Minh bạch thông tin

Thiên Trường| 10/03/2020 12:15

(TN&MT) - Bài học về công khai minh bạch thông tin, đưa ra những cảnh báo kịp thời về vùng nguy hiểm vẫn còn nguyên giá trị khi mà sức khỏe của người dân không phải là thứ có thể coi thường.

Các sự cố môi trường hay những diễn biến bất thường về chất lượng không khí thời gian qua, để lại nhiều bài học đắt giá. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hậu quả nghiêm trọng khi các vụ việc xảy ra, song, chủ yếu là do những sơ xuất, bất cập trong phòng ngừa, năng lực và hiệu quả hạn chế ứng phó, khắc phục.

Nhìn ở một góc độ khác, từ các vụ việc, chúng ta thấy, ở đó luôn có những luồng dư luận khác nhau xuất hiện trên mạng xã hội, trở thành “đất diễn” cho các thông tin không đúng tha hồ làm mưa làm gió, trong sự hoang mang của người dân. Điều đáng nói, khi để xảy ra các vụ việc, các cơ quan chức năng lại chậm trễ trong công bố thông tin, chưa chủ động đánh giá và có biện pháp kịp thời khắc phục, điều này dễ gây xói mòn niềm tin của nhân dân vào các cơ quan công quyền được giao trọng trách quản lý.

Đơn cử, như để xác định thành phần các chất độc hại trong không khí, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của nó đến đâu mà mất tới cả hàng tuần trời, thậm chí, mỗi lần nhắc đến lại thành chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” quả là đáng ngại. Có vẻ như những thủ tục đâu đó vẫn đang được thực hiện đúng “quy trình” trong khi cách đối phó với sự cố, hay những diễn biết bất thường của môi trường cần thông tin kịp thời hơn thế.

Rõ ràng, chúng ta sẽ mất nhiều thời gian để tái thiết, để hồi sinh một vùng đất qua thảm họa môi trường. Nhưng sẽ mất bao lâu để có thể quên được những việc mà đáng lẽ được thông tin kịp thời, xử lý tốt hơn thì hậu quả không nặng nề và đỡ khủng hoảng hơn?!

Không phải nói đâu xa, ngay chuyện công bố thông tin chất lượng môi trường không khí tại nhiều đô thị lớn trên cả nước đã khiến nhiều người băn khoăn và có những phản ứng khác nhau. Một số đô thị đã chủ động thông tin chất lượng không khí lên Cổng thông tin của tỉnh/thành phố. Nhưng cùng với đó, cũng có rất nhiều kênh khác nhau đưa ra thông tin quan trắc và đánh giá môi trường không khí, trên các trang web, bản đồ ô nhiễm môi trường, các app thông tin chưa rõ mức độ tin cậy.

Cần minh bạch thông tin môi trường. (Ảnh minh họa)

Lẽ tất nhiên, khi có quá nhiều thông tin khác nhau được công bố sẽ gây nhiễu loạn, đồng thời, tạo ra nhiều cách phản ứng khác nhau trong người tiếp nhận. Người quá nhạy cảm thì lo lắng hoang mang, còn người thận trọng thì trở nên hoài nghi tất cả.

Cả hai thái cực trên đều không tốt, nếu không muốn nói là có thể cản trở những nỗ lực truyền thông nhằm xây dựng một nhận thức đúng đắn về thực trạng chất lượng môi trường nói chung, trong đó, có chất lượng không khí nói riêng, cũng như các hành động để cải thiện tình hình.

Điều đó có thể không xảy ra, nếu như cơ quan chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về môi trường ở các thành phố chủ động cung cấp thông tin chính thống cho người dân về thực trạng môi trường. Thành phố đang sử dụng hệ thống quan trắc như thế nào? Mức độ hiện đại và chính xác đến đâu so với thế giới? Các trạm quan trắc hoặc vị trí đặt máy đo ở đâu, có đủ đại diện để đánh giá được tương đối chính xác về tổng quan môi trường ở cả khu vực đó hay chưa? Và với các chỉ số quan trắc như vậy, người dân được khuyến cáo ra sao?

Việc công bố thông tin kết quả quan trắc chất lượng môi trường quá muộn sẽ không có nhiều ý nghĩa cho việc bảo vệ sức khỏe của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Minh bạch thông tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO