Mặc dù các nguồn tin thủy văn cho biết nửa đầu tháng 10/2020, do ảnh hưởng của bão số 6 nên lượng mưa có gia tăng từ Đông Bắc Thái Lan và Trung - Nam Lào xuống vùng hạ châu thổ Mekong. Thực tế, lưu lượng nước Mekong đổ vào hai chỉ lưu (sông Tiền, sông Hậu) của miền Tây từ đầu tháng 10 đến nay có chuyển biến nhanh, cao hơn nhưng vẫn còn dưới mức báo động 1.
Vào lúc 9 giờ sáng ngày 19/10, Ban Quản lý dự án xây dựng NN&PTNT tỉnh An Giang vận hành mở cống Trà Sư xả lũ vào tiểu vùng Tứ Giác Long Xuyên |
Theo Sở NN&PTNT An Giang, so cùng kỳ năm trước lũ về muộn 1 tháng và thấp hơn. Vào thời điểm vận hành mở cống Trà Sư xả lũ vào tiểu vùng Tứ Giác Long Xuyên, mực nước phía trên cống (thượng nguồn) là 2,2m, phía dưới cống (hạ nguồn) là 2m. Thập thấp hơn mức trung bình nhiều năm, thấp hơn cùng kỳ năm trước là 1,08m ở thượng nguồn, thấp hơn 0,18m ở hạ nguồn.
Vào thời điểm đó, triều cường dâng cao, các địa phương ven biển và vùng giữa miền Tây do ảnh hưởng bão, lượng mưa nội vùng gia tăng, kết hợp triều cường đã gây ngập lụt nặng nề. Mực nước trên sông hậu đo tại Cần Thơ ngày 18/10 là 2,15m, ngày 19/10 là 2,17m, tương đường cùng kỳ năm trước. Nhiều đoạn đường liên thông giữa các tỉnh bị ngập sâu. Riêng TP. Cần Thơ - đô thị trung tâm miền Tây, có tới 130 tuyến đường bị ngập từ 0,2 - 0,5m. Việc lưu thông, sinh hoạt, mua bán của người dân bị ảnh hưởng trầm trọng.
Một trong 130 tuyến đường của TP. Cần Thơ bị ngập sâu trong đợt triều cường chiều tối 19/10, việc lưu thông rất khó khăn |
Nước ngập sâu cũng đã ảnh hưởng đến nhiều diện tích vườn cây ăn trái, rẫy trồng màu, mía và ruộng lúa của nông dân. Chưa có con số thống kê chính thức, đầy đủ diện tích, mức độ, giá trị bị thiệt hại về mùa màng do ngập lụt - đặc biệt là diện tích lúa vụ Thu Đông mà Bộ NN&PTNT đã khuyến cáo nông dân miền Tây tăng diện tích canh tác lên trên 800.000ha. Nhưng thực tế tại các tỉnh vùng giữa miền Tây như Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang,... đã có không ít diện tích vườn cây ăn trái bị nước tràn qua đê bao hoặc do hệ thống đê bao khép kín chưa hoàn chỉnh, gây ngập sâu, có nguy cơ chết cây lâu năm, thiệt hại cho nhà vườn và nhiều cánh đồng lúa Thu Đông gần tới ngày thu hoạch bỏ ngoài đồng sóng xoãi trong mưa, gió, ngập lụt. Đơn cử, riêng tỉnh Hậu Giang có khoảng trên 1.000ha vườn cây ăn trái bị ngập, ảnh hưởng, có nguy cơ chết cây và gần 1.000ha lúa Thu Đông tới ngày thu hoạch bị đổ ngã, nước ngập, ước thiệt hại từ 30 - 70% năng suất.
Những cánh đồng lúa Thu Đông gần tới ngày thu hoạch bị gió, mưa, nước ngập... sóng xoãi ngoài đồng |
Người nông dân không chịu bỏ cánh đồng lúa Thu Đông sóng xoãi trong mưa, gió, triều cường, tranh thủ cắt lúa dù chưa tới ngày thu hoạch (A: CP) |
Ngoài việc theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, thủy văn, triều cường..., chính quyền, cơ quan chức năng các địa phương đã tăng cường việc điều tiết giao thông, điều chỉnh giờ học cho các trường phổ thông... Một số địa phương tiểu vùng bán đảo Cà Mau đã huy động lực lượng ra đồng giúp dân thu hoạch lúa Thu Đông.
Bộ CHQS tỉnh Cà Mau điều động lực lượng ra đồng giúp dân thu hoạch lúa Thu Đông chạy triều cường |
Các nguồn tin thủy văn cho biết những ngày cuối tháng 10, nhiều khả năng lượng nước thượng nguồn Mekong chảy vào sông Tiền, sông Hậu tiếp tục gia tăng nhanh hơn, mức nước đổ vào đầu nguồn dao động từ 17.000 - 21.000 m3/s, tổng lượng dòng chảy nhiều hơn năm ngoài, mực nước đạt khoảng 3m nhưng vẫn dưới mức báo động 1 khoảng 0,5m.
Đáng chú ý, trong trạng thái La Nina, lượng mưa cuối mùa tiếp tục gia tăng, mực nước Mekong tiếp tục gia tăng nhiều và cao hơn trong tháng 11 thì có thể đợt triều cường trung tuần tháng 11 (từ 14 - 18/11) tình trạng ngập lụt ở miền Tây sẽ tiếp diễn. Theo nhận định của Bộ TN&MT, ngoài đợt triều cường xuất hiện vào trung tuần tháng 11, còn có 1 đột triều cường xuất hiện từ 13 - 17/12/2020.
Việc chủ động điều chỉnh sản xuất, sinh hoạt để ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do ngập lụt cuối năm vẫn cần được chính quyền, cơ quan chức năng và người dân miền Tây chú trọng cùng với các biện pháp sẵn sàng đối mặt với hạn, xâm nhập mặn vào mùa khô tới.