Miền Trung: Tăng cường phối hợp ứng phó với biến đổi khí hậu

30/10/2014 00:00

(TN&MT) - Miền Trung là nơi chịu ảnh hưởng lớn từ BĐKH. Nếu không có những giải pháp ngay từ bây giờ thì hậu quả của BĐKH đối với khu vực này rất nghiêm trọng.

(TN&MT) - Miền Trung là một trong những nơi chịu ảnh hưởng rất lớn từ biến đổi khí hậu (BĐKH). Nếu không có những giải pháp ngay từ bây giờ thì hậu quả của BĐKH đối với khu vực này rất nghiêm trọng.
   
   
Đối mặt với hiểm họa từ BĐKH
   
  Qua thực tiễn cho thấy, miền Trung là khu vực đã và đang chịu ảnh hưởng ít nhất của 8 loại hình do thiên tai gây ra bao gồm: Bão, lũ (kể cả lũ quét), lụt, hạn hán, sạt lở đất, lốc, xâm nhập mặn và xói lở bờ sông. Trong đó, bão, lũ lụt, nước biển dâng luôn là mối đe dọa rất lớn.
   
  Có thể nói, lũ lụt là một trong những thảm họa gây thiệt hại lớn nhất mà các nhà quy hoạch và người dân miền Trung đang phải đối mặt. Thống kê cho thấy, trong năm 2013, bão lũ đã làm 9.035 nhà bị sập trôi, trong đó nhiều nhất là tỉnh Quảng Nam với gần 4.800 nhà. Bão số 11 đổ bộ vào các tỉnh thành miền Trung gồm: Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Cơn bão đã làm 20 người chết, trong đó Quảng Bình có 12 người, Quảng Nam 6 người, Thừa Thiên Huế 2 người và 296 người bị thương. Mặc khác, do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão gây mưa lớn, một số hồ thủy điện xả lũ, các tỉnh miền Trung lại tiếp tục bị nhấn chìm. Tổng thiệt hại theo thống kê đã vượt con số 2.500 tỉ đồng.
   
  Ngoài ra, tình trạng nước biển dâng và không ổn định ở vùng ven biển miền Trung ngày càng diễn biến phức tạp. Vì vậy những năm gần đây, tình hình bờ biển bị xâm thực xảy ra nhiều hơn, đe dọa các khu dân cư và cơ sở hạ tầng dọc bờ biển thường xuyên hơn.
   
  Đã nhiều năm qua, cứ đến mùa mưa bão, người dân các địa phương sống dọc ven biển miền Trung luôn rơi vào trạng thái lo lắng bởi nhà cửa, đất đai và nhiều tài sản khác có nguy cơ bị sóng cuốn ra biển. Điển hình là hơn 100 hộ dân sống dọc biển Nam Ô (TP. Đà Nẵng), hay TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) tốn hàng chục tỷ đồng để đầu tư kè chống biển xâm thực mỗi năm. Tiền thì liên tục đổ xuống nhưng biển ngày càng “gặm” sâu vào đất liền. Hoặc diện tích đất trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) ngày càng bị thu hẹp do biển xâm thực “ăn” đất trên đảo. Chỉ trong vòng 40 năm, hòn đảo này mất 1km2. Là một trong những địa phương có hệ thống đê nhiều nhất miền Trung, tỉnh Bình Định cũng gặp những khó khăn tương tự. Phần lớn tuyến đê của tỉnh đã bị xuống cấp,có nhiều đoạn bị sạt lở sâu vào thân đê, đe dọa cuộc sống của hàng ngàn hộ dân khi cómưa bão.
   
  Những tác động của BĐKH kéo theo những biến động sâu sắc về môi trường tự nhiên và kinh tế - xã hội nêu trên không những có ảnh hưởng đến sự phát triển miền Trung mà còn tác động tiêu cực đối với cả nước.
   
Hợp tác tìm giải pháp ứng phó BĐKH
   
  Miền Trung đang đứng trước nhiều lo ngại do BĐKH trong tương lai sẽ xảy ra nhiều hơn và nặng nề hơn. Vì vậy, cần có những hành động cụ thể nhằm thay đổi nhận thức đến từng người dân, tăng cường phối hợp giữa các địa phương trong khu vực nhằm phòng ngừa và thích ứng với các rủi ro.
   
  Hiện nay, việc tổ chức các chương trình tọa đàm, hội thảo liên quan đến BĐKH luôn thu hút nhiều chuyên gia trên thế giới và trong nước tham gia. Qua đó, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế từ các mô hình thích nghi với BĐKH. Đơn cử như: Nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH cho người dân đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (tỉnh Thừa Thiên Huế); BĐKH và phát triển kinh tế xanh ở tỉnh Khánh Hòa; ứng dụng mô hình Mike Flood mô phỏng ngập lụt TP. Đà Nẵng có xét đến BĐKH và nước biển dâng; tác động của BĐKH đến tài nguyên – môi trường, kinh tế - xã hội và các giải pháp ứng phó của thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam).
   
  Cần tăng cường khả năng chống chịu rủi ro, không chỉ của một địa phương riêng lẻ mà còn của cả khu vực. Đẩy mạnh sự hợp tác và điều phối liên vùng để có thông tin, số liệu được cập nhật liên quan đến BĐKH và nước biển dâng ở Việt Nam, trong đó có khu vực miền Trung. Hợp tác trong công tác đào tạo nguồn nhân lực và điều tra nghiên cứu những đề tài khoa học đặt ra cho khu vực. Đồng thời, tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong việc thực hiện các giải pháp ứng phó và thích nghi với BĐKH mang tính phối hợp trong khu vực.
   
  Ứng phó với BĐKH, quản lý và bảo vệ tài nguyên có ý nghĩa sống còn; là nhân tố quyết định đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc. Do vậy, nâng cao nhận thức, vai trò của cộng đồng, trách nhiệm của Nhà nước; đồng thời đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ; tập trung nguồn lực cho kinh tế - xã hội là những giải pháp lâu dài nhằm chủ động ứng phó với BĐKH ngày càng phức tạp.
   
Bài và ảnh:NI NA
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miền Trung: Tăng cường phối hợp ứng phó với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO