn quá tải, khiến cho lượng hồ sơ đất đai tồn đọng nhiều.

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên, hiện Sở TN-MT đang triển khai luân chuyển, giải quyết hồ sơ trên phần mềm Vilis 2.0 thông qua đường truyền cơ sở dữ liệu T78. Đây là phần mềm nhằm bảo đảm hồ sơ đất đai được vận chuyển nhanh chóng, an toàn, thuận tiện, giúp rút ngắn thời gian giải quyết TTHC và tiết giảm được chi phí vận chuyển hồ sơ qua đường bưu điện. Song song đó, hiện ngành TN-MT cũng đang triển khai việc sử dụng phần mềm Villis 2.0 và áp dụng đường truyền điện tử để trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và cơ quan quản lý đất đai trong việc xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của người sử dụng đất trên địa bàn huyện Long Điền, Châu Đức. Dự kiến trong quý II-2017 sẽ hoàn thành phần mềm Vilis 2.0 và đường truyền điện tử để triển khai rộng rãi trên địa bàn các huyện, thành phố còn lại. Ngoài ra, nhằm rút ngắn thời gian hao phí cho việc vận chuyển, Sở TN-MT đã chỉ đạo ngoài việc vận chuyển qua đường bưu điện, các Chi nhánh VPĐKĐĐ phải bố trí nhân viên thường trực nhiệm vụ luân chuyển hồ sơ giữa chi nhánh và VPĐKĐĐ một cấp để tránh ách tắc hồ sơ.

Bên cạnh các giải pháp về kỹ thuật, để nâng cao tỷ lệ hồ sơ đúng hẹn, Sở TN-MT còn tăng cường nhân sự cho VPĐKĐĐ một cấp trên cơ sở điều chuyển viên chức, người lao động tại các chi nhánh cấp huyện về nhận nhiệm vụ tại VPĐKĐĐ một cấp để giải quyết tình trạng quá tải do lượng hồ sơ của hộ gia đình, cá nhân và các nhiệm vụ khác phát sinh. “Chúng tôi phấn đấu từ nay đến cuối năm 2016 sẽ nâng tỷ lệ giải quyết đúng hạn hồ sơ đất đai của hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở TN-MT lên 80%”, ông Lê Ngọc Linh cho biết.

Từ ngày 1-1-2016 đến ngày 16-11-2016, Sở TN-MT tiếp nhận 5.623 hồ sơ đất đai của các hộ gia đình, cá nhân. Hiện Sở TN-MT đã giải quyết 5.208 hồ sơ, trong đó 2.653 hồ sơ giải quyết đúng hạn (tỷ lệ 50,94%); 2.555 hồ sơ giải quyết quá hạn (tỷ lệ 49,06%); 377 hồ sơ đang giải quyết; 38 hồ sơ trả lại do không đủ điều kiện hoặc do người sử dụng đất tự rút hồ sơ.

 

 

Theo Báo Bà Rịa – Vũng Tàu

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mô hình VP đăng ký đất đai một cấp: Hoạt động chưa ổn, hồ sơ trễ hẹn tăng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO