Việc cấp phép cho mỏ đá hoạt động ngay sát khu dân cư như vậy có đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định hay không? Trách nhiệm thuộc về ai?
Trao đổi với phóng viên, bà Hằng Thị Chu trú tại bản Tre Bó cho biết: Vào chiều ngày 30/11/2022, khi công nhân của mỏ đá giật kíp nổ, đá bay sang bên khu dân cư và rơi thẳng vào mái nhà bà. Người cháu của bà đang ngồi trong nhà cũng bị mảnh đá rơi ngay sát người, may mắn là đá không rơi vào đầu. Thời điểm phóng viên có mặt tại hiện trường, đống mái ngói vỡ vẫn còn nguyên, được gia đình quét vun lại dưới sàn nhà để chờ các cơ quan chức năng đến giải quyết.
Tiếp tục theo lời tố cáo của người dân, phóng viên đã sang nhà anh Hờ A Xúa (dân tộc Mông) sinh sống cạnh nhà bà Chu. Anh Xúa cho biết: Lúc đó, anh đang ngồi trong nhà, bỗng dưng có tiếng mìn nổ lớn, rồi sau đó anh thấy một cục đá to đập vào mái nhà. Hốt hoảng, anh chạy vội sang nhà khác trú ẩn. Một lúc sau mới dám về thì phát hiện ra mái nhà đã thủng. Cực chẳng đã, anh chỉ biết báo cáo lên Trưởng thôn để đề nghị can thiệp.
Quan sát tại hiện trường khu mỏ, phóng viên được Trưởng bản Tráng A Lủng cho biết: Không hiểu cơ quan chức năng nào cấp phép cho mỏ đá lại sát khu dân cư đến vậy. Sau khi được người dân trong thôn “cấp báo”, anh Lủng cùng bà con nhân dân đã kiến nghị lên UBND xã để đề nghị giải quyết. Cũng theo anh Lủng, có một con đường của bản hiện đã bị HTX Phương Nhung lấy làm lối vào khu mỏ và thường xuyên khóa cổng khiến cho bà con rất bức xúc do không qua lại được lối này.
Trao đổi với phóng viên về tình trạng nổ mìn tại mỏ đá Phương Nhung làm bay đá vào nhà dân, ông Lò Văn Lun - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết: Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Lãnh đạo UBND xã Phúc Than đã xuống hiện trường kiểm tra sự việc.
Theo vị Phó Chủ tịch xã, có 10 hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi vụ nổ mìn với mức độ thiệt hại khác nhau. Xã đã yêu cầu HTX Phương Nhung phải khắc phục bằng hình thức đền bù và yêu cầu cam kết không “tái phạm”. Nếu “tái phạm”, xã sẽ không đứng ra giải quyết mà HTX phải tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Phóng viên tiếp tục hỏi giấy phép khai thác của HTX Phương Nhung có còn thời hiệu, thời hạn hay không? Xã có kiểm tra giấy phép không thì ông Lun cho biết: Đây là HTX hoạt động khá lâu trên địa bàn huyện Than Uyên. Còn ông Lun mới chuyển công tác về đây một thời gian nên chưa nắm được tình hình cụ thể về giấy phép. Vị lãnh đạo này cho hay, có gì sẽ trao đổi sau.
Qua điều tra, phóng viên được biết: Mỏ đá đang hoạt động tại bản Tre Bó là của HTX Phương Nhung do bà Hoàng Thị Nhung làm đại diện pháp luật. Trụ sở của HTX đặt tại khu 2, thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Nhiều công trình trọng điểm của huyện thường xuyên dùng đá của mỏ này. Đặc biệt, việc khai thác đá tại đây đã gây ra tiếng ồn và ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sống trong khu vực.
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Thu Phương (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích: Trong quy định cấp mỏ đã nêu rất rõ, việc khai thác mỏ phải đảm bảo an toàn cho người dân, và có khoảng cách an toàn đối với khu dân cư. Tuyệt đối không để tình trạng nguy hiểm đối với người dân. Nếu vi phạm, phải có chế tài nghiêm khắc…
Đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Lai Châu xem xét, làm rõ để đảm bảo an toàn cho người dân, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.