Nỗ lực xóa “điểm đen”, cơ sở ô nhiễm
Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh (Đà Nẵng) từng là một trong những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ÔNMTNT) trên toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để. Đến nay, KCN đã đầu tư và hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải về trạm xử lý nước thải (XLNT) đạt tiêu chuẩn QCVN 40:2011 để xử lý trước khi xả ra môi trường. Các doanh nghiệp có lượng nước thải lớn đều có hệ thống XLNT sản xuất sơ bộ trước khi đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải KCN; hoàn thành xây dựng hố ga trung gian nước mưa, nước thải ngoài tường rào doanh nghiệp và đặt biển báo….
Số liệu theo dõi của Tổng cục Môi trường cho thấy, đến cuối năm 2021, cả nước đã có 370/435 cơ sở có tên tại Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hoàn thành xử lý triệt để, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chiếm tỷ lệ 85%. Trong đó, 35/50 địa phương hoàn thành trên 70%; 24/50 địa phương hoàn thành kế hoạch 100% (điển hình như Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên)... Đồng thời, các cơ sở đã có ý thức trong việc triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chủ động thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm.
Ô nhiễm môi trường được cải thiện, KCN Hòa Khánh đã không còn nằm trong danh sách cơ sở ÔNMTNT (theo Báo cáo 119/BC-BTNMT ngày 13/12/2021 của Bộ TN&MT) và là 1 trong 3 KCN tiên phong của cả nước đang thí điểm xây dựng KCN sinh thái, phát triển bền vững.
Ông Võ Nguyên Chương - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cho biết, đến nay, 21/23 cơ sở ÔNMTNT theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thuộc thẩm quyền của thành phố đã hoàn thành thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động. Có được kết quả này là nhờ thời gian qua, TP. Đà Nẵng ban hành hàng loạt các chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trong đó, có những chính sách tiên phong trên cả nước về xử lý triệt để và phòng ngừa tối đa phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường mới.
“Song song với công tác xử lý dứt điểm các cơ sở ÔNMTNT, di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư; giao các địa phương rà soát danh sách trên địa bàn để đề xuất bố trí vào các cụm, KCN sẽ hình thành, Đà Nẵng đặc biệt chú trọng thu gom, xử lý chất thải, cải thiện ô nhiễm kênh hồ nội thành, xóa bỏ “điểm đen” ô nhiễm thành các mảng xanh phục vụ người dân”, ông Chương cho biết.
Cần giải pháp mạnh mẽ hơn cho bài toán ô nhiễm biển
Tuy nhiên, miền Trung với đặc điểm là các địa phương ven biển, người dân mưu sinh chủ yếu từ hoạt động khai thác, chế biến thủy hải sản, do vậy, thực trạng ô nhiễm về rác thải, nước thải và mùi hôi tại các cảng cá đang là nỗi ám ảnh bức xúc của người dân và có nguy cơ trở thành “điểm nóng” về môi trường cho khu vực.
Kết quả điều tra, đánh giá năm 2021 và 2022 về công tác bảo vệ môi trường tại các cảng cá thuộc 9 tỉnh, thành khu vực miền Trung của Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên cho thấy, ô nhiễm môi trường đang là một vấn đề nổi cộm, điển hình như tình trạng ô nhiễm môi trường tại cảng cá Hòn Rớ, Vĩnh Lương (Khánh Hòa), Quy Nhơn, Tam Quan (Bình Định), Phú Lạc (Phú Yên)… Rác thải, túi ni lông, thùng xốp,… chứa hải sản từ cảng cá và khu vực xung quanh cảng cá được “vô tư” đổ xuống biển, từ ngày này qua ngày khác, từ năm này qua năm khác, tích tụ lại khiến biển ven cảng trở thành túi rác chứa một lượng lớn rác thải khó tiêu hủy.
Nhức nhối nhất vẫn là tình trạng ô nhiễm nước thải do các cảng cá chưa được đầu tư hệ thống XLNT đạt chuẩn. Kết quả điều tra cho thấy, có 25/33 cảng cá được khảo sát (tỉ lệ 75%) chưa có hệ thống thu gom nước thải thủy sản hoàn chỉnh riêng biệt, còn lẫn với hệ thống thu gom nước mưa nên phần lớn nước thải chưa qua xử lý được thải ra ngoài môi trường. Vì không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải nên toàn bộ nước sơ chế hải sản, nước rửa tàu thuyền đều được đổ xuống biển khiến môi trường nước ven bờ xung quanh luôn trong tình trạng ô nhiễm, bốc mùi hôi thối. Theo kết quả quan trắc chất lượng nước biển do Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên và Trung tâm Quan trắc miền Trung và Tây Nguyên thực hiện, nhiều mẫu nước biển ven bờ tại các cảng cá... đều có thông số Amoni, Phosphat, dầu mỡ khoáng vượt tiêu chuẩn cho phép.
Theo đại diện Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên, nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm dai dẳng tại các cảng cá là chưa được sự quan tâm của chính doanh nghiệp và các cơ quan quản lý. Tồn tại lớn nhất hiện nay là công tác thu gom xử lý nước thải và xử lý mùi. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách dành cho quản lý cảng cá còn nhiều bất cập, hiện các Ban quản lý cảng cá là đơn vị tự chủ tài chính (tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên) nhưng đặc thù lĩnh vực hoạt động của cảng cá lại mang tính chất của đơn vị công ích, dẫn đến nhiều khó khăn trong việc bố trí kinh phí duy trì các hoạt động bảo vệ môi trường.
Từ thực trạng trên, có thể thấy, để tránh tạo “điểm nóng” về môi trường, ảnh hưởng đến sự phát triển của nhiều ngành nghề khác như nuôi trồng thủy sản, du lịch... công tác môi trường tại miền Trung cần hệ thống giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn, đồng thời, cần được quan tâm đầu tư đồng bộ, trong đó, có cả vấn đề về vận hành đơn vị quản lý.