Miền Trung: Quyết liệt kiểm soát ô nhiễm - Cải thiện chất lượng môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 12:58, 13/12/2022

(TN&MT) - Xử lý triệt để 100% các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tích cực xóa bỏ điểm đen, “điểm nóng” ô nhiễm, tăng cường giám sát, ngăn chặn các điểm ô nhiễm phát sinh mới… nhiều địa phương ở miền Trung đã và đang hành động mạnh mẽ, tạo chuyển biến tích cực trong công tác môi trường, cải thiện môi trường sống cho người dân, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Nỗ lực xóa “điểm đen”, cơ sở ô nhiễm

Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh (Đà Nẵng) từng là một trong những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ÔNMTNT) trên toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để. Đến nay, KCN đã đầu tư và hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải về trạm xử lý nước thải (XLNT) đạt tiêu chuẩn QCVN 40:2011 để xử lý trước khi xả ra môi trường. Các doanh nghiệp có lượng nước thải lớn đều có hệ thống XLNT sản xuất sơ bộ trước khi đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải KCN; hoàn thành xây dựng hố ga trung gian nước mưa, nước thải ngoài tường rào doanh nghiệp và đặt biển báo….

8-9-6-.jpg

Số liệu theo dõi của Tổng cục Môi trường cho thấy, đến cuối năm 2021, cả nước đã có 370/435 cơ sở có tên tại Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hoàn thành xử lý triệt để, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chiếm tỷ lệ 85%. Trong đó, 35/50 địa phương hoàn thành trên 70%; 24/50 địa phương hoàn thành kế hoạch 100% (điển hình như Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên)... Đồng thời, các cơ sở đã có ý thức trong việc triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chủ động thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm.

Ô nhiễm môi trường được cải thiện, KCN Hòa Khánh đã không còn nằm trong danh sách cơ sở ÔNMTNT (theo Báo cáo 119/BC-BTNMT ngày 13/12/2021 của Bộ TN&MT) và là 1 trong 3 KCN tiên phong của cả nước đang thí điểm xây dựng KCN sinh thái, phát triển bền vững.

Ông Võ Nguyên Chương - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cho biết, đến nay, 21/23 cơ sở ÔNMTNT theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thuộc thẩm quyền của thành phố đã hoàn thành thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động. Có được kết quả này là nhờ thời gian qua, TP. Đà Nẵng ban hành hàng loạt các chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trong đó, có những chính sách tiên phong trên cả nước về xử lý triệt để và phòng ngừa tối đa phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường mới.

“Song song với công tác xử lý dứt điểm các cơ sở ÔNMTNT, di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư; giao các địa phương rà soát danh sách trên địa bàn để đề xuất bố trí vào các cụm, KCN sẽ hình thành, Đà Nẵng đặc biệt chú trọng thu gom, xử lý chất thải, cải thiện ô nhiễm kênh hồ nội thành, xóa bỏ “điểm đen” ô nhiễm thành các mảng xanh phục vụ người dân”, ông Chương cho biết.

Cần giải pháp mạnh mẽ hơn cho bài toán ô nhiễm biển

Tuy nhiên, miền Trung với đặc điểm là các địa phương ven biển, người dân mưu sinh chủ yếu từ hoạt động khai thác, chế biến thủy hải sản, do vậy, thực trạng ô nhiễm về rác thải, nước thải và mùi hôi tại các cảng cá đang là nỗi ám ảnh bức xúc của người dân và có nguy cơ trở thành “điểm nóng” về môi trường cho khu vực.

Kết quả điều tra, đánh giá năm 2021 và 2022 về công tác bảo vệ môi trường tại các cảng cá thuộc 9 tỉnh, thành khu vực miền Trung của Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên cho thấy, ô nhiễm môi trường đang là một vấn đề nổi cộm, điển hình như tình trạng ô nhiễm môi trường tại cảng cá Hòn Rớ, Vĩnh Lương (Khánh Hòa), Quy Nhơn, Tam Quan (Bình Định), Phú Lạc (Phú Yên)… Rác thải, túi ni lông, thùng xốp,… chứa hải sản từ cảng cá và khu vực xung quanh cảng cá được “vô tư” đổ xuống biển, từ ngày này qua ngày khác, từ năm này qua năm khác, tích tụ lại khiến biển ven cảng trở thành túi rác chứa một lượng lớn rác thải khó tiêu hủy.

8-9-5-.jpg

Nhà máy thuốc lá Đà Nẵng từng là cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng đã dừng hoạt động sản xuất để bảo đảm cuộc sống tốt hơn cho người dân.

Nhức nhối nhất vẫn là tình trạng ô nhiễm nước thải do các cảng cá chưa được đầu tư hệ thống XLNT đạt chuẩn. Kết quả điều tra cho thấy, có 25/33 cảng cá được khảo sát (tỉ lệ 75%) chưa có hệ thống thu gom nước thải thủy sản hoàn chỉnh riêng biệt, còn lẫn với hệ thống thu gom nước mưa nên phần lớn nước thải chưa qua xử lý được thải ra ngoài môi trường. Vì không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải nên toàn bộ nước sơ chế hải sản, nước rửa tàu thuyền đều được đổ xuống biển khiến môi trường nước ven bờ xung quanh luôn trong tình trạng ô nhiễm, bốc mùi hôi thối. Theo kết quả quan trắc chất lượng nước biển do Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên và Trung tâm Quan trắc miền Trung và Tây Nguyên thực hiện, nhiều mẫu nước biển ven bờ tại các cảng cá... đều có thông số Amoni, Phosphat, dầu mỡ khoáng vượt tiêu chuẩn cho phép.

Theo đại diện Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên, nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm dai dẳng tại các cảng cá là chưa được sự quan tâm của chính doanh nghiệp và các cơ quan quản lý. Tồn tại lớn nhất hiện nay là công tác thu gom xử lý nước thải và xử lý mùi. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách dành cho quản lý cảng cá còn nhiều bất cập, hiện các Ban quản lý cảng cá là đơn vị tự chủ tài chính (tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên) nhưng đặc thù lĩnh vực hoạt động của cảng cá lại mang tính chất của đơn vị công ích, dẫn đến nhiều khó khăn trong việc bố trí kinh phí duy trì các hoạt động bảo vệ môi trường.

Từ thực trạng trên, có thể thấy, để tránh tạo “điểm nóng” về môi trường, ảnh hưởng đến sự phát triển của nhiều ngành nghề khác như nuôi trồng thủy sản, du lịch... công tác môi trường tại miền Trung cần hệ thống giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn, đồng thời, cần được quan tâm đầu tư đồng bộ, trong đó, có cả vấn đề về vận hành đơn vị quản lý.

8-9-3-.jpg

Ông Nguyễn Trường Khoa - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị:

Còn nhiều khó khăn trong công tác xử lý triệt để các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Bằng nỗ lực địa phương trong việc tìm kiếm giải pháp, nguồn vốn xóa bỏ các điểm gây ô nhiễm môi trường, đồng thời, được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ TN&MT, đến nay, Quảng Trị đã xử lý được 25 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật, 7 bãi rác ô nhiễm và 3 làng nghề, 3 bệnh viện và 26 cơ sở sản xuất kinh doanh đã thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh còn 34 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật, 2 bãi rác, 4 chợ, 3 lò giết mổ và 1 cơ sở sản xuất kinh doanh ô nhiễm môi trường chưa được xử lý. 

Quá trình xử lý các điểm ô nhiễm vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc hỗ trợ chuyển giao công nghệ xử lý ô nhiễm, đặc biệt, xử lý tại các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật còn hạn chế dẫn đến lúng túng trong việc tìm kiếm công nghệ xử lý. Ngoài ra, trong quá trình triển khai xử lý ô nhiễm, sự đồng tình, ủng hộ của người dân đối với một số dự án chưa cao gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án. 

Nhằm đốc thúc, đẩy nhanh tiến độ xử lý ô nhiễm của các cơ sở, Sở đã tổ chức 2 đợt kiểm tra, rà soát; đồng thời, ban hành nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở khẩn trương triển khai thực hiện xử lý ô nhiễm. Tỉnh cũng đã tiến hành lập các dự án xử lý cho các bãi rác, điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật và đề xuất bố trí, hỗ trợ vốn cho các dự án xử lý. Mặt khác, Sở đã tiến hành lập các dự án xử lý trình Bộ TN&MT tiếp tục xem xét, hỗ trợ cho địa phương.

8-9-4-.jpg

Ông Đặng Ngọc Anh - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Phú Yên:

Xây dựng điểm đến xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường

Trong năm 2023, Sở TN&MT Phú Yên tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch phấn đấu xây dựng tỉnh Phú Yên trở thành điểm đến xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường... Công tác thẩm định hồ sơ về môi trường được thực hiện đúng quy trình và thời gian, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 54 hồ sơ, trong đó, đã tổ chức thẩm định và trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt 27 hồ sơ, các hồ sơ còn lại đang trong thời gian thẩm định. 

Để kiểm soát ô nhiễm và ngăn chặn các “điểm nóng” phát sinh mới, Sở TN&MT tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường. Tiếp tục quản lý kết quả quan trắc tự động liên tục trên địa bàn tỉnh để theo dõi các cơ sở có nguồn nước thải lớn. 

Ngoài ra, địa phương cũng chú trọng theo dõi chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp để xử lý kịp thời các vấn đề môi trường phát sinh. Tiếp tục tăng cường hợp tác với các Tổ chức quốc tế triển khai thực hiện các dự án, giải pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Sở tích cực tham gia hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện tiêu chí về môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới; triển khai các hoạt động của Tổ phát triển bền vững tài nguyên và môi trường. Lập các thủ tục để thực hiện Dự án Thống kê, phân loại, đánh giá về nguồn và lượng chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn tỉnh.

8-9-2-.jpg

Ông Phan Lam Sơn - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh:

Quyết tâm xử lý 95% lượng rác thải sinh hoạt

Hà Tĩnh hiện có 12 khu xử lý rác thải đang hoạt động với tổng công suất thiết kế là 669,25 tấn/ngày. Tuy nhiên, công suất thực tế chỉ đạt khoảng 371,6 tấn/ngày, chủ yếu là công nghệ đốt nên không đảm bảo cho xử lý lượng rác thải phát sinh hiện nay. Do đó, tình trạng rác thải sinh hoạt đổ tràn lan, ùn ứ gây bất ổn đời sống dân sinh xảy ra ở nhiều địa phương như Hương Khê, Đức Thọ, Nghi Xuân, Lộc Hà được xem là “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường. 

Số liệu thống kê từ các địa phương, năm 2021, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn Hà Tĩnh 716 tấn/ngày (đô thị 199,3 tấn/ngày, chiếm 27,8%, nông thôn 516,7 tấn/ngày, chiếm 72,2%). Lượng rác được thu gom, vận chuyển để xử lý 505,5 tấn/ngày, đạt 70,6% so với lượng phát sinh (ở nông thôn đạt 65,9%; đô thị đạt 82,7%). 

Trước tình hình đó, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện nhiều hoạt động xử lý rác thải, góp phần tạo chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, Hà Tĩnh khuyến khích đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn, đặc biệt là dự án tái chế, tái sử dụng chất thải công nghiệp từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các dự án tại các vùng trọng điểm phát triển kinh tế trong tỉnh. Đến năm 2025, Hà Tĩnh đặt quyết tâm đảm bảo xử lý tối thiểu 95% chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn. Trong đó, đẩy mạnh công tác thu gom, phân loại, xử lý tại nguồn giảm tối thiểu 35% rác thải cần đưa đi xử lý ở khu vực nông thôn, 10% ở đô thị.

Lan Anh